Vậy là cuộc hẹn đầu tiên ngoài đời thực của Jane và Bảo Duy được ấn định vào chiều tối thứ Sáu của tuần tiếp theo, sau khi cô kết thúc hai ca thi đầu tiên của học kỳ I. Khóa học của Jane được chia làm ba học kỳ, mỗi kỳ sáu môn và kéo dài trong ba tháng, khi học kỳ kết thúc sẽ được nghỉ một tháng trước khi bắt đầu kỳ tiếp theo. Vì thời gian ngắn và khối lượng kiến thức thực sự khủng khiếp nên Jane chỉ còn có bốn mươi mốt cân, sụt ba cân trong vòng ba tháng. Cô chỉ đành thầm nhủ cố thêm hai tuần nữa thôi, thi xong sẽ bay về Việt Nam cho bố mẹ tẩm bổ rồi quay lại "chiến" tiếp.
"Mở bát" là hai môn khó nhằn nhất đối với Jane kỳ này: Quản trị nghiên cứu (Research Management) và Quản trị tài chính quốc tế (International Financial Management). Vì vậy, không khó hiểu khi cả tuần cô chỉ ngồi lì trong phòng để ôn thi, mỗi ngày chỉ ngủ ba, bốn tiếng và thói quen nói chuyện với Bảo Duy cũng giảm thời lượng xuống còn năm, mười phút mỗi ngày, thường là khi Bảo Duy nhắc cô ăn uống đúng giờ và đủ bữa.
Hai giờ đêm thứ Tư, tức rạng sáng thứ Năm, Jane vẫn chống cằm nhìn đăm đăm vào "củ hành ngâm cứu" (research onion), tự hỏi tại sao người ta có thể phức tạp hóa cuộc sống này đến như vậy. Có những thứ, nếu phức tạp quá, thay vì ngồi soi củ hành này để làm nghiên cứu, mình chấp nhận nó như chuyện ăn cơm uống nước hằng ngày – đều là lẽ thường tình của tạo hóa có được không?
Một giọng nói khác gần như ngay lập tức vang lên trong đầu, dập tắt luôn ý nghĩ phản khoa học của cô nàng: "Vậy có muốn nhận học bổng nữa không?". Chí mạng quá, người ngoài nhìn vào nghĩ Jane chong đèn học vì đam mê, đâu ai biết thực ra là vì sợ mất tiền học bổng, tệ hơn là tiền thi lại, nghe nói đâu đó là 2,000 SGD cho một môn.
Còn nhớ khi mới tiếp cận với môn Quản trị nghiên cứu này, Jane đã rất vật vã vì chương trình cử nhân ở Việt Nam không liên quan đến môn này và cũng có nhiều khái niệm mới lạ ngoài ngành kinh tế thông thường. Cô nàng đã từng mất cả một đêm chỉ để phân biệt và hiểu rõ hai từ "phương pháp luận" (methodology) và "phương pháp" (method) trong nghiên cứu.
Bài luận đầu tiên cô nhờ thầy giáo "chấm nháp" đã bị 0 điểm do trình bày theo hướng một bài báo cáo khoa học (report) thay vì một bài luận văn (essay) như đề bài yêu cầu. Sau đó, cô nàng đã phải thức trắng hai đêm liền để sửa lại, may mắn vẫn có thể đạt kết quả xếp thứ hai và người xếp thứ nhất không ai khác ngoài Pat.
Jane "lườm" củ hành đáng ghét kia thêm một lúc rồi chuyển qua môn Quản trị tài chính quốc tế. Môn học này vừa cần nắm các sự kiện lịch sử về ngành tài chính ngân hàng, điển hình như cuộc Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 (Global Financial Crisis), bắt đầu với việc vỡ bong bóng bất động sản tại Mỹ hay cuộc Đại khủng hoảng (The Great Depression) những năm 1930, vừa phải cập nhật những sự kiện mới, xu hướng kinh tế - tài chính toàn cầu để mang đến góc nhìn tổng thể.
Jane theo thói quen, truy cập The Straits Times – trang báo mạng phổ biến nhất tại Singapore, để cập nhật tin tức. Va vào mắt cô ngay lập tức là tiêu đề bài báo về việc bong bóng bất động sản đã trở thành điểm nóng của Singapore trong những ngày gần đây, bài đăng từ hai hôm trước.
BẠN ĐANG ĐỌC
Hoàng tử lớn và bông hoa xứ Rome
RomanceGiá trị cốt lõi tớ muốn mang đến không chỉ là câu chuyện tình yêu, dù vẫn thuộc thể loại tiểu thuyết tình yêu hiện đại, chính là tớ muốn chia sẻ quan điểm về nữ quyền, tri thức & nhận thức, sức mạnh tiềm ẩn bên trong mỗi cô gái, về quá trình tự chữa...