2.

248 35 17
                                    

  Hoàng Sơn bị đám lính lác người Tày đuổi đến bờ suối thì ngã gục, vết lưỡi lê đâm bên mạn sườn chảy máu càng lúc càng nhiều, cơn đau lan khắp người khiến tay chân y bủn rủn, hơi thở mỗi lúc một yếu dần. Đúng lúc ấy, một tốp lính có cả Tây đen lẫn Tây trắng dẫn theo vài tay người dân tộc vạch lùm cây bên bờ suối, hùng hổ bước ra. Sơn giật đánh thót một cái, hai mắt hoa lên, nhưng vẫn cố bấu víu lấy chút tỉnh táo cuối cùng mà nín thở, nằm im không cựa quậy. Một gã người dân tộc đầu quấn khăn trắng tiến đến gần, ngón tay đen đúa chai sần đặt ngang mũi người thanh niên, đoạn đứng dậy, nói bằng thứ tiếng Kinh bập bẹ :

    - Bẩm các quan, nó đã tắt thở rồi, ta có cần đem nó về cho cụ lớn xử không ạ ?

    - Chết rồi thì để mặc đấy, mau về thôi kẻo ngài Douxe lại nổi cơn tam bành thì dở lắm. - tiếng một lính Tây đáp lại, cũng trúc trắc không kém. Sơn cố dỏng tai lên nghe ngóng, tiếng bước chân của tốp lính mỗi lần một xa, máu dưới thân chảy đầm đìa thấm cả vào đất, cả người y lạnh toát, trong óc Sơn bắt đầu quay cuồng trăm thứ, rằng y chưa kịp đưa tin về cho tổ chức, rằng y chưa kịp nhắn lại với bố nuôi dưới Tam Kim và anh trai một câu, và rằng đất Hà Nội, rằng cầu Long Biên và tháp Bút hẳn đã chẳng kịp đợi người trai như y quay lại, và cứ thế, Sơn lịm dần, lịm dần... Trong cơn mê lãng đãng, Sơn thấy mình như được ấp trong lồng ngực một người, da người ấy nóng lắm, nóng hầm hập như một lò lửa, lại phảng phất một thứ mùi sương trắng rất lạ, pha lẫn với vài nốt hương cỏ dại và mùi cây gỗ phong hăng hắc. Y hơi giật mình, vết thương bên mạn sườn nhói lên, đau đến vã mồ hôi lạnh. Sơn rên khẽ, bàn tay vẫn còn tê cứng vô tình đập lên vai A Thuận khiến nó tỉnh giấc, cánh tay vô tình siết chặt lại khiến y ré lên trong cơn mê man, hai mắt vẫn nhắm nghiền, cả người run lẩy bẩy. A Thuận mơ màng tỉnh dậy, từ trong ánh lửa bập bùng lại trông thấy gò má người kia loang loáng hai dòng lệ chảy xuôi, môi mấp máy xem chừng đau lắm. Nó nhìn xuống tay mình, nơi bàn tay đặt trên sườn người thanh niên đã nhuốm máu. Hẳn là do ban nãy Thuận lỡ tay khiến vết thương mới băng bó vỡ ra. Thuận thở dài, đặt người ấy nằm sấp trên đệm, khơi đống lửa sau vách cho to thêm rồi mò mẫm đi tìm mớ lá thuốc ban nãy cụ Rấm để lại, đem đến bên cạnh nơi y nằm. Giở vạt áo Thái màu đen lên, Thuận mới trông rõ sáu vết thương nối nhau, dài chừng một lóng tay, sâu dễ đến độ bốn phân chồng chéo. Nó lắc đầu, dù trong đời nó từng lên rừng tóm hổ bắt hươu nai không biết bao lần, nhưng Thuận sống quen trên núi, đại ngàn đã tôi cho nước da nó đỏ như đồng hun, nước sông đã khiến bắp thịt trên người nó rắn như sắt đá, nên với Thuận, việc bị thương cũng bình thường như ăn cơm tối hay lên rẫy phát cỏ. Làn da dưới bàn tay thô ráp lạnh cóng, người thanh niên chốc chốc lại run lên nhè nhẹ, mãi đến khi Thuận đã lau sạch máu, và lấy vải quấn kín vết thương mới thở đều lại, lông mày cũng giãn ra đôi phần. A Thuận dọn dẹp sơ sơ, nghĩ bụng hồi lâu rồi mới để y gối lên vai mình, đoạn đắp kín chăn, chìm vào giấc ngủ.

  Sáng hôm sau, Sơn tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong chăn ấm sau một bức vách mỏng, bên ngoài vẫn còn một lò lửa nhỏ vẫn đang cháy âm ỉ. Cổ họng y khô rát, hai mắt nhập nhòe những đom đóm. Y còn sống. Hoàng Sơn mừng rỡ, nhưng rồi lại hốt hoảng, thế thì y đang ở đâu kia ? Trần nhà lợp cỏ gianh, tường đất sàn gỗ... là nhà của người dân bản sao ? Đúng lúc ấy, một ông già từ ngoài bước vào, mái đầu cùng bộ râu nhuốm màu tiêu muối, duy chỉ có đôi con mắt là sáng quắc lên như chim cú vọ, miệng cụ ngậm một điếu thuốc quấn to như con sâu, cổ đeo một cặp nanh thú bịt bạc, lưng đeo một bồ thuốc. Cụ Rấm chậm rãi ngồi xuống, đưa tay xoa xoa mái đầu người thanh niên, nói :

Chiếc khăn piêu Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ