6.2 | Vượt thác (1974) - Võ Quảng

1.4K 2 0
                                    


Quê nội

Chương 11

Trường sẽ xây dựng ở chòm đa Lý. Thầy Lê Hảo đứng ra trực tiếp lo mọi việc. Gạch ngói sẽ dỡ lấy ở ngôi miếu cũ giữa vườn đa. Cần mua thêm một ít vôi ngói. Gỗ phải đi lấy ở Dùi Chiêng. Ông Hội Hiệt đã hứa đóng góp đủ gỗ. Việc đi lấy gỗ giao cho dượng Hương Thư và chú Hai Quân. Dượng Hương Thư năng lên xuống các ngõ nguồn, mọi việc sẽ thuận lợi.

Tôi và thằng Cù Lao mang hai cái nồi, một bị gạo, một hũ mắm đặt vào thuyền. Dượng Hương mua thêm hai chục cá chuồn thính, một chục cá mòi dầu, ba cân tôm khô, hai cân đường cát đem về cho dì Hương và để biếu bà con trên đó. Gió nồm vừa thổi, dượng Hương nhổ sào. Cánh buồm nhỏ căng phồng. Thuyền rẽ sóng lướt bon bon như đang nhớ núi rừng phải lướt cho nhanh để về cho kịp.

Chỉ một chốc sau, chúng tôi đã đến ngã ba sông, chung quanh là những bãi dâu trải ra bạt ngàn đến tận những làng xa tít.

Thỉnh thoảng chúng tôi gặp những thuyền chất đầy cau tươim dây mây, dầu rái, những thuyền chở mít, chở quế. Thuyền nào cũng xuôi chậm chậm. Càng về ngược, vườn tược càng um tùm. Dọc sông, những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước. Núi cao như đột ngột hiện ra chắn ngang trước mặt. Đã đến Phường Rạnh. Thuyền chuẩn bị vượt nhiều thác nước.

Đến Phường Rạnh, dượng Hương sai nấu cơm ăn để được chắc bụng. Mùa nước còn to, có khi suốt buổi phải chống liền tay không phút hở. Ba chiếc sào bằng tre đầu bịt sắt đã sẵn sàng. Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn. Dượng Hương Thư đánh trần đứng sau lái co người phóng chiếc sào xuống lòng sông nghe một tiếng "soạc"! Thép đã cắm vào sỏi! Dượng Hương ghì chặt trên đầu sào, lấy thế trụ lại, giúp cho chú Hai và thằng Cù Lao phóng sào xuống nước. Chiếc sào của dượng Hương dưới sức chống bị cong lại. Nước bị cản văng bọt tứ tung, thuyền vùng vằng cứ chực trụt xuống., quay đầu chạy về lại Hòa Phước.

Những động tác thả sào, rút rào rập ràng nhanh như cắt. Thuyền cố lấn lên. Dượng Hương Thư như một pho tượng đồng đúc, các bắp thịt cuồn cuộn, hai hàm răng cắn chặt, quai hàm bạnh ra, cặp mắt nảy lửa ghì trên ngọn sào giống như một hiệp sỹ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ. Dượng Hương Thư đang vượt thác khác hẳn dượng Hương Thư ở nhà, nói năng nhỏ nhẻ, tính nết nhu mì, ai gọi cũng vâng vâng dạ dạ.

Cho đến chiều tối, thuyền vượt qua khỏi thác Cổ Cò.

Chú Hai vứt sào, ngồi xuống thở không ra hơi. Dòng sông cứ chảy quanh co dọc những núi cao sừng sững. Dọc sườn núi, những cây to mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước. Qua nhiều lớp núi, đồng ruộng lại mở ra. Đã đến Trung Phước.

 Thuyền vượt thẳng lên Dùi Chiêng. Nghe nói Dùi Chiêng, tôi và thằng Cù Lao quên cả chuyện đi lấy gỗ, đầu óc tràn ngập những chuyện bắt hùm sắp đến. Chúng tôi sẽ gặp ông Bá Hoành và ông Hội Hiệt. Họ đều có lông chân mọc ngược, có cặp mắt nảy lửa, làm hùm beo khi nhìn thấy phải cúp đuôi bỏ chạy.

Thuyền cập bến Dùi Chiêng. Dượng Hương Thư đưa thẳng chúng tôi đến nhà ông Hội Hiệt.

Một ông già vóc nhỏ, gầy nhom từ trong ngôi nhà gạch bước ra. Dượng Hương cho biết đó là ông Hội. Tôi sững sờ. Không lẽ một người bắt hổ hình vóc lại nhỏ bé khẳng khiu như vậy? Hổ khịt mạnh, ông Hội có thể bay mất. Tiếng nói của ông dịu dàng chứ không như tiếng sấm. Cặp mắt cũng không nảy lửa. Tôi hơi thất vọng. Thằng Cù Lao nhìn chăm chú vào chân ông, xem quả lông chân có mọc ngược không. Ông Hội cũng nhìn chúng tôi thật chăm chú như muốn hỏi: Hai chú bé này con nhà ai vậy?

Ngữ Văn (Phần 1 - 6, 7)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ