Cô gái à, đừng có tư tưởng "chịu lấy"
Cô bạn tên Cao Khiết ở Nam Kinh của tôi luôn muốn lấy một người đẹp trai xuất chúng, nhưng người tính không bằng trời tình, hai anh người yêu đẹp trai của cô ấy cuối cùng đều là kẻ phụ bạc. Năm Cao Khiết ba mươi tuổi, có một người đàn ông hơn cô tám tuổi, lại hơi xấu một chút theo đuổi cô ấy, hai người qua lại khoảng hai năm thì bước vào "cung điện hôn nhân".
Sau khi kết hôn, chồng Cao Khiết rất yêu thương cô ấy, quan tâm săn sóc hết mực, nhưng Cao Khiết cũng không cảm động, cô nghĩ tất cả đều là đương nhiên. Cao Khiết nghĩ mình chịu lấy anh ấy đã là tốt lắm rồi, anh ấy phải đối xử với mình như thế. Từ đó, Cao Khiết sống như bà hoàng, công việc của cô rất nhàn nhã, tan ca về nhà thì ngồi ở phòng khách xem TV, chờ chồng về nấu cơm, ăn xong lại lên mạng, tất cả mọi việc trong nhà đều do chồng cô ấy lo liệu. Nửa năm sau, Cao Khiết định mang thai, thế là cô ấy bèn xin nghỉ việc, ban ngày người chồng phải đi làm, không thể ở nhà chăm sóc cho cô, cô bèn đón mẹ mình tới ở cùng, vừa chăm sóc cuộc sống thường ngày vừa làm bạn với cô. Khi mẹ Cao Khiết tới, thấy con gái như bà hoàng còn con rể như người hầu, bà không đắc ý vì thấy con gái có địa vị cao tuyệt đối trong nhà. Trái lại, bà nghiêm nghị hỏi Cao Khiết: "Các con vốn là vợ chồng, vợ chồng thì nên chăm lo đỡ đần cho nhau. A Văn làm nhiều việc vì con như vậy, con đã làm được gì cho nó chưa?"
Cao Khiết nói: "Con chịu lấy anh ấy, anh ấy chẳng mừng quá ấy chứ, mà anh ấy còn chưa nói gì thì mẹ đã mắng con trước rồi."
Mẹ Cao Khiết bèn giận dữ nói: "Nếu con không thích thì đừng cưới người ta, nhưng đã cưới rồi, đừng nghĩ mình cưới người ta là thiệt thòi, là 'chịu lấy', từ lúc kết hôn tới giờ, con đã từng quan tâm tới nó chưa? Đã làm được gì cho nó chưa? Lúc nào con cũng nghĩ mình còn trẻ, chấp nhận lấy nó là đang ban ơn cho nó. A Văn là người tốt, nó có thể bao dung con một tháng, bao dung con một năm, thậm chí năm năm mười năm, nhưng nó có thể bao dung con cả đời không? Ai cũng là con người, ai cũng muốn được quan tâm. Mười năm sau, con cũng không còn trẻ nữa, lúc đó con còn lại gì? A Văn rất thương yêu con, quan tâm hết lòng, nó là một người chồng tốt, mẹ thấy không phải nó không xứng với con, mà con không xứng với nó. Nếu con cứ thế này, mười năm sau nếu nó muốn ly hôn, mẹ sẽ không đứng về phía con đâu."
Bị mẹ trách mắng nên Cao Khiêt rất bực bội, nhưng rồi bình tĩnh ngẫm lại, cô ấy biết mẹ chỉ muốn tốt cho mình, mà bà nói cũng rất có lý, quả thật là mình hơi quá đáng.
Mẹ Cao Khiết thấy cô chịu nghe bà nói thì sắc mặt cũng dịu đi, ân cần dặn dò: "Cao Khiết à, dù con là công chúa, nó là người hầu hay nó là thiếu gia con là nô tỳ, thì chỉ cần hai đứa kết hôn với nhau, địa vị của hai đứa sẽ là bình đẳng, nếu không thể sống một cách bình đẳng thì cuộc hôn nhân này sẽ không hạnh phúc." Dưới sự đốc thúc của mẹ, Cao Khiết bắt đầu thay đổi thái độ của mình với chồng. Khi chồng nấu cơm, cô ấy sẽ ở bên cạnh giúp đỡ, cũng bắt đầu học nấu cơm với chồng; khi chồng quét nhà, cô ấy sẽ lau bàn; khi chồng tan ca, cô ấy sẽ quan tâm hỏi chồng đi làm có mệt hay không.
Để ý kỹ, cô ấy mới ngạc nhiên nhận ra chồng mình có rất nhiều ưu điểm: Anh ấy hiền hậu bao dung, ngày ngày đi làm vất vả là thế, về nhà còn phải làm bao nhiêu việc, nhưng chưa từng oán trách dù chỉ một câu; anh ấy cẩn thận tỉ mỉ, luôn chăm sóc Cao Khiết từng li từng tí; anh ấy nặng tình nặng nghĩa, tuy Cao Khiết đối xử với anh ấy rất tồi tệ nhưng anh ấy chưa từng chấp nhặt, sẵn sàng hi sinh mà không một lời oán trách. Bởi vậy, Cao Khiết bắt đầu cam tâm tình nguyện đối xử tốt với chồng, chồng cô ấy cũng nhận ra sự thay đổi của Cao Khiết, ngoài vui vẻ thì anh ấy càng trân trọng Cao Khiết hơn xưa.