Ông bố tồi đã chết như thế nào?

28 4 4
                                    


1. "Ông bố tồi đã treo cổ tự tử vì nợ nần chồng chất. Mọi người nói vậy, thế vì sao ông ta lại treo cổ?" Đó là câu hỏi ẩn danh được đăng tải tại một diễn đàn trên mạng. Không đầu, không đuôi, không ai biết danh tính thật sự của người đăng cũng như người "bố" được nhắc đến nhưng nó vẫn là một đề tài rất thu hút sự bàn luận của nhiều người.

2. Bạn bè trong lớp nhấn "tag" tên nó vào bài viết đó. Cũng dễ hiểu thôi bố nó cũng mới mất, cũng là treo cổ. Nghe đâu cũng là vì khoảng nợ không thể chi trả.

3. Nó đã từng có gia đình bốn người hạnh phúc,nơi có bố, mẹ và em gái nó. Đó là trước khi bố nó vỡ nợ. Ông ta bảo đấy là do đầu tư thất bại còn mẹ nó bảo ông ta đem tiền cho gái rồi bị lừa. Đó cũng là nguyên nhân bố mẹ nó li hôn.

4. Sau khi bố mẹ nó li hôn căn nhà cũ thuộc về bố nó, phần tài sản còn lại là của mẹ nó. Nó đi với mẹ còn em gái ở với bố. Đó là trước khi bố nó chết.


5. Bố nó chết 8 ngày trước, vào cái ngày tròn 3 năm bố mẹ nó li hôn. Sau khi bố nó chết mẹ nó quyết định đón em gái nó về sống cùng một thời gian. Thật ra cả nó và mẹ đều muốn em gái nó ở cùng họ nhưng có vẻ dượng (chồng mới của mẹ nó) không thích điều đó. Cũng phải, có mình nó người đàn ông đó đã không vui rồi giờ lại thêm em gái nó thì mẹ nó lại càng thêm khó xử.

6. Bố nó chết rồi và nó là người đứng ra nấu cơm tuần đấu cho bố nó, theo phong tục địa phương là như thế. Ngày ba bữa đầy đủ như lúc còn sống. Một tuần đó với nó khá mệt vì phải thức khuya dậy sớm làm cơm rồi cúng bái. Nó làm những việc ấy một phần vì chút tình nghĩa cuối cùng phần vì nó ghét mấy câu gièm pha của họ hàng,làng xóm những người vốn chẳng hiểu gì về cái khổ của gia đình nó. Sau tuần đầu thì đỡ hơn, bà nội và cô nó làm thay nó việc cúng bái rồi.

7. Sau khi bố mất nó về nhà cũ nhiều hơn, chủ yếu là về thăm bà nội để bà bớt buồn. Căn nhà cũ của bố nó chẳng còn mấy đồ đạc, sau khi nó và mẹ ra đi nơi này đã trở nên tồi tàn đi nhiều. Mọi thứ xung quanh hình như vẫn thế nhưng cảm giác lại rất khác. Nó bước lên tầng hai vào phòng cũ của bố mẹ nó, nơi mà bố nó đã treo cổ tự tử. Căn phòng tối om, ẩm mốc không có lấy một chút khí người sống nào, cái không khí ảm đạm đến rợn người đó làm nó mệt mỏi. Nó vốn định vào đây để quét dọn lại căn phòng nhưng càng ở lại lâu nó càng thấy khó chịu. Trong đầu liên tục hiện lên cái cảnh hôm ấy bố nó mặt mày tím ngắt cứng đờ,người còn nồng mùi rượu được người ta tháo dây đỡ xuống ngay trong chính căn phòng này. Nó đã ở đó chứng kiến tất cả, nó vô hồn nhìn bố nó cả người đã lạnh ngắt, bà nội và các cô thì gào khóc, em gái nó đã sợ phát ngất từ lâu rồi. Khung cảnh ngày ấy làm nó ám ảnh mãi không thôi, ám ảnh với cái xác lạnh tanh của bố nó cũng ám ảnh vì tiếng khóc ai oán của người nhà.

8. Bố nó là một người đàn ông tồi, ông ta ngoại tình cờ bạc đến lúc chết đi vẫn còn để lại cho người nhà một khoảng nợ khá khá. Nhưng biết sao được thật sâu bên trong nó vẫn muốn nhà mình sẽ quay về như xưa. Cái hồi mà bố mẹ nó chưa li hôn và bố nó còn sống. Chí ít đó là một gia đình thật sự. Nơi đó nó và em gái được đối đã bằng tình thương thật lòng chứ không phải chút lễ nghĩa ngượng ép cũng chẳng cần nhìn sắc mặt ai mà "thở".

9. Nói bố nó là "một thằng cha vô trách nghiệm" cũng không hẳn đã đúng. Ông ta vẫn chăm lo cho con gái mình vẫn quan tâm đến thằng con trai đang độ thiếu niên nhưng đấy là lúc ông ta tỉnh rượu. Sau khi li hôn với mẹ nó cũng như phá sản vì những vụ đầu tư chẳng đâu vào đâu cô tình nhân của ông ta cũng mất tăm hơi. Chán nản ông ta tìm đến rượu chè, cờ bạc nhưng càng lún sâu thì cuộc đời ông ta càng tăm tối. Rồi cái ngày ông ta đến nhà mới của vợ cũ để đón hai con về nhà ngoại ông ta đã gặp dượng của nó. Ban đầu còn là những lời chào hỏi khách sáo nhưng càng về sau những lời châm biếm nhau lại xuất hiện càng nhiều. Cuối cùng hôm ấy ông ta về nhà mà chẳng đón được con. Tuyệt vọng, trong cơn say ông ta chọn treo cổ trong chính căn nhà cũ của mình. Nơi lưu trữ những kí ức tươi đẹp cuối cùng bên vợ con. Cũng vì lẽ này mà em gái nó  cho rằng bố họ bị dượng hại chết. Nhưng nó thì không, nó biết ơn dượng nó nhiều hơn là oán trách. Thật tâm nó biết ơn người chồng mới của mẹ nó dù nó biết dượng chẳng ưa gì anh em nó cả.

10. Từ khi bố mẹ li hôn nó chưa bao giờ khóc. Thật ra đó chỉ là điều người ngoài nhìn thấy. Ngày ấy khi cầm trên tay bức thư do đứa em gái bảy tuổi viết cho bố mẹ nó đã khóc. Đó là một bản cam kết.
"Ông ... cảm kết sẽ không li hôn với bà..." Đây có lẽ là dòng làm nó khóc nhiều nhất. Đứa em ngây thơ tin rằng khi bố mẹ kí xác nhận vào tờ đơn ấy thì bố mẹ nó sẽ không bỏ nhau. Con bé bảo đây là "văn bản hành chính công vụ"nó được học trên lớp, cô giáo bảo với con bé khi đã kí bản cam kết thì bắt buộc phải thực hiện theo. Khi ấy bố mẹ nó đã vô cùng khó sử khi con bé liên tục buộc họ phải kí vào bản cam kết ấy. Đến cuối cùng cái ngày hai anh em phải chọn theo bố hay mẹ vẫn đến.

11. Thật ra trong một cuộc hôn nhân đổ vỡ ai cũng là người bị tổn thương. Nhưng cuối cùng đứa trẻ của cuộc hôn nhân ấy mới là người mang theo nhiều tổn thương nhất.







Đôi dòng tâm sự:
- Mọi góp ý của bạn đọc đều là độc lực và bài học cho tác giả. Xin cảm ơn.

Tôi đã chết như thế nào?Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ