Mùa đông năm Thiên Ứng Chính Bình thứ mười (1241), Thuận Thiên Hoàng hậu hạ sinh tam hoàng tử Trần Quang Khải, đánh dấu sự ra đời của một vị vương gia tài đức vẹn toàn trong Hoàng triều Trần ở thế kỷ thứ 13, nước Đại Việt.
*******
Tọa lạc bên trong cung Quan Triều, điện Thiên An chìm trong sự tĩnh lặng cô tịch giữa buổi chiều tà cuối giờ Mùi¹. Đằng sau tấm mành rủ mỏng ngăn cách không gian giữa chính điện và thư phòng riêng của Quan gia, bóng dáng cao ráo tĩnh lặng đến từ vị đế vương đang tại vị đổ dài xuống sàn gỗ nâu sẫm. Thiện Hoàng Trần Cảnh² chắp hai tay ra sau lưng, khuôn mặt góc cạnh của người hơi ngẩng lên, ánh mắt đăm chiêu chậm rãi lướt qua từng chiếc gáy sách được sắp xếp ngăn nắp trên kệ gỗ trước mặt.
Tấu chương vẫn chưa phê duyệt xong, mực mài cũng vẫn trơ trọi nằm, Thiện Hoàng xưa nay rất ít khi xao nhãng công việc. Gần đây thường xuyên thất thần chỉ vì hai hôm trước, người nghe thái y tâu rằng thai rồng của Thuận Thiên Hoàng hậu đột ngột có biến.
Nàng ấy có mang vẫn chưa đủ chín tháng mười ngày. Thiện Hoàng bấm ngón tay nhẩm tính, đây dường như mới là cuối tháng thứ bảy trong thai kì của hoàng hậu mà thôi. Khi nhận được tin không mấy tích cực ấy, người dường như chẳng có biểu cảm gì rõ rệt. Nhưng chúng nô tài thị vệ xung quanh đều đọc được sự đau thương lẫn lo lắng trong mắt của vị đế vương ấy. Người không lập tức đến cung Nguyệt Hiên thăm nom Thuận Thiên Hoàng hậu, ngược lại chỉ sớm tối trú trong điện Thiên An để vùi đầu xử lý văn kiện từ khắp nơi trong ngoài kinh thành gửi về.
Thế nhưng, Thiện Hoàng thực sự không chú tâm nổi. Người hiện tại đang rất lo lắng cho thai tượng của hoàng hậu.
Mỗi lần đau đáu việc gì, người vẫn luôn có thói quen ngắm nhìn kệ sách gỗ đặt trong gian phòng riêng. Thiện Hoàng sẽ đứng đó đến vài khắc³, chuyên chú đọc từng dòng văn tự được đề trên gáy sách, đến khi thái giám thân cận đứng ngoài gian chính điện, cách tấm mành tre lên tiếng nhắc nhở, người mới lặng lẽ di chuyển tầm nhìn.
Lúc thì dùng thiện, lúc thì nghỉ ngơi. Dường như bọn nô tài hầu hạ Thiện Hoàng trên dưới trong cung Quan Triều mà không nhắc, có lẽ người cũng sẽ chẳng màng đến hai việc ấy.
Đến ngày thứ tư, tấu chương được phê duyệt xong, người mới quyết định đến thăm hoàng hậu của mình tại cung Nguyệt Hiên.
Thuận Thiên Hoàng hậu sau khi hạ sinh Thái tử Hoảng, phụng thể đã có vẻ kém đi, sức khỏe không còn như ngày xưa. Thiện Hoàng biết điều ấy nên luôn đặc biệt dặn dò thái y phải thường xuyên chẩn mạch, điều dưỡng phụng thể cho hoàng hậu thật chu đáo. Thiên Ứng Chính Bình năm thứ chín (1240), nàng vừa sinh xong Trần Hoảng lại liền có mang ngay sau đó. Thai rồng lúc nào cũng quan trọng, nhất là ba tháng đầu. Trong thời gian ấy, Thiện Hoàng hết sức quan tâm đến sức khỏe của nàng.
Tối hôm ấy, Thiện Hoàng dùng thiện tại cung Nguyệt Hiên cùng với Thuận Thiên Hoàng hậu.
"Khởi bẩm Quan gia⁴."- Lão thái giám ôm quyền khom người, cung kính thưa. "Cung Nguyệt Hiên đã chuẩn bị xong thiện cho người và hoàng hậu, chỉ chờ người đến dùng bữa thôi ạ."
BẠN ĐANG ĐỌC
THỪA TƯỚNG CHIÊU MINH
Tarihi KurguHào khí Đông A của dòng họ Trần có vị Thượng tướng Thái sư nọ, hiệu Chiêu Minh - tước Đại vương. Công đức vô lượng, vạn phần hào kiệt. Tản mạn về Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải.