Tháng giêng, năm thứ hai mươi tám, vua Hồng Đức băng hà tại tẩm điện Bảo Quang.
Tin tức nhanh chóng được truyền ra ngoài, khắp cả thảy thần dân đều than khóc. Đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung được giao soạn bài tán đức thánh thượng.
Quách Hữu Nghiêm cho người vời hoàng thái tử đến điện Bảo Quang, thái tử lệnh dụ các vương công hầu bá cùng bá quan văn võ tạm gác lại mọi sự trong cung, mỗi sáng sớm phải đến cửa Đông Tràng An đợi lệnh, chờ hữu ty chọn ngày lễ. Khi triều tham buộc đội mũ sa đen, mặc áo cổ tròn đen, tiến đến ngoài Cảnh Môn mỗi sáng một lần, đợi làm lễ như nghi thức. Lại lệnh cho dân gian trăm họ phải để tóc dài như tang phục trăm ngày. Các quan và các hộ vệ phải để tóc dài như tang phục ba năm và đều phải mặc áo trắng mộc, khi làm việc ở nhà mặc áo xanh cũng không cấm. Ngoài trăm ngày thì phải dùng áo xanh áo đen, không được dùng các màu hồng màu lục. Các quân dân trai gái ở phủ Phụng Thiên và trong nước đều phải mặc áo trắng mộc, hoãn lấy vợ chồng trong ba tháng.
Thái tử quyết định để tang ba năm, bày tỏ nỗi nhớ tiếc vô hạn. Triều thần cảm động mà quỳ lạy. Định Công bá Trịnh Công Đán chấp tay tâu: "Hoàng thái tử hiếu độ, thấu động trời xanh. Nay, Đại Hành hoàng đế băng hà, xin kính mong điện hạ nối nghiệp đại thống theo mệnh tiên đế, chủ trì quốc tang."
Thái tử không bằng lòng, nói: "Thánh thượng hoàng đế lìa bỏ trăm họ, sao ta có thể lấy ngày đau thương biến thành đại lễ lên ngôi? Thế thì đạo hiếu ở chỗ nào? Chi bằng hãy để sau."
Bình Lương hầu Lê Chí khẳng khái tiếp lời: "Nay thánh thượng băng, đất nước không thể không có chủ. Càng để lâu, e rằng không tránh kẻ khác nổi lòng dòm ngó, có ý tiếm đoạt."
Trịnh Công Đán tiếp tục thuyết phục: "Đạo hiếu chính là y theo di mệnh của đức thánh thượng. Nếu điện hạ không lập tức cử hành lễ lên ngôi, có kẻ không an phận làm loạn, chưa kịp để tang đã phải lo dẹp loạn giặc cỏ. Khẩn xin điện hạ suy xét!"
"Mẫu phi ta đâu?"
Thái tử trầm ngâm trong chốc lát nhưng chỉ thốt ra hỏi về Vĩnh Ninh cung quý phi. Trịnh Công Đán thầm nghĩ hẳn bà có ảnh hưởng rất lớn đối với thái tử bèn trả lời: "Quý phi đang túc trực bên linh cữu đức Đại Hành hoàng đế, đang cùng bá quan trông giữ ấn kiếm, chờ điện hạ nối ngôi chính thống."
Năm Hồng Đức thứ hai mươi tám, ngày mồng sáu tháng hai, hoàng thái tử Lê Tranh tuân theo di chiếu, lên ngôi hoàng đế, đại xá thiên hạ, xưng làm Thượng Dương động chủ, lấy năm sau là năm Cảnh Thống nguyên niên. Ngài truy dâng tôn thụy hiệu vua Hồng Đức là Sùng Thiên Quảng Vận Cao Minh Quang Chính Chí Đức Đại Công Thánh Văn Thần Vũ Đạt Hiếu Thuần Hoàng đế, miếu hiệu Thánh Tông. Tôn sinh mẫu quý phi Nguyễn thị làm hoàng thái hậu, ban chữ Tranh và chữ Hằng trong húy thánh thượng cùng húy thái hậu tránh dân chúng phạm phải.
Quách Hữu Nghiêm theo lệnh thái hậu liền đến cung Trường Lạc yết kiến. Thái hậu ban tọa, thần sắc nghiêm trọng hỏi: "Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?"
Nghiêm đợi thái hậu cho chúng hạ nhân lui ra, mới bẩm: "Như Phan thái y đã nói, tiên đế trước khi băng có nôn ra màu nâu vàng, tay bấu chặt vùng thượng vị, bụng hơi trướng lên chứng tỏ bị trúng độc từ mật cá trắm."
BẠN ĐANG ĐỌC
Vua Quỷ khóc (Uy Mục Dã Kí)
Historical FictionBộ tiểu thuyết dã sử về cuộc đời của vua quỷ Lê Uy Mục. Lê Uy Mục húy là Lê Tuấn hay còn gọi là Lê Huyên, có mẹ vốn là cung nữ của Trường Lạc hoàng thái hậu. Lê Tuấn luôn bị thái hậu khinh miệt vì thân phận của mình. Sau khi lên ngôi, lý do Lê Uy Mụ...