CYBERPUNK - MỘT XÃ HỘI HỖN MANG, MỘT THỂ LOẠI HẤP DẪN

970 44 10
                                    

CYBERPUNK – ĐÁNH MẤT PHẦN "NGƯỜI" ĐỂ PHÁT TRIỂN, HAY KÌM HÃM PHÁT TRIỂN ĐỂ GIỮ LẤY PHẦN "NGƯỜI"?

Cyberpunk là một nhánh văn học con trong dòng văn học viễn tưởng. Bối cảnh chính của truyện Cyberpunk thường là trong tương lai giả định khi khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, tuy nhiên đời sống xã hội lại suy tàn thối nát. Nếu có một từ tóm gọn đặc điểm của thể loại này thì đó sẽ là "Hi-tech, Low life".

NGUỒN GỐC VÀ ĐẶC ĐIỂM

Được bắt đầu từ những năm thập niên 60 của thế kỷ trước, trong đợt sóng dâng trào về thể loại viễn tưởng, cyberpunk lần đầu tiên được thành hình trong tác phẩm truyện ngắn viễn tưởng của tác giả Bruce Bethke, và dần phát triển mạnh mẽ đến mức trong thời đại ngày nay nó vẫn là nguồn cảm hứng bất tận cho những thế giới tưởng tượng từ các tác giả dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp.

Cyberpunk thường tập trung vào những mối xung đột giữa công nghệ và nhân tính, giữa hệ thống trí tuệ nhân tạo và các hackers/người dùng cùng các tập đoàn/siêu tập đoàn trong cùng thế giới đó.

Đặc điểm chính của Cyberpunk là sự hỗn mang giữa xã hội công nghệ phát triển vượt bậc, khi loài người chỉ có thể chọn một trong hai: nhân tính và công nghệ phát triển. Thế giới của Cyberpunk rất rộng lớn: nó có thể là một thành phố, một đất nước hoặc cả thế giới, thậm chí lên tới mức liên ngân hà...Xã hội trong thể loại này luôn luôn thối nát, mục ruỗng với những giá trị quan về nhân sinh bị bóp méo và đạp đổ. Cùng với yếu tố công nghệ phát triển, những máy móc vô tri cũng đã "vô tri hóa" tâm hồn của con người, khiến chúng trở nên cằn cỗi và cạn kiệt lòng thông cảm với kẻ khác. Để có thể hình dung xã hội trong thể loại này một cách tốt nhất, người đọc có thể tham khảo các bộ truyện tranh hoặc phim hoạt hình với xã hội đậm chất Cyberpunk để có được sự tưởng tượng tốt nhất: Psycho-Pass; Ghost in the shell; Haisha (Ashen Victor) hay Akira...Ba từ có thể dùng để miêu tả xã hội trong thể loại này là Tăm tối, Hỗn loạn và Tồi tệ. Xã hội Cyberpunk thể hiện rõ ranh giới giữa các tầng lớp con người, tách biệt họ ra thành hai mảng màu khác biệt như ánh sáng và bóng tối: Nếu bạn không giàu có, thì bạn chỉ có thể sống lay lắt và chết chìm giữa những khu ổ chuột.

Nhân vật trong Cyberpunk, hiển nhiên, đa số đều là Phản anh hùng. Những nhân vật được nhắc đến trong thể loại này thường nằm trong tầng lớp ngoài rìa xã hội, là một cá thể dị biệt nằm trong guồng quay vĩ đại của sự phát triển rữa mòn. Họ sống theo một lý tưởng riêng và thể hiện sự chống đối với các đối thủ nắm quyền lực lớn trong xã hội đó. Con người trong xã hội này được diễn tả là tổng hợp của những thói xấu kinh hoàng: bẩn thỉu, tráo trở, lừa lọc, chém giết nhau chẳng chút nương tay. Hệ lụy của việc phát triển công nghệ tột bậc là kéo theo những sự tụt dốc về sinh thái và xã hội, con người trong Cyberpunk cũng tuân theo quy luật này.

THẾ GIỚI CYBERPUNK – ĐÁNH ĐỔI CÔNG NGHỆ ĐỂ GÌN GIỮ NHÂN TÍNH, HAY VỨT BỎ NHÂN TÍNH ĐỂ PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VƯỢT BẬC?

Cyberpunk là thể loại cực kỳ tuyệt vời để cài cắm tư tưởng nhân sinh của tác giả và chia sẻ chúng đến với người đọc. Ngay từ bối cảnh và đặc điểm của thể loại này đã đặt ra một câu hỏi hóc búa: giữa công nghệ phát triển tập trung thỏa mãn cá nhân và xã hội nhân sinh gắn kết, cái nào sẽ là hướng đi tốt đẹp hơn cho toàn bộ nhân loại? Tất cả các tư tưởng về nhân sinh và xã hội được thể loại Cyberpunk này đẩy lên tới mức xung đột cao nhất, để độc giả có thể mường tượng cái nhìn toàn cảnh về xã hội tương lai mà con người chúng ta đang hướng đến. Chắc hẳn ai cũng đã từng đọc được thông tin về việc Trung Quốc đang ấp ủ dự án "đánh giá công dân" dựa trên các hoạt động liên quan đến công nghệ của người dân, từ đó đưa ra danh sách những "công dân tốt" phân biệt với "công dân tồi". Hệ thống này dẫn đến việc phân cấp khủng khiếp về chế độ đãi ngộ, đời sống vật chất lẫn tinh thần dựa trên cấp bậc mà mỗi người dân đang có. Đây là một ví dụ hoàn hảo cho các tiền đề phát triển lên xã hội Cyberpunk trong tương lai.

Hành động và dự án của Trung Quốc cũng được thể hiện rõ trong một bộ anime đậm chất Cyberpunk của Nhật Bản là Psycho-Pass – có bối cảnh nơi mà con người được một hệ thống trí tuệ nhân tạo/tâm trí tụ hợp "Sibyl" đánh giá và xác định "chỉ số phạm tội" cũng như "nghề nghiệp thích hợp" cho từng cá thể sống trong đó. Tư tưởng xung đột của Psycho-Pass thể hiện cực rõ thông qua nhân vật phản diện Makishima Shougo và cặp đôi cảnh sát Shinya Kogami cùng Akane Tsunemori. Với một xã hội mà con người bị áp đặt về cả nghề nghiệp lẫn tương lai, cũng như bị áp chế bởi chỉ số phạm tội được xác định bởi một cỗ máy vô tri, Psycho-Pass đặt ra cho người xem vô vàn câu hỏi xung đột về cái tốt và xấu, về sự hỗn loạn trong một xã hội tưởng chừng trật tự lý tưởng.

Để viết được thể loại này, người viết cần có một nền tảng vững chắc và dày dặn về công nghệ thông tin cũng như hiểu được các vấn đề xã hội và tâm lý con người, sức tưởng tượng của người sáng tạo thế giới Cyberpunk có thể nói ở từ "khủng khiếp", vì thế nếu chỉ mới bắt đầu tiếp cận với con chữ, bạn chưa nên bước vào thể loại khó nhằn này.

CÁC THỂ LOẠI TRUYỆNNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ