1.

447 37 6
                                    

  Từ khi Lò A Thuận biết theo đám trẻ loi choi trong bản cầm lao và chạy nhồng lên núi để săn thỏ và bẫy nhím, nó đã hiểu lờ mờ về sự khác biệt giữa mình và chúng bạn, rằng nó không có cả cha lẫn mẹ. Mẹ A Thuận là người phụ nữ đẹp nhất bản Rắp, nó vẫn hay nghe các già và các "pả"*, các "ào"* trong bản tỉ tê kể về bà sau mỗi lần cúng xong lễ Cơm mới, hay những đêm lạnh căm trên nhà sàn lửa cháy bừng bừng, rằng bà Hí, mẹ Thuận khi xưa là bông hoa mận tinh khôi, trắng rỡ và sáng bừng nhất mùa xuân Tây Bắc. (*pả, ào : chú, bác trong tiếng dân tộc Thái). Tóc mượt mà như suối chảy, da trắng nõn nà, má đỏ như sắc hoa ban, mũi thanh thanh, môi chúm chím, gương mặt sáng tựa trăng rằm. Hí thạo việc nương rẫy, làm hết từ cấy lúa đến bẻ ngô, đốt nương đến hái thuốc, lại giỏi nghề chuốt sợi bông dệt thổ cẩm, thứ vải Hí làm ra nức tiếng cả một vùng, người ta kháo nhau rằng, đến cả Vua Mèo và quan Tây dưới xuôi mỗi lần lên bản thu thuế đều đem về độ mấy mươi súc vải đen nhánh, chất đầy cả các xe ngựa. Thời còn son rỗi, người làng đếm chẳng xuể những trai làng đem đường phên và mật mía đến nhà dạm hỏi Hí, nhưng ông bà nhà chẳng ưng lấy một người. Ấy thế rồi, Hí có mang. Họ bảo rằng Hí chửa hoang, khiến cha mẹ xấu hổ mà đuổi Hí lên ở một căn chòi tồi tàn tít trên nương ngô. Ngày Hí sinh ra A Thuận, trời đổ mưa sầm sập, cuốn trôi cả mấy bồ thóc phơi trong sân chòi, khiến A Thuận còn đỏ hỏn bị bỏ mặc trong chòi, còn Hí mới đẻ xong còn yếu đã phải gượng dậy mà đi thu thóc, chẳng may trượt chân ngã chết. Thế là A Thuận hóa ra mồ côi. May làm sao, có người em dâu bên họ ngoại nhà Hí, tên là Mây, con một nhà giàu nhất nhì trong bản, mới trạc mười hai tuổi, thương tình đã lén đem A Thuận bị bọc kín trong tã lót đặt vào chiếc gùi đựng lá thuốc, mang về nhà giấu vào phòng củi. Từ ấy, Mây lén chồng và mẹ chồng nuôi Thuận, bé thì cho uống nước vo gạo, lớn thêm một chút thì mớm cơm nát, bột ngô hòa nước suối cho ăn. Cứ thế, cậu bé A Thuận dưới bàn tay chăm sóc của Mây đã lớn nhanh như thổi, chẳng mấy chốc, thân mình cậu bé đã to như thú dữ, sức đã khỏe như sức vâm, hai mắt sáng quắc tựa chim bằng, lông mày rậm, tóc dày và tua tủa như rễ tre. Để trả ơn Mây, đến năm mười lăm tuổi, vào lễ Lồng tông*, Thuận đã xuống nương thay con trâu kéo hết một thửa ruộng rộng đến nửa mẫu ta, rồi lên rừng bắt về một con hổ dữ để khao làng, nhận anh chị. Từ ấy, Thuận được coi như con cháu trong nhà Mây, ngày ngày cùng anh lên rừng đốn cây làm nhà, săn bắt chim thú, lâu lâu lại được theo mấy "pả" mấy "ào" đem vải vóc và rượu cần xuống chợ phiên bán, đem về các thứ của lạ và vài thứ trang sức bằng bạc. Có lần, Thuận đã đổi một tấm da gấu để lấy một sợi xà tích dài ngoẵng, vốn là đồ của một cô tiểu thơ nào đó ở dưới xuôi lên vùng này thưởng ngoạn rồi bị thổ phỉ cướp mất, đem ra chợ bán. Người làng nhìn Thuận cũng mấy bận xì xào, nhưng anh chị cứ gạt đi, bảo nó rằng tội quái gì phải để ý, bởi nó có anh chị, có cháu, có các già trong bản thương yêu, Thuận điển trai, khỏe mạnh, sống lại rất có nghĩa, nên lâu dần cũng chẳng ai buồn nhớ đến việc Thuận là đứa con mà Hí đẻ rơi, dẫu chẳng mấy ai quên được bông hoa mận tinh khôi của núi rừng.

  Mùa xuân đã về trên núi rừng, nhưng trời vẫn rét đến cắt da cắt thịt, hoa ban nở trắng xóa khắp núi rừng, sương móc treo đong đưa trên cành cây như những hạt ngọc, trên ruộng bậc thang, lúa non đã trổ đòng. Năm ấy Thuận tròn hai mươi tuổi, trong bản có cô con gái nhà Thống lý tên là Lả, hội mùa năm ấy đã ném cho Thuận một quả còn mười hai múi rõ đẹp, làm ai cũng trầm trồ rằng nó tốt phước, lại được gái nhà giàu để mắt đến. Ấy thế mà Thuận đã vội đỏ lựng cả mặt như say rượu, đem quả còn trả lại cho Lả, đoạn ba chân bốn cẳng chạy tuốt lên rừng, mãi đến đêm, khi trăng đã treo ngang đỉnh núi mới thấy bóng Thuận lần mò trèo lên nhà sàn, trên lưng đang còn vác một người trai mặc áo xanh quần dài, cổ đeo vòng bạc, mắt nhắm nghiền. Thuận tìm thấy người ấy khi đang thơ thẩn đi tìm một ống tre để làm đàn môi trong rừng, nó thấy y nằm gục bên bờ suối, áo ngoài ướt sũng những máu tươi, bàn tay ngâm dưới dòng nước chảy xiết, mặt tái nhợt. Thấy thế, nó vội vã giắt con dao nhỏ vào thắt lưng, tiến lại nâng người ấy dậy, đặt tay ngang mũi y xem có còn sống không. Hơi thở y run run yếu ớt, tựa có tựa không như muốn ngừng lại bất cứ khi nào. Thuận rút trong túi ra một nắm lá thuốc, nhai nát, rịt vào vết thương hở bên mạn sườn người nọ, đoạn dùng khăn lau sạch sẽ vết máu, rồi khẽ khàng cõng y lên lưng, chạy băng rừng về bản ngay trong đêm. Thấy bóng em lấp ló sau bức vách, Mây lập tức ngồi dậy, nhấc thanh chắn cửa nhà sàn lên, thò đầu ra hỏi :

Chiếc khăn piêu Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ