7.2 | Óc phán đoán và óc thẩm mỹ - Nguyễn Hiến Lê

32 0 0
                                    

SGK

  Chính Xanh-tơ Bơ-vơ cũng đã nói: "Tôi biết nhiều người có óc phán đoán rất đúng mà đồng thời lại thiếu óc thẩm mĩ, vì óc thẩm mĩ biểu hiện một cái gì tinh vi nhất, thuộc về bản năng nhất trong cái chỗ tế nhị mơ hồ nhất của các giác quan của ta".

Muốn thưởng thức một bài văn, ta đọc nó chầm chậm một hai lần, xem có cảm thấy cái hay của nó không đã; khi cảm được rồi, ta mới tìm hiểu nó hay ở chỗ nào. Ta dùng trái tim của ta trước rồi sau mới dùng lí trí. Nếu lòng ta không cảm thì càng phân tích lại càng không hiểu được gì cả. Văn học khác khoa học ở chỗ đó; và óc thẩm mĩ khác óc phán đoán cũng ở chỗ đó: một đằng là sự ưa thích của lòng, một đằng là sự sáng suốt của óc, một đằng cần nhiều cảm thụ tính, một đằng cần nhiều luận lí tính.

Nói vậy không phải là óc thẩm mĩ và óc phán đoán tương phản nhau mà ta không bao giờ dùng lí trí để hiểu được cái đẹp đâu. Vẫn có nhiều cái đẹp có thể giảng được và ai cũng thấy nó hợp lí: chỉ một số tế nhị quá mới có những lí lẽ riêng của nó mà lí trí không sao phân tích nổi, và muốn nhận thức được, ta phải luyện mĩ cảm bằng cách sống thật nhiều, đọc nhiều tác phẩm bất hủ của mọi xứ và mọi thời.  

(trích)

---------------------------------------------

Hương sắc trong vườn văn

CHƯƠNG 1: Óc thẩm mỹ

*

Một anh bạn của tôi nói:

- "Tôi đã đọc nhiều sách Giảng văn viết cho học sinh ban Trung học, và thấy một số tác giả phân tích rất tỉ mỉ tác phẩm của tiền nhân, nhưng phần đông các ông ấy không biết lựa bài. Chẳng hạn như về truyện Kiều, người ta đua nhau trích những đoạn như Kiều đi thanh minh hoặc Kiều gảy đờn cho Kim Trọng nghe hoặc Trước lầu Ngưng Bích... Những đoạn đó đáng gọi là giai tác thật, nhưng chỉ biểu hiện được một vài khía cạnh của thiên tài Nguyễn Du, mà trong những khía cạnh đó, nhiều thi sĩ khác như Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có thể không kém cụ bao nhiêu; còn đoạn Tú Bà nổi trận lôi đình với Thúy Kiều, một đoạn tả những lời thô tục nhất mà phi cụ ra, không ai viết được thành thơ, thì cơ hồ chưa sách nào dẫn ra cả. Hình như các nhà soạn sách đó chỉ có óc phân tích chứ không có óc thẩm mỹ".

(Tôi xin chép lại đoạn đó dưới đây (theo bản của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim) để độc giả nào không thuộc Kiều, khỏi phải tra lại:

Mụ nghe nàng nói hay tình,
Bây giờ mới nổi tam Bành mụ lên:
"Này này sự đã quả nhiên,
Thôi đà cướp sống của min đi rồi!
Bảo rằng đi dạo lấy người, 
Ðem về rước khách kiếm lời mà ăn.
Tuồng vô nghĩa, ở bất nhân,
Buồn mình, trước đã tần mần thử chơi.
Màu hồ đã mất đi rồi,
Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma! 
Con kia đã bán cho ta,
Nhập gia, phải cứ phép nhà tao đây!
Lão kia có giở bài bây,
Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe!
Cớ sao chịu tốt một bề, 
Gái tơ mà đã ngứa nghề sớm sao!
Phải làm cho biết phép tao!"
Chập bì tiên, rắp sấn vào ra tay.  )

Tôi nghĩ rằng người ta có thể không trích đoạn đó vì một lẽ khác, lẽ không tiện cho học sinh đọc chẳng hạn; nhưng tôi phải nhận anh bạn tôi có lý khi anh bảo người ta có thể biết phân tích mà không biết thẩm mỹ.

Chính Sainte-Beuve cũng đã nói: "Tôi biết nhiều người có óc phán đoán rất đúng mà đồng thời lại thiếu óc thẩm mỹ, vì óc thẩm mỹ biểu hiện một cái gì tinh vi nhất, thuộc về bản năng nhất trong cái chỗ tế nhị mơ hồ nhất của các giác quan của ta".

Muốn thưởng thức một bài văn, ta đọc nó chầm chậm một hai lần, xem có cảm thấy cái hay của nó không đã; khi cảm được rồi, ta mới tìm hiểu nó hay ở chỗ nào. Ta dùng trái tim của ta trước rồi sau mới dùng lí trí. Nếu lòng ta không cảm thì càng phân tích lại càng không hiểu được gì cả. Văn học khác khoa học ở chỗ đó; và óc thẩm mỹ khác óc phán đoán cũng ở chỗ đó: một đằng là sự ưa thích của lòng, một đằng là sự sáng suốt của óc, một đằng cần nhiều cảm thụ tính, một đằng cần nhiều luận lí tính.

Nói vậy không phải là óc thẩm mỹ và óc phán đoán tương phản nhau mà ta không bao giờ dùng lí trí để hiểu được cái đẹp đâu. Vẫn có nhiều cái đẹp có thể giảng được và ai cũng thấy nó hợp lí: chỉ một số tế nhị quá mới có những lí lẽ riêng của nó mà lí trí không sao phân tích nổi, và muốn nhận thức được, ta phải luyện mĩ cảm bằng cách sống thật nhiều, đọc nhiều tác phẩm bất hủ của mọi xứ và mọi thời.

*

Ngữ Văn (Phần 1 - 6, 7)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ