Năm Hồng Đức thứ 25.
Mùa hạ là thời gian mà dịch sâu hại tràn lan, bệnh tật vì cái oi bức từ đó ngày một nhiều, theo quan niệm, chính ngày này có khí dương mạnh nhất trong năm, người dân luôn tổ chức tiết Đoan Dương để tẩy trừ những thứ không sạch sẽ.
Tiết trời mùa hạ nóng bức, tiết Đoan Dương lại cử hành vào giữa trưa khiến thể trạng ai nấy đều lấy làm bực dọc. Tuy ngày này không phải lễ lớn gì cho cam, song, mọi người vẫn phải giữ vẻ nghiêm chỉnh, không được lộ sự mệt mỏi ra bên ngoài.
Đàn cúng không thể hoàn thiện khi thiếu đi bánh nẳng, các loại trái cây và chè hạt sen. Trước khi đàn cúng tiết Đoan Dương diễn ra, mỗi người phải ăn rượu nếp cái ngay khi vừa thức dậy. Người lớn nhuộm móng chân, móng tay, tục khảo cây lấy quả, tục treo ngải cứu để trừ tà còn những em bé chưa biết đi sẽ được lấy một ít vôi quét vào thóp, vào ngực và rốn để chúng không bị đau bụng, nhức đầu.
Hoàng thái hậu và Hồng Đức thánh thượng chủ trì buổi lễ. Phía sau thánh thượng là các hoàng tử, hoàng tôn mà đứng đầu là thái tử Lê Tranh, sau thái hậu là các phi tử, công chúa xếp thành hàng dài đứng đầu là Quý phi Nguyễn thị. Bá quan văn võ đứng hai bên, vái lạy theo guồng của thánh thượng và thái hậu.
Vốn vua Hồng Đức lớn lên từ chốn dân dã nên ngài thấu hiểu những nổi khổ sở của dân chúng. Hàng năm, cứ đến ngày mồng 5 tháng 5, ngài lệnh hoàng tử, công chúa, phi tần và bá quan văn võ phải có mặt cúng lễ cho một tiết mới, mừng sự quang đãng cầu an cho con dân.
Thánh thượng ngự lên ngai. Bên ngoài vút roi, dâng hương. Nhã nhạc tấu khúc Văn quang. Cáp môn xướng: "Bài ban! Ban tế! Cúc cung bái!"
Tất cả đều thực hiện năm lạy, ba vái.
Cáp môn lại xướng: "Hưng! Bình thân! Bách quan phân ban thị lập!"
Viên hạ quan Lễ bộ quỳ: "Tâu lễ tất!"
– oOo –
Đường trở về Đông cung khá xa nhưng thái tử lại chẳng màn dùng kiệu, tâm trí lúc nào cũng hướng về mẫu phi đang bị cấm túc ở Vĩnh Ninh cung kia. Trước đây, mọi việc đều do mẫu phi của người lo liệu, vị trí đầu các phi tần cũng là của mẫu phi người nhưng nay lại về tay kẻ khác. Hoàng tôn Thuần từ phía sau vùng chạy lên, nắm lấy tay thái tử làm cắt đứt dòng suy nghĩ.
Hoàng thái tôn Tuân vươn người, đặt tay lên vai Thuần, răn đe: "Không được ngang hàng cha!"
Thái tử giơ tay ra hiệu, Tuân cúi đầu, lẳng lặng ở phía sau. Thái tử mỉm cười: "Sao lại cả gan đi ngang hàng với ta?"
Thuần hồn nhiên đáp: "Cha buồn. Con muốn làm cha vui."
Cùng lúc đó, một giọng nói phát ra ở phía sau, Triệu vương Lê Thoan từ từ tiến về phía thái tử: "Cha ngươi chính là nhớ đến người mẹ tàn độc của hắn. Ngươi còn nhỏ, làm sao mà hiểu được tổ mẫu của ngươi từng gây ra cớ sự chi!"
Đã mười năm kể từ ngày Vĩnh Ninh cung quý phi bị cấm túc, Hồng Đức thánh thượng phong Nguyễn thị ở Thọ Am cung làm kế quý phi, nội cung đã phần nào yên ắng nhưng thái tử vẫn là cái gai trong mắt của mẹ con bà ta.
BẠN ĐANG ĐỌC
Vua Quỷ khóc (Uy Mục Dã Kí)
Historical FictionBộ tiểu thuyết dã sử về cuộc đời của vua quỷ Lê Uy Mục. Lê Uy Mục húy là Lê Tuấn hay còn gọi là Lê Huyên, có mẹ vốn là cung nữ của Trường Lạc hoàng thái hậu. Lê Tuấn luôn bị thái hậu khinh miệt vì thân phận của mình. Sau khi lên ngôi, lý do Lê Uy Mụ...