I. TÌM HIỂU CHUNG
1. Tác giả: Kim Lân (1920-2007).
- Tên khai sinh: Nguyễn Văn Tài.
- Quê quán: Huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
- Ông là nhà văn chuyên viết truyện ngắn và đã có sáng tác đăng báo từ trước Cách mạng tháng Tám 1945.
- Phong cách sáng tác: Ông chuyên viết truyện ngắn nên ngòi bút của ông luôn vững vàng, ông hay viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một người vốn là con đẻ của đồng ruộng.
2. Tác phẩm:
- Thể loại: Truyện ngắn
- Hoàn cảnh sáng tác: Được viết trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp.
- Xuất xứ: Đăng lần đầu trên "Tạp chí Văn nghệ" năm 1948.
- Tóm tắt: Ông Hai là người dân làng chợ Dầu, trong những ngày tháng giặc Pháp tràn vào làng, ông cùng gia đình tản cư đến nơi khác. Làng của ông bị người ta đồn là làng Việt gian, bán nước, nhưng trong lòng ông vẫn giữ vững niềm tin về làng của mình. Khi đã sống ở nơi tản cư, ông Hai dù không biết đọc, nhưng hằng ngày vẫn đến phòng thông tin để nghe thông tin về kháng chiến, và đặc biệt là hỏi thăm thông tin về làng chợ Dầu của ông. Khi nghe người ở nơi tản cư đồn làng ông bán nước, ông Hai đã đau khổ, bức bối vô cùng, còn có cả suy nghĩ bỏ làng, nơi tản cư cũng không cho dân làng chợ Dầu ở nữa. Nhưng may thay, tới lúc gia đình ông chuẩn bị đi nơi khác thì tin làng ông theo Tây đã được cải chính, ông Hai sung sướng, tự hào vô cùng.
- Chủ đề: Lòng yêu nước, tình yêu làng của người nông dân Việt Nam
- Ý nghĩa nhan đề: Đặt tên là "Làng" mà không phải "Làng Chợ Dầu" vì nếu thế thì vấn đề tác giả đề cập đến chỉ nằm trong phạm vi nhỏ hẹp của một làng cụ thể. Đặt tên "Làng" vì truyện đã khai thác một tình cảm bao trùm, phổ biến trong con người thời kháng chiến chống Pháp: tình cảm quê hương, đất nước. Như vậy, tình cảm yêu làng, yêu nước không chỉ là tình cảm riêng của ông Hai mà còn là tình cảm chung của những người dân Việt Nam thời đó.
- Bố cục:
+ Phần 1 (Từ đầu ... "vui quá!"): Tâm trạng của ông Hai trước khi nghe tin làng theo giặc.
+ Phần 2 (Tiếp ... "đôi phần"): Tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc.
+ Phần 3 (Còn lại): Tâm trạng sung sướng của ông Hai khi nghe tin cải chính.
II. PHÂN TÍCH
1. Mở bài:
"Ai quên cho được mái tranh nâu
Luống đất bờ ao với nhịp cầu
Mồ mả ông chôn giữa đất
Lòng người, lòng đất cảm thông nhau."(Tình quê tình nước - Kiên Giang)
- Con người, bất cứ ai, sinh ra, lớn lên cũng đều gắn mình với quê hương, với một bờ ao, một luống đất, một dòng sông, một khu phố, một con đường... với biết bao tình cảm mến thương khăng khít. Chính tình yêu đối với những sự vật nhỏ bé, cụ thể ấy đã góp lại trở thành tình yêu quê hương, đất nước. Xuyên suốt các chặng đường văn học Việt Nam, tình yêu quê hương, đất nước đã trở thành mạch nguồn cảm xúc dạt dào, tuôn chảy.
BẠN ĐANG ĐỌC
TÀI LIỆU NGHỊ LUẬN VĂN HỌC 9
PoesiaSưu tầm những bài văn hay, những kiến thức cơ bản lẫn nâng cao của các tác phẩm ngữ văn 9. Và tất nhiên mục đính chính chính là ôn thi tuyển sinh vào lớp 10