Chuyện Hai Người

226 14 10
                                    

Chuyện Hai Người

Người viết: Thuận Ân (@-ThuanAn-)

Một câu chuyện mà qua 25% hành trình đã gần như lạc trôi trong vũ trụ

-

Vật lý thiên văn là lĩnh vực Như dành nhiều yêu mến và thường xuyên theo dõi, do đó tiêu chuẩn của Như dành cho các truyện sci-fi sẽ nghiêm hơn một số reviewer khác. Bên cạnh cốt truyện, nhân vật, diễn tiến..., Như mong muốn bạn nào chọn viết sci-fi đều sẽ xây dựng nền tảng vững chắc của câu chuyện dựa trên các tài liệu khoa học.

Nên là với Như, Chuyện Hai Người thực sự chưa tốt.

Trước hết, về bối cảnh, nền tảng khoa học trong truyện, có thể nêu ra một số điểm không chuẩn:

- Trạm không gian vũ trụ cách mặt trời gần 700 ngàn km. Nếu trạm này còn ở trên quỹ đạo trái đất thì khoảng cách của nó đến mặt trời cũng phải tầm 150 triệu km (là khoảng cách trung bình từ trái đất đến mặt trời).

- Nhân vật ở trên Sao Hỏa có thể nhìn thấy các hành tinh khác trong Thái dương hệ với hình thù rõ rệt và các tiểu hành tinh ở vành đai giữa Trái đất và sao Hỏa co cụm lại với nhau. Vũ trụ phần lớn là trống rỗng và các vật thể ở rất xa nhau, nên các tiểu hành tinh cực kỳ rải rác. Và nhân vật trừ hành tinh dưới chân, ngôi sao chủ và vệ tinh của hành tinh đó thì sẽ không thấy bất kỳ gì khác với hình thù rõ rệt.

- Nhân vật đi bộ trên sao Hỏa và Thy luôn đổ mồ hôi. Điều này hơi lạ. Nhiệt độ trung bình trên bề mặt sao Hỏa là âm 60 độ C, ở ngay chí tuyến thì cao hơn đáng kể, tầm 10-15 độ C giữa trưa. Nếu nhân vật không ở ngay chí tuyến, nhiệt độ sẽ ở trên dưới 0 độ C ban ngày, không đủ để làm nhân vật như ở lò xông hơi hay cảm thấy ánh nắng ở nơi này soi ấm áp lên da thịt.

- Bão trên sao Hỏa. Khí quyển hành tinh này khá mỏng và các nhà khoa học đo lường rằng cơn bão bụi mạnh nhất trên hành tinh này chưa có sức gió bằng một nửa một trận bão lớn trên Trái đất. Hơn nữa, với áp suất không khí thấp ở sao Hỏa thì sức gió 70-75km/h không đáng sợ như trong các tiểu thuyết viễn tưởng hay viết.

- Cũng do đặc thù khí quyển, buổi chiều ở sao Hỏa sẽ không phải "nắng cam nhạt cuối ngày", mà bầu trời có màu xanh lam pha với màu nâu xám. Như thế này: https://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/6/68/MarsSunset_losslesscrop.jpg

Sơ lược là như vậy. Tác giả cũng có nói là xem một số phim sci-fi rồi viết theo. Phim sci-fi tưởng tượng dựa trên khoa học. Nay tác giả lại phóng tác dựa trên sự tưởng tượng và các hình ảnh đã được chỉnh sửa cho đẹp đẽ hoành tráng chứ chưa chắc gì đúng đó, thì gọi là fictional science fiction chăng?

Tiếp theo, bản thân câu chuyện "hai người" trông cũng không lấy gì làm chắc chắn. Nhân vật Thy có diễn biến tâm lý không logic. Khi Trái đất nổ tung, mẹ cô ấy đưa cho cô tấm vé cuối cùng để lên Trạm trong khi bà chịu ở lại. Trước đó, bố của Thy là một nhà thám hiểm đã rời khỏi Trái đất để theo các đoàn khai phá những hành tinh/vệ tinh khác. Trong hoàn cảnh chỉ có hai mẹ con ở lại với nhau, nếu Thy thực sự yêu thương gia đình, ít nhất cô đã cố gắng tìm thêm một tấm vé cho mẹ. Nhưng không, cô khóc sướt mướt, nhận lấy tấm vé rồi lao ra sân bay để lên tàu bay đến Trạm. Cô ủ dột, khóc lóc, yếu đuối ngay từ phút đầu tiên xuất hiện. Tác giả gợi bao nhiêu kỷ niệm về gia đình và quê hương trong Thy, nhưng tuyệt đối không có sự dằn vặt hay hối hận nào vì Thy đã không thể đưa mẹ mình đi cùng. Đoạn này, nếu viết tốt hơn, tác giả có thể viết là cô đã cố gắng nhưng không thành công, tin rằng sẽ tăng thêm tính "người" cho nhân vật.

Tiếp theo, lúc lên Trạm, Thy vẫn tiếp tục ủ dột, cô đơn lạc lõng và luôn muốn tiếp cận Lâm - nhân vật nam chính mà sau 25,000 chữ thân thế vẫn chưa được nhắc đến chữ nào và hành động thì vô cùng ít ỏi. Trong bối cảnh Trái đất không còn, một phần ít ỏi của nhân loại di tản khắp vũ trụ, và tài nguyên của bất kỳ trạm không gian nào cũng là hữu hạn, và vũ trụ bao la đáng sợ, thì tâm lý của "người bị mắc kẹt" có lẽ không nên là ủy mị và mong có anh trai nào đó bảo vệ chở che? Lẽ nào Thy không nên nén cõi lòng yếu ớt của mình, nhanh chóng đến trung tâm điều khiển và tìm hiểu xem nơi nào gần nhất có "con người" và mong tìm cách đến đó? Nếu cô ấy ít nhất chịu nhấc chân lên để đi tìm một điểm đến, có lẽ Lâm (và người đọc) sẽ thiện cảm hơn với cô ấy.

Đến chuyện bố của cô đang ở một hành tinh nào đó, lẽ nào Thy không nên đặt ưu tiên hàng đầu vào việc tìm hiểu tung tích của bố mình ngay khi vừa lên Trạm? Thay vào đó, ưu tiên hàng đầu của cô là tạo ấn tượng đẹp để tiếp cận một người xa lạ? Tác giả cho rằng cô yêu quý gia đình, nhưng luôn đặt mối quan tâm hàng đầu của Thy vào một người không phải người thân. Trình tự tâm lý này có vẻ kỳ quặc, và thú thực là tạo cho mình ấn tượng không tốt về Thy, rằng cô gái này thực ra chỉ là chót lưỡi đầu môi. Đến cả việc tung tích của bố cô cũng là Lâm chủ động tìm dùm và Thy mặc nhiên tiếp nhận. Ôi chao! 

Hiện tại, sau đoạn gặp J'on ở sao Hỏa, tức sau khoảng 25 ngàn chữ, có vẻ tác giả đã xong act 1, là nhân vật chính bắt đầu tự hỏi "tôi là ai, tôi nên đi về đâu?". Thực ra, chỉ cần đẩy nhân vật một phát vào vũ trụ lạnh lẽo tối đen, trong một cỗ máy khổng lồ đơn độc, với quá khứ bị hủy nát và tương lai bất định, là câu hỏi mấu chốt này có thể được viết ra một cách mạnh mẽ trong chừng 5000 chữ đầu tiên. Nên có thể, Thy không những lười nhác mà còn rất tự nhận thức mình rất chậm. Tác giả phải dùng đến hai sự cô độc (một của Trạm, một của J'on) xếp chồng lên nhau, thêm một mớ bão cát quay cuồng để Thy nhận ra câu hỏi này. Phần của J'on có lẽ là chịu ảnh hưởng từ The Martian có Matt Damon đóng vai nhà sinh vật học trồng khoai tây trên sao Hỏa. The Martian là một bộ phim đáng mến, và vụ trồng khoai tây của J'on cũng đáng mến. Dẫu vậy, cả trường đoạn này không cứu được sự thừa thãi trong xây dựng câu chuyện. Có thể nhảy ngay từ ngày thứ ba lên Trạm đến ngay đoạn Thy - Lâm quyết định đến Europa mà hoàn toàn bỏ qua sao Hỏa.

Đó là về Thy, nhân vật trung tâm hoàn toàn làm Như thất vọng. Còn Lâm, tác giả chưa viết nhiều lắm. Đây là một quyết định làm Như khó hiểu về mặt xây dựng nhân vật, khi J'on - ông già qua đường còn có cả 1 storyline hoàn chỉnh, trong khi Lâm, một trong "Hai Người" lại chưa được nhắc gì về "Chuyện" của anh. 25 ngàn chữ rồi đấy, lẽ nào còn chưa đủ chỗ cho ít nhất thì một hai nét về quá khứ của Lâm.

Về lối viết, tác giả có thể sẽ muốn xem lại trong chừng 15 ngàn chữ đầu tiên đã lặp lại bao nhiêu lần những cụm Trái đất nổ tung, Đất mẹ không còn, quê hương biến mất... vv. Khi những cụm từ này lặp lại sẽ làm loãng câu chuyện ra, quá nhiều thông tin lặp và trở nên thừa thãi, trong khi tâm lý nhân vật Thy lại không hề đáng cảm thông, và phần hành động hay quyết định của hai nhân vật thì không được chú ý xứng đáng. Từ chương 4 trở đi nên xem lại chính tả. Như là người hay gõ sai, nhưng có vẻ tác giả có mật độ sai còn dày hơn Như. Câu cú lắm khi cũng không chỉn chu.

Đến nay, "Chuyện Hai Người" chắc đã đi được 25-30% chặng đường, tác giả có vẻ tham câu chữ hơn là thông tin và diễn tiến, nên tổng thể không có sự cân xứng khi lời nhiều hơn ý. Về nhân vật, người thứ nhất khó mà làm Như cảm thông. Người thứ hai còn chưa có đất diễn như nhân vật phụ, dù hai quyết định quan trọng của hành trình này đều từ anh ta (lên sao Hỏa và đến Europa). Tác giả đã đặt mình vào một thử thách lớn hơn mà bạn đã hình dung, nên việc bạn có đạt được mục tiêu của mình và có một câu chuyện trọn vẹn hay không là điều Như không dám chắc.

ReviewWhere stories live. Discover now