Phi anh hội

570 46 7
                                    


Mấy độ xuân vừa hết, cái lạnh tan ra trên da thịt. Nắng vàng vắt ngang qua những tán lá non xanh rờn, nhảy nhót trên những đôi má đào hây hây của thiếu nữ đương độ trăng rằm. Hạ lấp ló bước qua khung cửa, gió hiu hiu thổi và mặt sông lăn tăn gợn sóng. Thuyền chài gõ nhịp rất xa, từ hiên nhà nghe vọng lại tiếng ê a cùng tiếng sáo diều lửng lơ lơ lửng.

Trong khách trọ, khách khứa vào ra tấp nập. Thẻ gỗ ghi danh bày kín cả mặt bàn, thơm nức hương ngọc am. Đám liễu hoàn bận áo màu thiên thanh, tay bê khay đựng bình gốm hoa lam, sắp hàng ngay ngắn từ dưới thềm lên đến phía trên bục đài giữa sân. Nơi ấy là một khoảng rộng mênh mông soi rõ bóng trời xanh, bên trái là hồ nước cá nhởn nhơ bơi lội, bên phải là giàn đồ mi phủ kín. Hoa trắng như tuyết, đương giữa độ mãn khai, gió nhẹ lướt qua, chờn vờn trêu đùa mấy vị tao nhân mặc khách. Vào cuối xuân, giữa độ hoa nở đẹp nhất, quán mở tiệc họp khách. Chẳng phân sang hèn, thiệp mời được gửi đi trước một tháng. Tin đồn rằng tiệc này chỉ họp anh tài. Trong buổi tiệc ấy, người người ngâm thơ, thưởng lãm. Người nào có hoa đồ mi sà vào chén phải uống hết một bát lớn Rượu Hoa Cau. Nếu gió đưa nhè nhẹ thì cử toạ(1) đều uống, đấy gọi là Phi anh hội(2).

Cát Đằng bước lên đài cao, lễ độ cúi chào. Vén tay áo lụa đào, mở hũ ra, hương thơm ngào ngạt theo gió lan toả khắp nơi khiến quan khách không khỏi trầm trồ:

"Rượu Hoa Cau", "Là Rượu Hoa Cau!"

Trồng cau là để ăn trầu, cả năm chỉ có một vụ. Vì thế nếu dùng hoa ủ rượu thì cau vụ đó không còn nữa. Nhưng hoa cau là thứ hoa đặc biệt, đêm càng thanh vắng càng thơm, hạ càng oi ả hương càng ngào ngạt. Chênh vênh trên cao xanh duy chỉ có loài hoa đấy tựa như kết tinh của nắng gió mây trời. Những người sành sỏi đều biết rằng, rượu nếp cẩm hay rượu kim cúc cũng chỉ là hạng xoàng thôi. Đợi qua đầu tháng trăng non chưa tỏ, đem thức hoa quý ấy ủ cùng rượu. Khi trăng già hay qua mấy mươi ngày nữa, thấy ngan ngát hương thơm, rượu dù cay nhưng càng uống càng ngọt, vị thanh thanh mà hương hoa vấn vít nơi đầu lưỡi, ấy là khi rượu đã thành. Rượu hoa cau chỉ dùng để đãi khách quý, hoặc những dịp trang trọng như Phi anh hội hôm nay. Rượu hoa cau vốn đặc biệt, mà Rượu Hoa Cau của quán càng quý hơn vạn phần.

"Cảm tạ các quan bác đã tới dự. Cổ thi có câu: Nở hết đồ mi hết mùa hoa. Nay xuân mãn, hạ sang, đồ mi nở, nơi đây tụ họp anh tài. Để tỏ lòng xin để quán em mời lượt Rượu Hoa Cau đầu tiên."

Nói đến đây trên dưới đài râm ran tiếng vỗ tay, ai nấy cười vang. Cát Đằng nâng ly lên cao, liền đó đám liễu hoàn lũ lượt rót cho khách. Bên dưới giàn đồ mi tao nhân mặc khách đứng hết lên cả, nhất loạt nâng ly, khai hội Phi anh.

***

"Bẩm cô, chén men hoa lam vỡ mất năm cái, trong kho hết sạch cả." Cát Đằng vừa từ trên đài cao xuống đã phải nghe tin xấu, lòng quặn lên. Đồ men hoa lam giá không rẻ, lỡ vỡ mất rồi thì biết tính sao giờ?

"Dùng chén Chu Đậu đi."

"Bẩm cô, khách đi ngựa tới nhiều quá, nhà ta hết chỗ rồi ạ."

"Bảo Tề dẫn sang bãi cỏ giáp bên sông, cắt cử hai người trông."

"Bẩm cô, dưới nhà đãi hến không kịp, chỉ e bánh đa xúc hến không thể bán trong bữa trưa hôm nay."

Đấy là món mới cho khách nhâm nhi, công chuẩn bị thôi đã mất cả mấy ngày, nay lại nói không kịp là không kịp thế nào?

"Bảo nấu cho nước thật sôi, cho muối vào rồi hãy cho hến, khuấy đều đợi hến tách vỏ. Nhanh nhanh tay mới kịp."

"Dạ vâng."

"Thanh Phù không có dưới bếp sao?"

"Dạ, chẳng biết mắm tôm chua có vấn đề gì, ban nãy con vừa thấy cô Thanh Phù đi xem rồi ạ."

Ngày thường thì không sao, hễ cứ có dịp khách khứa tấp nập là y như rằng mọi việc rối tung lên như mớ bòng bong. Khách trọ này chẳng lớn nhưng cũng lừng lẫy tiếng tăm. Phi anh hội người tới dự đều có chút chức sắc, hoặc là khách quen của quán, nếu có điều gì lỡ dở thì bao công sức coi như đổ sông đổ bể. Tất thảy chuyện bếp núc của khách trọ đều do một tay Cát Đằng quán xuyến, việc đi chợ, đôn đốc người làm đều do Thanh Phù lo liệu. Giờ này không ở đây chẳng rõ đã đi đâu mất rồi.

"Ối giời ơi cô ơi, trên nhà đang đánh nhau to lắm." Đứa chạy việc vặt lao đến, kéo tay nàng.

"Sao lại đánh nhau?"

"Con không biết nữa. Máu me bê bết cả."

Cát Đằng tất tả chạy lên. Trong quán xưa nay việc xô xát bao giờ cũng có, nhưng nếu trong Phi anh hội rặt một đám người èo uột suốt ngày thơ văn, sao lại đánh nhau tới nỗi đổ máu được cơ chứ?

Lúc lên tới nơi thì đại để quang cảnh là như thế này: kẻ áo xanh đấm kẻ áo nâu, áo nâu đạp áo tía, áo tía thụi áo chàm, áo chàm quay sang kẹp cổ áo xanh. Bốn người bốn phe đấm nhau sớn sác, loáng thoáng nghe ra mấy từ như "rượu" "làm hỏng" "mắt lé" "liếm trôn"... Cảnh này mà để Thanh Phù thấy thì sẽ nguy mất. Cát Đằng mau miệng:

"Các quan khách xin hãy dừng tay."

Không ai thèm nghe lời nàng nói. Có kẻ lại còn rống lên rõ to:

"Mả cha mày, mày làm hỏng Rượu Hoa Cau của ông." Kế đó tiếp tục lao vào quần nhau túi bụi.

Một bên đánh nhau, một bên đám người dự hội Phi anh vẫn chè chén. Ở Hoá Châu, việc đánh nhau còn nhiều hơn cơm bữa, đến nỗi đôi khi không có lại thấy thiêu thiếu. Lúc lúc có người bị ném vào gốc cây đồ mi, hoa rụng lả tả, khách khứa chẳng buồn quan tâm, ngỡ đây là gió thổi, nhất loạt đứng lên chúc rượu nâng ly theo đúng thủ tục.

"Bánh đa này ỉu... ỉu quá. Xúc với hến mất cả ngon." Bàn bên mắt mở không nổi, ngoắc tay Cát Đằng lại, líu ríu kể lể.

Cát Đằng lôi mấy miếng bánh đa đang nhúng cả trong bát canh, vẩy nước cho ráo đi:

"Bây giờ thì hết ỉu rồi." Nói đoạn nói nhỏ với liễu hoàn đứng sau "Đưa cho ông ta một cái bánh đa mới, mau tính tiền rồi đưa tiễn quán."

Liễu hoàn nhìn người đàn ông say quắc cần câu, trong mấy lớp áo hình như còn giấu một bình rượu từ ngoài đem vào liền vâng dạ làm ngay. Vừa khi bên đám hỗn loạn kia có kẻ tìm đâu được cái thạp, giơ lên toan đập vào đầu lão già áo tía. Cát Đằng thót tim, lão đấy là họ hàng của một vị tụng quan(3) trong triều. Chuyến này chỉ e đầu lão chưa kịp vỡ thì nàng phải đổ máu rồi. May thay lão kia tuy già nhưng còn dai sức, nhắm đánh không nổi liền co giò chạy trối chết. Gã kia trơ trơ đứng lại, sẵn trên tay liền ném cái thạp xuống đất, thét lớn:

"Bọn chó lợn đâu cả rồi? Mau ra mà phục vụ ông."

[Cảm hứng lịch sử] QUAN QUẢ CÔ ĐỘCNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ