Chương 10

6.5K 271 45
                                    

Mùng năm tháng giêng năm Trọng Hi thứ mười sáu.

Một đạo hịch văn đánh thức Đại Uyên đang trong trạng thái tĩnh lặng trước cơn giông bão. Ngụy Hầu chính thức tuyên bố đương kim thiên tử đã di giá Bình Thành, hạ chiếu công bố Mạnh Thích Thanh mưu nghịch, chuyên quyền, hà hiếp thiên tử, hoang phí, khi dân… mười tội lớn.

Mùng bảy tháng giêng, hoàng đế hạ chỉ, tấn phong Bình Thành Hầu Ngụy Thái thành Bình Thành vương, bái tương khởi binh chinh phạt Mạnh thị. Tổng cộng mười ba châu Bắc Vệ Lĩnh đồng lòng hưởng ứng Cần vương chi sư.

Hai ngày sau, Mạnh Thích Thanh lấy danh nghĩa triều đình hạ chiếu, công bố hoàng đế ngã bệnh tịnh dưỡng trong cung, thiên tử ở Bình Thành là do Ngụy thị giả mạo, đồng thời lấy thân phận nhiếp chính quốc sư tuyên bố Bình Thành quân mưu phản, lệnh Hịch Trữ quân xuất chinh tiêu diệt.

Mười ba tháng giêng, khi tấn công Vị Châu – châu phủ duy nhất ở phía Bắc Vệ Lĩnh theo Mạnh thị – thiếu niên thiên tử đã thân chinh dẫn đầu đoàn quân, khiến cho sĩ khí đại chấn, chỉ trong nửa ngày đã công phá xong thành trì. Từ lúc đó, mười bốn châu Bắc Vệ Lĩnh lại trở về quyền quản hạt của thiên tử.

Mười bảy tháng giêng, quân vương sư tiến tới Xương Tiên Quan, năm vạn quân Hịch Trữ cũng cùng lúc đến đây, đôi bên giằng co mấy ngày chưa khai chiến.

Mười chín tháng giêng, hoàng đế hạ chỉ: huỷ bỏ “Ân điền lệnh” ở Bắc Vệ Lĩnh, nghiêm cấm thu đất, miễn “Liêu Dương phú” và mười loại thuế phụ thu khác. Giằng co đến hết tháng, vương sư và Hịch Trữ quân vẫn chưa khai chiến nhưng phía nam Vệ Lĩnh đã bắt đầu phát sinh bạo động hưởng ứng Cần vương.

Mười hai tháng hai, Hịch Trữ quân phó soái Liêu Phi Trản phái hai vạn quân ra Xương Tiên Quan giao chiến với vương sư trước cửa thành, tổn thất ba nghìn quân, chiến bại chạy về, nhưng vương sư vẫn chưa thể tùy tiện truy kích công thành. Mạnh Thích Thanh lập tức hạ lệnh nghiêm giữ Xương Tiên Quan, có ý muốn lấy Vệ Lĩnh làm ranh giới đôi bên.

Từ lúc vào Bình Thành đến nay chỉ mới hai tháng ngắn ngủi, Dương Thù đã vô cùng nhanh chóng thiết lập được uy quyền vương giả trước mặt quần thần, mà thời điểm mấu chốt đương nhiên là trong lần đầu tiên tiếp kiến bá quan đã làm nổi bật được bản lĩnh của mình.

Thành thật mà nói, những đại thần này hưởng ứng phò tá Dương Thù một phần là vì báo đáp ân đức tiên hoàng, một phần là do bất mãn chính sách tàn bạo của Mạnh thị, còn là bị uy vọng của hai vị cựu thần Ứng Bác, Ngụy Vương tác động; một số ít chỉ thuần túy là muốn kiến công lập nghiệp; còn kẻ thật tâm thật ý vì tiểu hoàng đế mà đến thì chẳng có một ai. Vì thế, trước lúc diện kiến Dương Thù, nhóm thần tử này cũng chẳng quá kỳ vọng vào hắn, chỉ mong vị quân chủ này có thể đạt mức bình thường, không vì bị Mạnh thị giam lỏng trong cung quá lâu mà sinh ra thói xấu, miễn cưỡng có thể đối mặt thiên hạ là được. Chính vì tâm lý như vậy, nên khi đột nhiên nhìn thấy một thiếu niên thần thái nhanh nhẹn, khí chất oai hùng, đương nhiên khó tránh kẻ khác kinh ngạc quá mức, vui mừng khôn xiết.

Dương Thù cùng Ngụy Hầu bước vào điện, long bào phấp phới trên sàn đá khắc hoa, từ tốn tiến lên đài, tiêu sái tự nhiên ngồi xuống ghế Cửu Long giữa đại điện, ánh mắt quét qua hơi mười vị văn võ tinh anh dưới bậc, tao nhã nâng một bàn tay.

Đế Đài Xuân - Phong DuyNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ