Ngoại truyện Cám

493 33 3
                                    

Cám bẩm sinh đã nhạy cảm, sớm hiểu chuyện, nên nó dễ dàng phát hiện ra có vấn đề gì đó trong gia đình mình. Cám gọi mẹ là mẹ nhưng chị Tấm lại gọi mẹ bằng Dì, không những thế còn rất gượng gạo, hệt những lần mẹ vừa nhắc vừa ne nẹt bắt Cám phải niềm nở chào hỏi những người hàng xóm mà nó không ưa. 

Nó bắt đầu manh nha ý nghĩ, mẹ và chị Tấm chẳng thương yêu gì nhau.

Lớn hơn chút nó mới biết ra là chị Tấm không giống nó, không phải do mẹ nó dứt ruột đẻ ra, người đời hay bảo là khác máu tanh lòng, người dưng nước lã. Mẹ đẻ chị là vợ đầu của cha nó, buồn thay đã nằm sâu dưới 3 tấc đất từ hồi chị còn tấm bé. Tiếng mẹ theo đó cũng chôn vùi. Trong mắt chị, mẹ và nó khéo chỉ là thứ Tu Hú chiếm tổ, nên chị nhất quyết chỉ gọi mẹ nó là Dì, nên chị luôn nhìn nó và mẹ bằng ánh nhìn xa lạ.

Cái mối quan hệ  gọi thô là mẹ ghẻ con chồng đó, chẳng vì thời gian qua đi mà bớt phần khập khiễng. Cám vẫn nhớ những lần giỗ mẹ đẻ, chị Tấm đều trốn ngoài mộ đến tối mịt mới chịu về, lần nào mắt cũng đỏ hoe, sưng mọng. Bố bận rộn đi làm xa suốt, mẹ nó thì quá vất khi vừa phải bìu díu hai đứa con thơ, vừa phải nai lưng ra kiếm bữa cháo rau cho qua ngày ở cái nơi đất khách quê người. 

Tình cảnh thế ấy, lẽ ra nó phải níu chặt lấy người chị duy nhất, mà mè nheo, mà cậy vào như bọn trẻ con hàng xóm, nhưng chị cứ mải miết treo ngược tâm hồn mãi đẩu đâu, xử sự như thể người dưng nước lã, đâm ra Cám chẳng còn biết bấu víu vào ai, cứ tha thẩn một thân một mình.

Lại có những lúc, nó cảm tưởng chị Tấm hình như còn ghét lây cả nó, bằng cớ là chị hay cáu gắt, hay khóc, hay dỗi với nó  nhiều khi chẳng vì lý do gì. Hoặc là nó non nớt quá không thể hiểu được tâm hồn mong manh của chị, không có năng lực suy diễn tại sao mọi việc cuối cùng lại thành ra như thế. Mà chị đã dỗi là không kể ngày đêm đều tấm tức chạy ra mộ mẹ. Có một lần nó thấy mẹ nó xách được chị về, phát hoả đánh cho một trận đòn quắn mông, lên bờ xuống ruộng. Từ đó chị mới thưa hẳn việc ra mộ, nếu có khóc dỗi cũng sẽ chỉ núp vào một góc xó xỉnh nào đó quanh nhà.

Nó cứ định bụng sẽ chủ động đứng ra cải thiện quan hệ với chị, giúp chị vui vẻ lên, nhưng định mãi chưa thành, thì cha nó đột ngột trở về. Gia đình 4 người sum họp mà chẳng có lấy nụ cười, trái lại càng chan thêm nước mắt, bởi cha nó ngoài tấm thân ốm o, bệnh tật thì còn mang về cả một đống nợ nần. Mẹ nó càng tiều tuỵ vì chạy vạy tiền khắp nơi để thuốc thang cho cha, còn chị Tấm thì cứ rảnh việc lại phủ phục bên cha thương khóc. 

Không khí đặc quánh, tù túng. 

Nó bức bối muốn chết, tự hỏi, sao cái nhà này chẳng ai chịu bình thường hết vậy.

Rồi cha nó cũng rời nhân thế ra đi. Nó thương cha. Nhưng tình cảm gom góp lại vẫn cứ mờ nhạt qúa. Tự lúc nó còn bé tý cha đã bôn ba khắp chốn, năm thì mười hoạ mới được bữa về thăm nhà vài ba ngày. Nó nhường để mẹ với chị thoả thuê khóc lóc, gương mặt lặng tờ, mờ nhạt đứng cạnh, vun vén cửa nhà, chuẩn bị cơm nước với xoay xở tiếp đón xóm giềng đến thắp nén nhang.

Cha Cám mất non nửa năm, mới được xử oan, hội lái đền cho con trâu còm sắp chết. May nhờ thế mà mẹ nó tìm thấy mục đích sống, rũ áo tang đứng dậy chăm lo mọi thứ. Nhưng chị Tấm thì chẳng được như vậy. Mất đi người thân cuối cùng mà chị luôn đinh ninh, chị càng lúc càng u uất, mất hồn mất vía, suốt này ủ ê rơi lệ đến mức mẹ nó dù đương đêm đêm khóc chồng cũng không thể chịu được. Chị lại còn thường xuyên quên nọ, bỏ kia, khi mẹ nó trách mắng, chị sẽ nhìn bà bằng ánh mắt cam chịu, ấm ức, đôi khi là căm ghét lộ liễu. Nên nó càng ngạt thở trong mối quan hệ đối đầu của mẹ và chị. Như cũ, nó chẳng thể nghiêng về phe ai. Cha không còn, ít ra nó cũng phải hoàn thành nốt tâm nguyện của cha là nương nhẹ cùng chị, an ủi chị. 

Thật quá sức, nó chẳng qua chỉ là một đứa trẻ, chỉ muốn vô tâm vô tư sống mà thôi.

Dường như ông trời nghe thấu nỗi khổ của nó, qua một đêm, chị nó bỗng thay đổi. 

Tự dưng chị dám nói, chị dám nhìn thẳng vào mặt nó với lại mẹ, chị không còn vẻ u uất tràn ngập mà lại như đang rụt rè tận hưởng cuộc đời. Lắm lúc nó thấy chị như con trâu nhà nuôi, bị nhốt lâu được buổi dong ra đồng, hào hứng, vồ vập với mọi thức chung quanh. Lại lắm lúc đương đêm nó nghe tiếng chị hít mũi, cảm thấy giường khẽ rung, sớm ra có khi vẫn còn bắt gặp vệt thâm thẫm chưa kịp ráo nơi chiếu. Nhưng tuyệt nhiên lúc bình thường sẽ không còn thấy vẻ bất cần đời trên gương mặt chị, trong ánh mắt chị cũng đã có những đốm sáng long lanh, những đốm sáng của một người yêu cuộc sống và muốn sống, chứ không tàn lụi, xám tro như cái khoảnh khắc nó nhìn vào mắt chị lúc cha vừa mắt nhắm, tay xuôi.

Cám đã có được người chị mà nó hằng mơ ước, tất cả mọi thứ đều sống động, tràn đầy màu sắc đến mức nó phát cuồng, quên cả những e dè, cẩn trọng buổi đầu, rồi ỷ vào sự yêu thương của chị, ỷ vào sự chiều chuộng mình được nhận đã gây ra biến cố lớn nhất cho cuộc đời Tấm, mà mãi sau này, sau khi chị đã đoàn viên hạnh phúc với người kia, sau khi tất cả đã xuôi chèo mát mái, mà nó mãi vẫn không khỏi ân hận. Bởi để đến được hạnh phúc cuối cùng chị đã phải hi sinh quá nhiều, quá nhiều lần vì nó mà xông vào chỗ chết, quá nhiều lần vì nó mà quên mất đi rằng chị cũng cần sống. Nó không hiểu điều gì hối thúc chị, nó chỉ biết nó nợ chị cả cuộc đời này.

Cái ngày hai chị em tìm về quê, nhìn chị lết đến ôm mẹ nó, gọi mẹ nó là mẹ, trái tim nhỏ bé của nó như vụn vỡ. Nó khóc như chưa bao giờ được khóc, rõ ràng nó đã thực sự có được gia đình mà nó mơ ước chứ không chỉ là một người mẹ, một người chị đơn lẻ nữa. Nó hạnh phúc vô cùng.

Nó vẫn đóng vai trò hoạt náo trong gia đình, vẫn chịu những trách mắng sa sả của mẹ, vẫn đành hanh tranh giành đồ với chị, với cháu, để đổi lại tiếng cười, không khí thoải mái cho cả gia đình. Nó muốn đối với gia đình, nó mãi là con Cám vô tâm, vô tư, ruột để ngoài da, để bất cứ khi nào thất vọng, bế tắc với cuộc đời, họ đều nó thể liếc về nó mà mỉm cười, mà dựa vào. 

Nhìn lại đây mà xem, Cám tôi vẫn sống tốt, vẫn vui vẻ thế này kia mà, đâu còn có đó, chẳng có gì mà phải ầm ào lên cả!

Ngày chị tân hôn sau bao năm chìm nổi, khi mẹ trao cái yếm đỏ cho chị, nó đứng đằng sau nhà cổ họng nghẹn cứng đến mức toàn thân run rẩy. Vì không chỉ với mẹ, đó cũng là nỗi ám ảnh, day dứt tâm trí nó suốt bao năm ròng. Nó nhìn lên trời, trông cánh chim đang chao liệng kia mà nhoẻn cười giữa làn nước mắt. Cuối cùng nó cũng hoàn thành sứ mệnh, cuối cùng nó cũng không phụ lòng cha nó đã tin tưởng ký thác. Yếm đỏ về với chị, nó cũng có thể yên tâm sống cuộc đời của riêng mình rồi. Chị rốt cuộc đã có được thứ hạnh phúc mà nó dùng cả tâm tư cầu khấn thay chị trong suốt bao đêm.

Cám tất tả chạy về với gia đình riêng của nó, nơi có anh chồng chất phác chỉ biết đến ruộng vườn nhưng yêu thương nó nhất mực, nếu nó buồn sẽ chỉ lặng lẽ chìa đôi vai để nó có chỗ mà tựa vào, muốn khóc, muốn trầm tư bao lâu cũng được, nơi có hai đứa con trai đặc sệt nó, cũng cặp lông mày đen và cặp mắt xếch sáng ngời.

Tối ấy sau khi rũ mệt trong vòng tay của chồng, nó nhổm dậy nhất chết đòi chồng bế hai đứa con đang ngủ lăn lóc như hai chú lợn con cùng đến, nó và chồng ôm hai đứa, vỗ mấy đôi má bồ quân đang rực lên, cả nhà ấm sực lên mùi yên ổn, hạnh phúc. 

Nó mãn nguyện chìm vào giấc nồng khi khoé môi hẵng còn giương lên.

Xuyên về làm TấmNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ