"Lịch triều hiến chương loại chí" chép:
LÊ KHÔI
Ông người làng Lam Sơn, huyện Thụy Nguyên [Thanh Hóa], con người anh thứ hai của Lê Thái Tổ, sinh ra có dáng lạ, người thanh nhã, trọng hậu, ít nói cười, đàn bà trẻ con trong làng xóm đều biết tiếng.
Mùa xuân Mậu Tuất [1418], ông theo đầu tiên dưới lá cờ khởi nghĩa, mình đeo bên tả túi tên, bên hữu túi cung, theo vua ra hàng trận; công lao rực rỡ.
...
Vì có công, ông được phong Kỳ lân hổ vệ Thượng tướng quân, Tổng quản hành quân, Nhập nội Thiếu úy; sau lại thăng Tư mã, đeo kim phù rất vinh hiển.
Năm thứ 3 Thuận Thiên [1430], vua thấy nước nhà mới định, miền người Man chưa theo, đất châu Hóa lại giáp nước Chiêm, muốn ủy cho một chức quan trọng yếu trấn thủ, mới sai ông cầm quân tới trấn.
Suốt cả ngàn năm nay, Hoá châu chưa từng yên ổn.
Xưa kia vùng đất này thuộc miền Ô Lý(1) của Chiêm Thành, tiếp giáp với bờ cõi Đại Việt, chiến sự liên miên. Hoá châu chứng kiến những lần trao trả tù binh và cả những máu đổ nơi biên thuỳ, những lúc sứ thần Chiêm dùng quân phong thủy mà vượt biển, cướp bóc nhân dân lành(2). Thời điểm vó ngựa quân Nguyên dày xéo khắp cõi trời Nam cũng là khi Hoá châu trở thành địa điểm tập kết của hơn 50 vạn quân giặc, tràn vào hẹn trong ba năm sẽ san phẳng Đại Việt(3).
Hơn trăm năm trước, vua Chế Mân của Chiêm Thành dâng đất làm lễ vật dẫn cưới để nên duyên cùng công chúa Huyền Trân. Châu Lý được đổi tên là Hoá châu, chính thức sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Vậy nhưng kể từ đây về sau đánh dấu biên cương phía Nam chìm trong chiến sự. Liên tục nhiều lần Chiêm thành đòi lại đất, hoặc mang quân tràn sang. Trấn giữ Hoá châu chưa bao giờ là chuyện đơn giản.
Là vì giặc giữ luôn nhăm nhe đêm ngày chăng?
Có lẽ không chỉ vậy!
Từ thuở ban sơ, trăm năm, ngàn năm hoặc lâu hơn thế nữa, người dân Chiêm Thành đã sinh sống trên mảnh đất này. Hoá châu mang đậm hơi thở văn hoá, sắc tộc và tôn giáo ông bà, tổ tiên truyền lại. Việc sáp nhập với một quốc gia mới, dù là nước lớn như Đại Việt bấy giờ cũng khó lòng tránh khỏi những điều nghi kỵ, bất mãn. Đặc biệt hơn, Hoá châu có nhiều châu ki mi(4). Trên danh nghĩa, họ thần phục và dưới quyền Đại Việt. Vậy nhưng ai ai cũng rõ một điều, kể từ khi lập quốc đến nay, trải nhiều triều đại, các châu ki mi bao giờ cũng là nỗi lo canh cánh của bậc đế vương, khiến những người một bồ kinh luân(5) phải đêm ngày suy tính. Chưa kể, chốn biên viễn xa xôi là nơi đi đày của những kẻ tù tội. Chính vì vậy người được cử tới trấn thủ đều là trọng thần triều đình, nhất mực được vua tin tưởng.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Cảm hứng lịch sử] QUAN QUẢ CÔ ĐỘC
Historical Fiction▪️ Thể loại: Kỳ ảo, Cảm hứng lịch sử Việt Nam, Ẩm thực ▪️ Bối cảnh: Trần - Hồ - thuộc Minh - Lê Sơ ▪️ Giới thiệu: Mấy mươi năm đất nước loạn ly, chia cắt, Ai làm lã chã châu sa, cho vợ mất chồng, cho tùng quân bật khóc? Ai làm cho trẻ bơ vơ, cho già...