Người kể: Phan Anh
Tiếp phần 2
Mình xin phép được kể tiếp câu chuyện xảy ra tại trường Đại học Y dược Hà Nội. Sau khi người đàn ông đó chết do ngã từ độ cao đó xuống, mọi ý kiến đều cho rằng do ông ta trượt chân. Nhưng bản thân là người đã thiết kế và xây dựng nên ngôi trường, chàng trai khẳng định rằng với thiết kế lan can cao ngang ngực một người trưởng thành, bên cạnh đó mặt phẳng lại rất to, thừa sức cho việc ngồi lên như một chiếc bàn, vậy thì không thể nào trượt chân mà ngã nhào dễ dàng như vậy. Nhưng nếu là tự tử thì có lý do gì mà lại tự kết liễu đời mình như thế, rõ ràng khoảng thời gian sống tại đây, sống bên cạnh người thân, nạn nhân đã rất yên tâm và vui vẻ, sức khỏe nhờ vậy cũng hồi phục hàng ngày. Cái chết này chắc chắn phải có uẩn khúc gì ở đây. Lúc này mặc dù nghi vấn cứ nhảy loạn xạ bên trong tâm trí chàng trai, nhưng chàng trai chưa bao giờ dám nghĩ đến việc cái chết đó có liên quan gì đến gia đình ngài Hiệu trưởng, vì với chàng, ông ấy là ân nhân. Thời điểm đó, khi Việt Nam đang còn là thuộc địa của thực dân Pháp, mọi truy cứu hình sự cũng như khám nghiệm tử thi, đều do người Pháp can thiệp, gia đình ngài Hiệu trưởng là một thế lực rất cao nên mọi chuyện đều rất nhanh chóng và thậm chí là không muốn lùm xùm. Lúc này, ngài ngỏ ý muốn tổ chức hôn lễ cho chàng kiến trúc sư với cô cháu gái của mình, nhằm thuyết phục chàng trai đồng ý hiến tặng thi thể của người thân cho trường, phục vụ cho Y học. Tuy nhiên, chàng trai từ chối vì muốn trở về quê hương, lo liệu chôn cất rồi một thời gian sau mới xin phép được quay lại Việt Nam để tiến hành hôn lễ. Lời qua tiếng lại, hai bên vẫn có những trái ngược ý kiến, ngài Hiệu trưởng lúc này mới thẳng thắn tuyên bố, vụ tai nạn xảy ra tại nơi của ta, thì ta sẽ toàn quyền quyết định với những gì liên quan đến nó. Ta cần để lại thi thể này để tiếp tục điều tra, còn về anh, nếu không muốn tiến hành hôn lễ, thì ta nghĩ anh không có tình cảm tốt đẹp gì với cháu gái ta, chỉ là lợi dụng gia đình ta để được chữa trị miễn phí cho người thân mà thôi, vì vậy hãy cút về Pháp đi, còn lại mọi chuyện để ta lo liệu. Chàng trai yếu thế, đành ngậm ngùi cho qua và cử hành hôn lễ với người đã âm thầm cướp đi sinh mạng của người thân mình. Sau khi hôn lễ diễn ra, ngài Hiệu trưởng đã mua một căn nhà khá đẹp dành cho hai vợ chồng nằm đối diện với hồ Hoàn Kiếm, nay chính là 138 Hàng Trống, Hà Nội. Với tình yêu và sự chăm sóc tuyệt vời của người phụ nữ mà chàng trai rất trân trọng, chàng dần quên đi nỗi đau và sự hụt hẫng bởi sự mất mát vừa rồi. Cuộc sống tưởng chừng cứ êm đẹp như thế, đôi vợ chồng thì hạnh phúc, ngài Hiệu trưởng thì thỏa mãn với âm mưu thành công, mãi cho đến một ngày, chàng trai nhận được một mật thư viết bằng tiếng Việt, nói rằng người thương yêu nhất cũng là người nguy hiểm nhất. Chàng trai suy nghĩ liên tục về vấn đề này, ai là người đã gửi cho chàng, gửi có mục đích gì, nhưng thật khôn ngoan là không để lộ ra biểu cảm của mình. Chàng kiến trúc sư trẻ bắt đầu sinh ra những ý nghĩ cực đoan, vào một ngày, chàng đi đến trường học, một là giả vờ hỏi thăm sức khỏe ngài Hiệu trưởng để thăm dò tình hình điều tra, hai là gặp gỡ và bắt chuyện với các sinh viên để dò hỏi về một chuyện, đó là tại sao căn phòng với những gam màu rực rỡ mà trước đây chàng cho xây dựng để phục vụ cho bộ môn Tâm lý bệnh nhân lại được khóa lại như thế. Nhiều ngày gặng hỏi, chàng được biết bên trong có một thi thể người chết được ngâm trong dung dịch nhằm phục vụ cho bộ môn Giải phẫu người, chỉ khi nào học mới được mở ra và chỉ sinh viên trong trường, khi nào được phân công đi thực hành thì mới được vào. Chàng trai nghi ngờ đó có thể là thi thể người thân quá cố của mình, nhưng dĩ nhiên nếu có hỏi thì ý nghĩ đó sẽ hoàn toàn bị phủ nhận, vì trong tay chàng trai đang cầm là hài cốt hỏa táng của một người, nếu nghi ngờ là đúng thì hài cốt này là cái gì, là của ai. Chàng trai quay lại với bức mật thư, xem xét rất kỹ nội dung và nét chữ, qua đó chàng chắc chắn người gửi mật thư này phải là sinh viên trong trường Y, vì ngày đó, sinh viên theo học trong trường phải dùng chung một loại giấy viết do trường cấp phát miễn phí, và bức mật thư đó được viết trên loại giấy ấy. Bên cạnh đó thì những năm đầu thế kỷ 20, khi Việt Nam đang là thuộc địa của thực dân Pháp, tiếng Việt gần như bị cấm, nếu như không phải là ông nọ bà kia có phiên dịch, thì còn lại dân đen khi ra đường là không được mở mồm nói bất cứ một câu tiếng Việt nào. Vậy thì bức mật thư này chắc hẳn phải là của một sinh viên người Việt Nam. Chàng trai quyết định đi tìm bằng được người gửi mật thư này, qua tìm hiểu danh sách các sinh viên, có tổng cộng là 27 người thuộc dòng dõi phản động nên mới được theo học tại một trường Đại học của Pháp. Nhưng làm sao hỏi được đó là ai? Bởi là người thông minh, chàng trai đã đi gặp riêng 27 người này để tiếp cận, vì biết chàng trai là cháu rể của ngài Hiệu trưởng nên không ai là không dám nhận lời. Chàng trai xin mỗi người một dòng chữ để về so sánh với nét chữ trên bức mật thư kia. Đến người thứ 15, khi chàng kiến trúc sư chưa yêu cầu viết dòng chữ gì thì sinh viên người Việt kia đã vẽ một bức hình là một người phụ nữ, trên tay cầm một cây kim tiêm có ghi dòng chữ thuốc an thần, và mũi tên chỉ vào người phụ nữ ấy có dòng chữ Julianna, tên bí mật cô cháu gái của ngài Hiệu trưởng. Chàng trai sững sờ vì gần như tưởng tượng được về mọi chuyện đã xảy ra. Chàng đi về căn nhà, trong lòng đầy hận thù và đau thương, chàng đã định sẽ tung hê mọi chuyện ra ánh sáng, nhưng kìm nén một chút, chàng quyết định âm thầm theo dõi và tìm hiểu. Sau hơn một tháng, chàng trai trẻ đã thu thập được một số giấy tờ về nguyên lý điều trị của thuốc an thần, thứ thuốc mà hàng ngày người thân quá cố trước kia được sử dụng cho việc điều trị. Qua đó chàng biết được chính người vợ mà hàng đêm đầu gối tay ấp của mình đã phát minh được ra loại vắc xin phòng ngừa bệnh viêm não, có phản ứng độc hại đối với thuốc an thần. Cuối cùng chàng trai đã hỏi người vợ của mình về hai loại thuốc này, chúng có tác dụng độc hại với nhau thì tại sao lại do cô ấy cùng sử dụng một lúc trong khoảng thời gian điều trị. Người vợ hốt hoảng thanh minh, cho rằng mình không hiểu chuyện gì, mình không hề biết về cái chết của người thân quá cố ấy. Quá tức giận, chàng kiến trúc sư trẻ lao vào xô đẩy người vợ của mình, giằng co một hồi, người vợ không có sức để chống cự lại đèm vớ lấy con dao gọt hoa quả đặt trên bàn phòng khách và đâm vào trán người chồng của mình, chết ngay tức thời. Quá đỗi sợ hãi, cô gái cầu cứu người bác của mình là ngài Hiệu trưởng, kể lại mọi chuyện cho ông ta nghe. Cuối cùng, cả gia đình ngài Hiệu trưởng đã dựng một hiện trường giả, cho rằng căn nhà của hai vợ chồng trẻ bị cướp xông vào, cô vợ bị cưỡng bức đến hóa điên, người chồng vì lao vào cứu vợ mà bị đâm chết. Dưới bàn tay sắp xếp của ngài Hiệu trưởng, mọi việc ổn thỏa, cô cháu gái được đưa về nước coi như để chữa trị bệnh tâm thần, và căn nhà của đôi vợ chồng đó được giao bán với giá rẻ hơn rất nhiều.
---Chắc hẳn mọi người sẽ thắc mắc, câu chuyện này không xuất hiện chi tiết ma mị nào, nhưng đây là khởi nguồn cho câu chuyện sau, câu chuyện xảy ra đối với các sinh viên trường Dược, trong câu chuyện đó mình cũng sẽ giải thích tại sao sinh viên người Việt kia lại biết được đó là âm mưu của gia đình ngài Hiệu trưởng, và cả những câu chuyện rùng rợn diễn ra bên trong ngôi nhà 138 Hàng Trống, ngôi nhà đã từng ấm áp tiếng cười của đôi vợ chồng chàng kiến trúc sư người Pháp---
Phần 3:
Có những câu chuyện xảy ra trong quá khứ, nếu những người còn lại sống trên mảnh đất đã xảy ra những chuyện như vậy mà quyết sống để bụng chết mang theo thì có lẽ chúng ta ngày nay không bao giờ có được một nền lịch sử hoành tráng đến vậy. Tuy nhiên, ma quỷ là một hiện tượng không dễ lý giải, nhưng lại luôn luôn được đón nhận một cách nồng nhiệt, và người kể lại những câu chuyện kinh dị như thế phải là một người có tinh thần thép lắm vì họ đã trải qua một cuộc sống sống chung với sự đen tối. Câu chuyện của cụ cố tôi cũng vậy, bản thân cụ theo học Y khoa, không ít lần gặp phải những điều lạ lùng trong trường học, mà cho đến sau này, khi cống hiến cho Y học, cụ cũng nhiều lần đối diện với những bí ẩn tâm linh. Cụ cố tôi là ai? Tôi xin phép được quay ngược thời gian về những năm đầu thế kỷ 20, khi Đại học Y dược Hà Nội lúc đó còn mang tên khoa Y Đại học Đông Dương, nay là tiền thân của Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Lúc đó, dòng dõi họ hàng gia đình tôi chạy theo lũ thực dân Pháp để được học tập và cống hiến cho chúng. Cụ cố tôi khi mới bước chân vào trường đã phải lòng một cô gái Pháp thông minh và xinh xắn, đó là cháu gái của ngài Hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường Y dược này. Nhưng do xuất thân cũng như tư tưởng đối lập mà hai người không được tác thành với nhau. Cô gái rất quý mến cụ cố tôi nên chuyện gì cũng kể, từ việc gia đình ly tán rồi được ngài Hiệu trưởng nhận nuôi làm cháu gái, đến việc được học tập dưới sự chỉ đạo như thế nào. Tuy hai người không được ý chung nhân nhưng may mắn là không bị phản đối việc qua lại gặp gỡ, vì là người Pháp nên tư tưởng gia đình bên đó rất thoải mái, họ bằng lòng với việc cụ cố tôi với cô tiểu thư của họ ngày ngày cùng nhau nghiên cứu khoa học. Cho đến khi sự hiện diện của một chàng kiến trúc sư người Pháp lọt vào tầm ngắm của gia đình ngài Hiệu trưởng thì cụ cố tôi mới chịu lùi bước. Sau một thời gian lãng quên đi, cụ cố tôi chăm chỉ rèn luyện kiến thức vì mục tiêu sau này, ông muốn được sang Pháp sinh sống và làm việc. Bất ngờ có một ngày, cô tiểu thư một thời là người bạn gái thân thiết của cụ cố tôi chủ động đến gặp, ngỏ ý muốn cùng ông đóng góp cho công cuộc tìm ra một loại vắc xin ngừa bệnh viêm não. Nhờ sự hiểu biết và tình cảm cũ, hai người đã thành công sau gần một năm trời. Tất cả nguyên lý chế tạo và liều lượng hóa sinh trong thuốc đều được cụ cố tôi ghi chép lại cẩn thận và đưa cho cô tiểu thư xinh đẹp kia. Nhờ vậy, cụ cố tôi nhận được suất học bổng du học tại Pháp ngay lập tức. Nhưng chỉ sau chưa đầy một tháng nhận được tin mừng thì cụ cố tôi chứng kiến cái chết thương tâm của một bệnh nhân đặc biệt, đó là người thân của chàng kiến trúc sư người Pháp, vị hôn phu tương lai của cô bạn gái cũ. Thực ra lúc này cụ cố tôi vẫn chưa hiểu nguyên nhân dẫn đến cái chết, mãi cho đến sau này, khi thi thể của nạn nhân đó được nhà trường giữ lại để phục vụ cho bộ môn Giải phẫu người, thì với trình độ và chuyên môn Y khoa đẳng cấp hơn người của ông, ông đã phát hiện ra bên trong thi thể đó có chứa một liều lượng cực cao của một thành phần vắc xin, đó là vắc xin ngừa viêm não, thành quả mà ông và cô tiểu thư trường Dược vừa mới tìm ra. Cụ cố tôi rất lấy làm lạ vì tại sao khi điều chế thuốc, không thấy cô tiểu thư gia đình kia nói gì đến việc điều trị bằng vắc xin này, vậy mà giờ đây lại có thể tìm thấy bên trong thi thể của nạn nhân. Vốn là người hiếu kỳ, ông thầm lặng điều tra và tìm thấy rất nhiều ống xi lanh được cho là để tiêm thuốc an thần cho nạn nhân trong quá trình điều trị, có chứa loại vắc xin này trong đó. Dần dần nhận ra sự việc đen tối ấy, nhưng cụ cố tôi vì suất học bổng được đặc cách đi Pháp học tập và làm việc nên ông đã im lặng, và cũng có lẽ vì sự ân hận và day dứt bởi chính tay mình là người góp phần tạo nên bi kịch đó, cụ cố tôi đã gửi một bức mật thư cho chàng trai kiến trúc sư người Pháp kia, bấy giờ đã là chồng của vị tiểu thư xinh đẹp. Nói đến đây chắc mọi người đều hình dung ra cụ cố tôi là ai rồi phải không? Không sai, ông chính là người sinh viên Việt Nam đã vẽ bức tranh Julianna (vì có một khoảng thời gian cụ cố tôi và vị tiểu thư kia qua lại thân thiết mà không giấu nhau điều gì, kể cả là cái tên bí mật) cầm ống kim tiêm thuốc an thần, đã giúp chàng kiến trúc sư trẻ kia nhận ra sự thật về gia đình nhà vợ mình. Cụ cố tôi không nghĩ rằng sự việc lại đi quá xa, dẫn đến cái chết cho chàng trai kiến trúc sư ấy. Sau sự kiện đó, cụ cố tôi từ bỏ ý định đi Pháp. Cũng sau khoảng thời gian đầy biến cố xảy ra với gia đình ngài Hiệu trưởng, nơi đây, trường Y dược đã rấy lên những hiện tượng kỳ quái. Bạn học thời niên thiếu với cụ cố tôi đã chứng kiến một việc như thế này: căn phòng để thi thể nạn nhân phục vụ cho bộ môn Giải phẫu người đêm hôm ấy lại không khóa, ông này đã đi tìm người bảo vệ để báo cáo về việc ấy, nhưng khi xuống đến phòng bảo vệ thì ông bảo vệ khẳng định đã khóa rồi, hai người đi kiểm tra thì đúng là như vậy, ông bạn của cụ cố tôi cho rằng mình bị hoa mắt, nên trong bóng tối mập mờ đã lầm. Nhưng sau đó, đi dạo một vòng qua hành lang khoa Chẩn đoán hình ảnh, ông này nghe thấy một âm thanh phát ra từ căn phòng mà ngày trước, người nhà chàng kiến trúc sư trẻ dưỡng bệnh tại đó, âm thanh này giống như người ta khuấy nước bên trong cốc thủy tinh, tiếng kêu lách cách, ông tò mò đẩy cửa đi vào thì nhìn thấy trên chiếc giường phủ nệm trắng, một bóng đen ngồi lom khom gật gù, hai chân buông thõng đung đưa, vốn là người rất gan, ông cất tiếng hỏi bằng tiếng Pháp là ai đó, bóng đen ấy bỗng dưng bất động, ngoái đầu quay lại phía ông này và chỉ tay về hướng căn phòng Giải phẫu. Ông lại tiếp tục hỏi bị câm à, sao không nói, thì lúc này bóng đen ấy bò lồm cồm trên giường và cất giọng cười man rợ, vang khắp phòng, lúc đó, ông này mới định hình rằng mình hình như đang thấy một điều không bình thường nên sợ hãi bỏ chạy. Sáng hôm sau ông kể lại nhưng không một ai tin, ức quá, ông này đến nhà cụ cố tôi và kể lại mọi chuyện, thật may mắn là cụ cố tôi tin liền. Là người có tính hiếu kỳ và tò mò, cụ cố tôi đề nghị đêm nay hãy để ông thay ông bạn kia đi trực một đêm để xem xem có chuyện như vậy thật hay không. Và đó là cái đêm không bao giờ quên được của ông. Đồng hồ báo 22h, các sinh viên ra về, chỉ còn lại ông bảo vệ và cụ cố tôi trong ngôi trường hiu quạnh ấy. Theo bản năng, cụ cố tôi đi kiểm tra để mong chờ được gặp một hiện tượng gì đó. Nhưng không như mong đợi, cụ cố tôi thức trắng cả đêm để theo dõi, mặc dù cũng hơi run nhưng vì bản tính ương bướng nên quyết định không từ bỏ, ông ngồi im lặng lắng nghe xem có tiếng khuấy nước hay giọng cười nào đó không, kết quả vẫn là không. Bực bội và thất vọng, ông ngủ quên đi. Và chính trong giấc ngủ, cụ cố tôi đã cảm nhận được hồn mình thoát được ra khỏi thân thể, cảm giác rất nhẹ nhàng và thoải mái. Ông có thể nhìn thấy mình đang nằm ngủ, trong lúc sợ hãi vì tưởng mình đã chết, thì có một bàn tay đặt lên vai, giật mình quay lại, cụ cố tôi thấy rõ đây là bóng người rất quen nhưng không thể nào nhìn thấy mặt, đang ra hiệu cho ông đi theo. Cụ cố tôi phải cố bước thật nhanh vì bóng người đó lướt đi chứ không phải là bước đi nữa. Trong tiềm thức nhớ lại, lúc đó cụ cố tôi được dẫn đến một căn phòng chứa nhiều tài liệu, trong đó có danh sách thông tin của các sinh viên trong trường, bóng người đó có đưa cho cụ cố tôi hồ sơ của một người tên là Trần Hoa Huấn Anh. Cụ cố tôi đã có hỏi đây là ai, mà đưa cho tôi cái này là có ý gì, bóng người đó chỉ lắc đầu và đưa tay lên gạt nước mắt, ngẩng lên nhìn rồi lại cúi xuống, ngón tay gầy guộc cứ chỉ chăm chăm vào dòng chữ họ tên của người này. Cụ cố tôi gặng hỏi nhiều lần nhưng vẫn nhận lại là sự im lặng, rồi bóng người đó dần dần bé lại và mất hút, lúc này cụ cố tôi cũng bị đánh thức bởi ông bảo vệ. Về đến nhà, cụ cố tôi suy nghĩ mãi về cái tên Huấn Anh, anh ta là ai mà trong giấc mơ mình lại thấy được như thế. Một ngày trôi qua ông không làm được việc gì, vì trong tư duy lúc nào cũng nghĩ về giấc mơ ngày hôm qua. Đêm thứ hai, cụ cố tôi không đi trực nữa mà nằm ở nhà, vắt tay lên trán thắc mắc mãi về giấc mơ này, trằn trọc khó ngủ, ông dắt chiếc xe đạp chạy một vòng quanh khu vực ngôi trường để ngắm lại kiến trúc cổ kính của các công trình. Bất giác, cụ cố tôi ngước mắt lên nhìn căn biệt thự có ghi dòng chữ VILJOLALIE (Vin zô la li e) và sững người lại như vừa phát hiện ra một điều lý thú nào đó. Ông vội vàng đạp xe quay trở về nhà, tìm trong túi xách của mình cuốn sổ lưu bút của những năm học trước, giở đi giở lại và kết quả là đã tìm được ra dốt cuộc giấc mơ hôm qua là như thế nào.
---Hết phần 3---