Trách chi lời hẹn ước gửi tới mây trời. Rồi cũng kết thành mưa, bay theo gió trôi đi xa mất. Cố ý hay chỉ là vô tình quên đi thì cũng đều hoá thành một lời thề phù phiếm thời non trẻ.
Buổi chiều đầu tháng hai, trời rét ngọt. Cái giá lạnh thấm đẫm vào không khí xôm xốp, tràn qua khe cửa nghe thẽo thẹt day dứt, rét đến tím môi, lạnh má.
Tiếng loa rè rè trên ngọn phát ra như cái giá buốt, đau nhói quất thẳng vào nỗi niềm thương nhớ con, cùng cái dự cảm đau đáu về điều gì đó luôn ẩn hiện trong đáy lòng bà Phúc. Ngày hôm nay lạ lắm. Mây mù che kín bầu trời xám xịt, âm u đến mức đượm buồn.
Minh Hiếu loẹt xoẹt cầm chổi quét nhà, quét sân, thi thoảng ngước lên quan sát nơi dáng hình khắc khoải in lên bậu cửa. Bóng lưng bà Phúc chùng xuống, thành khẩn chắp tay vái lạy ông Trần trên bàn thờ nghi ngút nhang khói. Hiếu thở dài. Thấy mẹ như vậy, cậu xót gan xót ruột.
"Mẹ lại nhớ anh Nghĩa à?"
Lời còn chưa dứt, từ cổng nhà phát ra tiếng lọc cọc, đan xen là tiếng chim lợn kêu lên hu hú. Một điềm báo chẳng lành.
Trước cổng, hai anh bộ đội tìm đến. Tim Hiếu rơi thõng một nhịp, cầu mong cho điều tồi tệ cậu đang nghĩ tới đừng có xảy ra. Dẫu vậy, cuộc đời đâu thể theo như đúng ý, Minh Hiếu sững người, bên tai ù đi, mù mịt nghe những lời chia buồn cùng xin lỗi.
Bên cạnh, bà Phúc như chết đứng trước cái cúi đầu của hai anh bộ đội. Đôi mắt bà nhuốm tràn nỗi buồn, đọng đầy bóng nước nhăn nhó đến khắc khổ. Minh Hiếu đỡ lấy mẹ khi đôi chân bà chao đảo lúc nhận lấy quyển nhật ký cùng tờ giấy báo tử.
Nhìn cái tên "Trần Nghĩa" nhoè nhoẹt nằm cô độc lạnh lẽo trên trang giấy trắng với những dòng chữ lạnh lùng. Lòng bà Phúc đau thắt, nơi ngực trái giật lên, dù có muốn thì nước mắt không thể nào vỡ hết ra được, cứ tấm tức trong lồng ngực.
Quyển nhật ký tưởng chừng nhẹ bẫng, giờ đây lại nặng nề như đá tảng. Anh Nghĩa thất hứa rồi. Anh hi sinh trong chuyến vận chuyển trên đường Trường Sơn, tại nơi mang nặng lý tưởng hướng anh đến Cách Mạng. Pháo địch dội như mưa, tổ của anh đều cùng nhau nằm lại, khó thể nào tiến vào mang các anh trở về.
Hoá ra đây là lý do những cánh thư từ mặt trận của Nghĩa gửi về cứ thế thưa dần theo năm tháng. Bà Phúc và Hiếu luôn tự trấn an rằng mặt trận ngày càng khốc liệt, khó thể nào gửi thư về thường xuyên. Hai người cứ thế vin vào để nuôi niềm tin và sự chờ đợi. Chỉ là họ nào đâu thể ngờ.
Hai anh bộ đội bùi ngùi đi khỏi. Bà Phúc ngã khuỵu xuống nền sân lạnh ngắt, bần thần nhìn những bông hoa đỏ thắm được ép khô kẹp trong quyển nhật ký, rơi lả tả nơi mặt thềm. Gió bấc nổi lên, đưa đẩy lạo xạo những chiếc lá khô co mình trên cành cây u ám. Chẳng biết vô tình hay cố ý, cơn gió khẽ mơn qua, lật giở đúng trang viết cùng một dòng chữ vội vàng.
Con nhớ mẹ và em.
***
Trời chợp chờn, nhá nhem giữa thời khắc ánh sáng và bóng tối giao tranh, chẳng ai hay nơi cánh cổng mở toang, có một bóng hình cao lớn vẫn chôn chân lặng lẽ. Mãi cho đến khi tiếng gào khóc tha thiết của bà Phúc liên tục dội đến mới khiến anh bừng tỉnh, dạt đi những dòng suy nghĩ. Dương đưa mắt trông theo hai bóng hình một già, một trẻ run rẩy giữa khoảng sân trống trải, lạnh lẽo.
BẠN ĐANG ĐỌC
Tình; DuongHieu
Fiksi PenggemarDương và Hiếu; Dương Domic x Hiếu Thứ Hai Ngàn nụ hôn tôi gửi vào trong gió Gói tâm tình, tôi viết lại thành thơ @pnny.hng01