7.2 | Lòng nhân đạo - Lâm Ngữ Đường

110 0 0
                                    

SGK

  Lòng nhân đạo tức là lòng biết thương người. Thế nào là biết thương người và thế nào là lòng nhân đạo?

Hằng ngày chúng ta thường có dịp tiếp xúc với đời sống bên ngoài, trước mắt chúng ta, loài người còn đầy rẫy những cảnh khổ. Từ một ông lão già nua răng long tóc bạc, lẽ ra phải được sống trong sự chăm sóc đùm bọc của con cháu, thế mà ông lão ấy phải sống kiếp đời hành khất sống bằng của bố thí của kẻ qua đường, đến một đứa trẻ thơ, quá bé bỏng mà lại sống bằng cách đi nhặt từng mẩu bánh của người khác ăn dở, thay vì được cha mẹ nuôi nấng, dạy dỗ...

Những hình ảnh ấy và thảm trạng ấy khiến cho mọi người xót thương, và tìm cách giúp đỡ. Đó chính là lòng nhân đạo.

(trích)  

---------------------------------------------

(Tinh hoa xử thế)

Phần 3: Nghệ thuật ở đời

Chương 10: Lòng nhân đạo

  Lòng nhân đạo tức là biết thương người. 

Nhưng,

Thế nào là thương người và phải thương người bằng cách nào?

Đó là hai câu hỏi và đó cũng là hai vấn đề trong ý nghĩa của lòng nhân đạo.

Như tất cả con người chúng ta đều biết, loài người là một thứ sinh vật sống bằng tình cảm. Sự sai biệt giữa loài người và những sinh động vật khác cũng chính do tình cảm mà ra. Con người nếu không có được một nếp sống tình cảm, nghĩa là đi ra ngoài định luật của lương tri tức nhiên lúc đó con người sẽ không còn là con người nữa.

Đời sống tình cảm của loài người đã làm thành một thứ chất liệu quan yếu và cần thiết vô cùng. Đời sống con người, nếu mấy tình cảm tự nhiên con người sẽ trở nên hung bạo, tàn nhẫn vô cùng. Chính nhờ tình cảm đó đã giúp cho người này thương yêu người kia, cá nhân này cảm mến cá nhân kia và những nguồn yêu thương nhỏ mọn ấy kết tinh thành những thứ tình thương bao la rộng lớn khác.

Đi từ một định nghĩa đơn thuần, thể hiện bằng một thứ tình cảm cá nhân, giữa một cá nhân yêu thương một cá nhân người ta đã tạo được gia đình, sự nảy nở của gia đình thực sự chỉ là sự hòa hợp giữa hai tâm hồn cùng biết rung động như nhau, cùng cảm thông với nhau mà người ta đã nhờ vả vào tình yêu thương ấy để rồi cả hai cùng tương trợ cho nhau, giúp đỡ cùng nhau và cả hai cùng gánh vác cho nhau tất cả những đắng cay, mưa gió của đời hay cùng nhau chia sớt cho nhau những nguồn yêu thương hoan lạc.

Kết tinh bằng tình thương yêu ấy của một số người chung sống bên nhau, coi nhau như tình ruột thịt, họ cũng tương trợ lẫn nhau, gánh vác cho nhau, chia sẻ cùng nhau trong một phạm vi to lớn hơn phạm vi gia đình, tình thương yêu đó tạo thành tình thân mật, làng xóm, thôn trang.

Đi ra ngoài tình yêu mến làng quê, xứ sở cùng ngôn ngữ, cùng tập quán, chung một màu da, nói một thứ tiếng tự coi nhau như những người thân và đem lòng thương yêu giúp đỡ. Tình yêu ấy là tình yêu quê hương đất nước.

Đó là một thứ tình yêu thương chung mà ai ai cũng có. Tuy nhiên, tình thương yêu là một cái gì trừu tượng mơ hồ xa vắng, mặc dù trong tâm hồn con người ai cũng biết. Song, không làm sao nói được hoàn toàn. Nó chính là sự rung động chân thành, sự xót xa, sự tưởng nhớ diệu vợi mênh mông.

Tôi tin chắc nếu có ai hỏi bạn lòng thương yêu nhân đạo là gì, tôi tin rằng bạn biết nhưng không làm sao diễn đạt đúng như sự hiểu biết trong lòng của bạn. Bởi lẽ nó là một trạng thái vô hình, song con người không ai có thể thiếu nó.

Từ đầu đến giờ tôi nói đến nhiều về ý nghĩa của hai tiếng yêu thương, có bạn sẽ cho rằng tôi đặt vấn đề như thế là thừa, là đi sai đề cũng có thể.

Song, sự thật không phải như thế. Lý do tôi đặt vấn đề bằng tư tưởng yêu thương khá dài, tôi chưa trình bày đến khía cạnh chính như tiêu đề lòng nhân đạo, là vì tôi thiết nghĩ lòng nhân đạo chính là sự thành hình của lòng yêu thương.

Tại sao?

Không có gì khó khăn cả, tôi xin đơn cử một thí dụ. Nếu một con người nào đó họ sống chỉ bằng hành động không một chút tình cảm, hay nói trắng ra là đối với những con người bạc ác, hung tợn, thử hỏi những con người đó có bao giờ bạn có lòng nhân không. Tuyệt đối không và không bao giờ có.

Đó là một sự thật, một sự thật không thể chối cãi và lý do đó chúng ta thấy rằng lòng nhân đạo phát xuất từ lòng yêu thương mà ra.

Theo như định nghĩa lòng nhân đạo tức là lòng biết thương người mà thôi. 

Thế nào là biết thương người và thế nào là lòng nhân đạo?

Hằng ngày chúng ta thường có dịp tiếp xúc với đời sống bên ngoài, trước mắt chúng ta, loài người còn đầy rẫy những cảnh khổ, từ một ông lão già nua răng long, tóc bạc đáng lý ra với con người như thế phải được sống trong sự ưu đãi của đàn con đám cháu. Ngược lại, ông lão ấy phải sống kiếp đời hành khất, sống bằng lòng nhân đạo bố thí của kẻ qua đường, đến một hình ảnh một đứa trẻ tuổi thơ, đời còn quá bé bỏng lại phải sống bằng cách đi nhặt từng mẩu bánh của những người ăn dở, thay vì  đứa bé ấy phải được cha mẹ nuông chiều dạy dỗ v.v...

Bằng những hình ảnh ấy, với bao nhiêu thảm trạng ấy khiến cho mọi người thương xót và tìm cách giúp đỡ ấy chính là nhân đạo vậy.

Nhân đạo là như thế nào?

Trong lãnh vực xử thế, con người cần phải phát huy lòng nhân đạo  của mình đối với mọi người sống chung quanh ta.

Khi chúng ta bắt gặp một cảnh khổ, dù là cảnh khổ ấy không phải của chung quanh chúng ta gánh chịu. Song, chớ nên coi đó là một sự chiến thắng của một cá nhân mà trái lại chúng ta nên tìm cách giúp đỡ những con người ấy.   

Nghệ thuật xử thế quan trọng chưa phải chỉ nhắm vào cách chinh phục lòng người mà đủ. Thực sự của nghệ thuật xử thế là phải làm sao đối xử vẹn toàn giữa người với người, đó mới chính là một nghệ thuật. Đắc nhân tâm đã khó mà chinh phục được sự thương yêu của người đời càng khó hơn.

Tinh hoa xử thế là ở chỗ đó. Nếu chúng ta có tài chinh phục được người khác, mà không biết giúp đỡ cho người thì cũng bằng thừa. Chủ đích của đời sống là làm sao mang tình thương yêu gieo rắc khắp nơi để đánh đổi lấy sự tin yêu của người đời ngoại cuộc, đó mới thật là một nghệ thuật ở đời vậy.

Để kết luận tôi xin mượn câu nói sau đây của Thánh Gandhi làm một phương châm:

"Chinh phục được mọi người ai cũng cho là khó, nhưng tạo tình thương, lòng nhân đạo, sự thông cảm giữa con người với con người lại càng khó hơn. Điều kiện duy nhất để tạo sự kính yêu và mến phục đối với quần chúng tốt nhất là phải làm sao phát huy lòng nhân đạo đến cuối cùng và tột độ vậy".

Ngữ Văn (Phần 1 - 6, 7)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ