Am Từ Công chính là nơi ngày xưa đức Quang Thục hoàng thái hậu cầu tự cho đức Thánh Tông đế có con nối dõi, là nơi mà đức Quang Thục chiêm bao thấy Thượng đế sai sao Thiên Lộc xuống làm con người họ Nguyễn. Tức thì, thái hậu liền thụ thai khi còn là Vĩnh Ninh cung Sung nghi bấy giờ.
Nghĩ đến chuyện đó, thái hậu cho am Từ Công linh thiêng bèn chọn ngày đến cầu an cho long thai mà Ngọc Hoàn đang mang. Ả hầu già khúm núm thay thái hậu dâng lễ, bà liền cản ngăn. Đích thân thái hậu muốn tự mình dâng lòng thành kính để thần thánh cảm thấu mà phù hộ.
"Sau bao năm trời, nội cung mới có một người thụ thai, hơn nữa, người đó lại là Quý phi. Long thai này muôn phần cao quý."
Ả hầu già đỡ thái hậu đứng dậy. Xương cốt bà có vẻ dần trở nên yếu đi, một tay phải chống lên gối làm điểm tựa. Thái hậu dạo quanh thăm cảnh núi Phật Tích, một cảnh đẹp hùng vĩ đã lâu rồi bà mới được thấy lại. Năm đó đức Quang Thục hoàng thái hậu sai cha bà là Trinh quốc công đến đây cầu đảo, bà cũng được đưa theo cùng các vị cung nhân của tiên đế đến giờ cũng đã bốn mươi năm ròng.
Thái hậu như trút được nỗi canh cánh bấy lâu, sắc mặt an lành, ngày đêm vui sướng hơn ai hết. Ả hầu già cung kính thưa: "Thưa bẩm đức bà, Quý phi mang long thai khiến bà hoan hỉ đến vậy sao ạ?"
Thái hậu tươi cười, gật gù nói: "Thánh thượng cũng rất trông mong cái thai này. Cũng đã ban tên cho long thai là Hoàng, bọn Tư thiên giám căn cứ vận mệnh, bảo đây là nam thai. Thật ra, là công chúa cũng tốt bởi dẫu gì thánh thượng cũng đã có ba hoàng nam mà chưa có một hoàng nữ nào. Tuy nhiên, Thuần sức khỏe yếu kém, tuy tư chất thông minh nhưng chỉ cần ra gió một chút là bệnh, mặc không ấm một chút là bệnh. Người ta nói rằng, bậc đế vương văn võ song toàn, các bậc tiên đế trước kia đều có thể tự cầm quân ra trận. Nó có văn mà không có võ, quả là một thiếu sót lớn. Chi bằng, hãy mong Quý phi bình an sinh ra một hoàng nam, đặng sau có chi bất trắc, dòng máu tôn quý vẫn không bị mất đi."
Ả hầu già không dám bàn thêm vào chuyện của các bề trên, chỉ có thể thở dài não nề cho số phận mà Lê Thuần phải chịu. Năm xưa, Ngọc Hoàn bị động thai nên chưa đủ tháng đủ ngày đã vội sinh Lê Thuần. Lê Thuần từ nhỏ đã có thể chất không được như Lê Tuân hay Lê Huyên, sau vụ việc ngã hồ Vĩnh Dạ, sức khỏe cậu càng thêm trầm trọng.
Lê Thuần ho khan vài tiếng, hơi thở khó nhọc nhanh chóng với lấy tách trà kề bên. Nguyễn Nhữ Vi vội vàng hầu thuốc, Lê Thuần uống được vài muỗng liền nhổ ra bằng hết.
Nhữ Vi hoảng hốt, y liền gọi hầu tẩu tán bát thuốc rồi sai đứa khác sắc lại liều thuốc khác. Nhữ Vi quỳ mà xin rằng: "Thưa điện hạ, con phận nô bộc thấp hèn, không dám làm trái ý bề trên. Nhưng con mong điện hạ hãy dùng hết thuốc, như thế mới khỏi bệnh. Bằng không, con sẽ bị bề trên phạt nặng..."
Trước kia, có một lần Lê Thuần nhiễm hàn nhẹ, cậu nhất quyết không chịu uống thuốc nên sai Nguyễn Nhữ Vi đem đổ. Không may, ả Liễu phát hiện. Ả Liễu là tâm phúc của Quý phi, sẽ là chuyện lạ nếu ả không mách lẻo lên chủ. Thánh thượng cùng đến Đông cung với Quý phi, Nguyễn Nhữ Vi suýt chút nữa bị điều làm viên ứng sai thấp bé của các ty cục.
BẠN ĐANG ĐỌC
Vua Quỷ khóc (Uy Mục Dã Kí)
Historical FictionBộ tiểu thuyết dã sử về cuộc đời của vua quỷ Lê Uy Mục. Lê Uy Mục húy là Lê Tuấn hay còn gọi là Lê Huyên, có mẹ vốn là cung nữ của Trường Lạc hoàng thái hậu. Lê Tuấn luôn bị thái hậu khinh miệt vì thân phận của mình. Sau khi lên ngôi, lý do Lê Uy Mụ...