Thôn nhỏ, vì sự trở về của chồng Tấm mà vui như tết. Bà con rủ nhau đến nhà chơi, nói vài ba câu chuyện, chúc mừng gia đình Tấm sum họp sau bao năm xa cách, nhưng trên hết, mục đích vẫn là ngó chồng Tấm một cái.
Một đồn mười, mười đồn trăm, đều bảo chồng Tấm có cái tên rất mang hương vị dòng dõi, lại nhìn phong độ, cách ăn mặc khác hẳn thôn quê, không là quan thì cũng là người nhiều của. Nhưng mấy người chứng kiến ngày chồng Tấm tìm về với vợ thì đều khẳng định, ông đi bộ một mình, chỉ mang theo một cái tay nải con con, người thì tóc bạc trắng xóa, ước cũng ngoại lục tuần. Tôi một lời, anh một ý, không phân rõ được đành lũ lượt kéo đến nhà Tấm chứng thực.
Nhà Tấm vốn không lớn, mấy mẹ con với nhau thì vừa đủ, giờ lại có thêm người đàn ông, mới dựng vách ngăn tạm, nên nhìn thế nào cũng thấy nhỏ bé, chật hẹp. Tấm hôm nay không đi ruộng, ngồi chịu trận ở nhà tiếp bà con làng xóm. Vĩnh Gia xưa giờ độc tôn, vốn không quen bị người ta áp sát, còn cố nhìn vào tận mặt, ngồi yên trong nhà thực không ổn, đã sớm trốn ra vườn sau.. ngắm rau.
Người dáng cao lớn, đứng chắp tay sau lưng, thân thẳng như trúc, vô cùng đĩnh đạc, nhưng thực chất tai đang dỏng lên nghe ngóng chuyện trong nhà.
- Cô Tấm à, thật mừng quá thể, tu bao năm cũng thành chính quả, cô là nhất đấy.
- Vâng các bà ạ, cháu cũng thật không ngờ anh ấy còn về được – Nói câu này, trong lòng Tấm còn nguyên nỗi xúc động, vốn đã muốn hỏi han thật nhiều, ngặt nỗi nhà chật chội, từ qua đến nay người nhà rồi hàng xóm chen vào, hai người cũng chưa nói thêm được mấy lời.
- Thế cô lấy chú ấy tự bao giờ vậy? Chắc khi cũng được 10 năm nhỉ, con bé An lớn thế.
- Dạ, cũng được hơn 10 năm - Tấm cười trừ, chẳng lẽ bảo chẳng có cưới xin gì hết.
- Chú ấy quê ở đâu? Người bao tuổi rồi? – Bà bác không tiếc lời đào sâu – Tôi nhìn chú ấy chắc phải gần 60.
- Dạ không đến ạ, anh ấy còn trẻ lắm, do tóc bạc sớm thôi.
Tấm dứt lời, đằng sau vang lên tiếng ho khẽ. Mặt Tấm cứng đơ, cười không nổi, thật là, không biết người ta có nghe thấy không nữa. Đàn ông tuổi này kị nhất bị cho là già, chẳng phải sao!
- Cô Tấm này, tôi thấy nhà mình cũng không được rộng, tôi bảo thật, vợ chồng là phải có chốn riêng tư, cô còn trẻ thế, chú ấy lại mới về - Chị hàng xóm nói còn không quên nháy nháy – Nhân tiện mấy anh em bên nhà tôi cũng đang lúc nông nhàn, có thể cho cô chú mượn sức, bà con hàng xóm với nhau, cần là cần lúc này...
- Dạ, em hiểu bác ạ, chúng em cũng phải làm thế thôi.
Đã mở được hướng câu chuyện mới, mọi người quên đi việc tò mò, ngay lập tức nhao vào góp ý. Bà con thôn quê vốn nhiệt tình, hồn hậu, giúp được người ta lại càng thấy vui. Tấm ngồi đáp lời, trong lòng cũng tràn ngập cảm giác mong chờ. Chỉ cần dựng được thêm chỗ, căn nhà nhỏ của cô sẽ mang dáng dấp một gia đình thực thụ.
Ngày hôm sau trời mát mẻ, đàn ông trong thôn có đến hai chục người, mới sáng sớm đã rộn rã kéo đến, còn không chịu để nhà Tấm mời bữa sáng, tự phân công nhau bắt tay vào việc. Khoai cũng góp mặt, không hề tỏ ý khó chịu, phải làm gì đều làm tận lực, nhưng ánh nhìn không còn hướng về phía Tấm nữa. Tấm biết, đó là giới hạn rồi, còn mong người tay bắt mặt mừng, hướng mình cười nói thì thật ích kỷ. Chính bản thân cô cũng đang phải cố gắng. Đành nhờ cả vào thời gian, ngày tháng qua đi, những đau thương hôm nay sẽ trở nên nhỏ bé, rồi dần dần tiêu tán.
Sức người như núi, trong vài ba ngày đã thấy thành quả, chỉ còn chờ vách đất khô đi là có thể dọn vào ở. Bữa tối ăn cơm, Vĩnh Gia cứ nhìn Tấm bằng ánh mắt ý tứ rõ rệt làm cô muốn nhũn cả người, ra sức tránh né.
Một người vốn ăn thịt vô vàn, lại phải ăn chay suốt 10 năm qua, giờ đột nhiên mỹ thực đặt trước mắt, nhịn đến giờ này đã là nghị lực rất lớn rồi. Cũng không có cách nào, nhà chật, có mẹ, có con bé An tinh ranh, làm ra chuyện gì lộ liễu, còn muốn cô sáng mai đứng dưới mặt trời nữa hay không!
Ngày tiếp theo, sáng sớm đã thấy Vĩnh Gia đột nhiên lại chỗ mẹ nói chuyện gì đó. Tấm để ý lắng nghe, nhưng không thu hoạch được gì. Hồi sau, thấy Cám sang, rồi hai mẹ con đi luôn đến tận trưa, khi về mang theo một bọc lớn.
Lúc lấy ra, ngoài bàn thờ nhỏ, đôi nến và vài vật bày ban thờ, còn có một ít đồ trang trí trong phòng. Mẹ kéo Tấm vào bên trong vách, đưa cho Tấm cái bọc nhỏ, giở ra là một bộ quần áo mới tinh, với cái yếm đào đỏ thẫm, nước mắt bà hoen bờ mi, tay vỗ vỗ tay cô khàn giọng:
- Mẹ xin lỗi, đã áy náy từ lâu, giờ mới có dịp đền bù cho con, mẹ thú thật, là nhà ta khi xưa quá nghèo, đã không công bằng với con.
Tấm ôm lấy bà, nước mắt không khỏi tràn xuống. Chiếc yếm đào rực rỡ ấy, cô khi xưa không để vào tâm, lại là nguồn cơn mọi khúc mắc đời cô. Vận đổi sao dời, sau bao năm đã quay về.
- Mẹ đừng bày vẽ, con cả ngày làm ruộng, cần gì quần áo đẹp này nọ.
- Là ý của ngài ấy, mẹ thật vui mừng, ngài ấy với con là thật lòng, muốn cho con một cái lễ.
Tấm trong phút chốc còn mơ hồ, bị mẹ cưỡng ép mặc luôn vào bộ đồ mới tinh. Yếm đỏ, áo cánh trắng, váy đen tuyền, đối lập nhau tôn lên vóc người, hoàn hảo từng nét, còn đang trong độ tuổi căng tràn nhựa sống. Mẹ nhìn Tấm, xong lại đưa tà áo lên chấm mắt, bước đi vội ra ngoài. Tấm trông theo, thấy Vĩnh Gia nhẹ chân tiến vào, ánh mắt khóa chặt lấy cô, bừng sáng rồi hóa thành một triền xuân, rạo rực mà ấm áp.
Khi Tấm còn mải e thẹn cúi đầu, ông đã sải bước tới, ôm Tấm vào lòng, ép lấy thân hình mềm mại của cô, khép chặt vào lồng ngực mình đầy cưng nựng, yêu thương. Bàn tay ông ấm nóng, bưng lên khuôn mặt cô còn hoen nước mắt, hôn nhẹ:
- Hôm nay chính là ngày của em, em có hạnh phúc không?
BẠN ĐANG ĐỌC
Xuyên về làm Tấm
Historical FictionGiới thiệu: Nguyễn Thị Tấm - Sinh viên năm 2 ngành sư phạm, trong một lần say rượu bị cưỡng bức. Trong lúc thần trí không rõ ràng, cô ước mình chết đi cho rảnh. Thần kỳ thay, lúc mở mắt đã thấy mình đang nằm trên nền đất cứng, xung quanh đầy mùi bù...