Lập hạ năm La Tại Dân bước sang tuổi hai mươi tư, Lý Đế Nỗ trở về quê hương. Dân thủ đô lao xao bàn tán về tin tức mới còn nóng hổi trên tờ nhật báo Sớm Mai, rồi lại truyền tai nhau, cậu ba Lý từ phương Tây đi học trở về sau gần sáu năm trời ròng rã để cùng anh trai kế thừa gia nghiệp, trông cậu vừa lãng tử lại vừa tri thức hơn ngày xưa, phải nói là khác một trời một vực. Lý Đế Nỗ vừa xuống tàu đã vội vàng xách vali đến cửa tiệm may chính giữa phố Tràng, thợ may ở đó lại nói cậu út dạo này không có đến đây, hỏi ra mới biết là cậu út bị đau lưng, cái chứng bệnh đau lưng của cậu lại tái phát rồi.La Tại Dân không đến tiệm may nữa, ở nhà tĩnh dưỡng trọn vẹn hai tuần. Trong hai tuần đó, Tại Dân không ra ngoài đường, đương nhiên không biết là cậu ba Lý đã trở về. Đêm ngày thứ ba nghỉ ở nhà, cái Mây chạy vào phòng bảo đêm nay có sao băng, cậu út bị nó phỉnh, thức trắng cả đêm chờ đợi. Đến khi trời đã sáng tỏ, La Tại Dân mới biết mình bị lừa.
Giữa đêm khuya thanh vắng, cậu út ngồi bên bệ cửa sổ lặng ngắm sao trời. Dù cho không có sao băng, cậu vẫn nhắm mắt thầm ước nguyện, Lý Đế Nỗ sao vẫn chưa trở về?
Mà cứ như cầu được ước thấy, La Tại Dân vừa mở mắt, lại nhác thấy một bóng người trông vừa quen thuộc lại vừa lạ lẫm, là người mà cậu vẫn luôn mơ thấy trong giấc mơ mỗi khi đêm về. Lý Đế Nỗ của tuổi hai mươi đứng đó chờ cậu, ánh mắt dịu dàng xoáy chặt vào tâm can cậu khiến Tại Dân cảm thấy khó thở. Dường như mơ đến Đế Nỗ đã trở thành thói quen, vậy nên khi cậu thức trắng đêm nay, giấc mộng ấy lại hoá thành ảo giác khiến La Tại Dân nhìn thấy Lý Đế Nỗ đứng ngay trước mắt mình. Hơn năm năm xa cách nhưng dường như vẫn chưa thể quen với điều này, Tại Dân đứng bật dậy, nước mắt đã bắt đầu chảy tràn bên khoé mi, lảo đảo đóng cửa sổ lại rồi nằm thao thức suốt một đêm trên chiếc giường đã lót đệm mềm.
Cậu La đã tưởng mình gặp ảo giác, nhưng cậu Lý thì biết rõ hình ảnh La Tại Dân rơi nước mắt đằng kia không phải là mộng tưởng.
Sáng ngày hôm sau, La Tại Dân ngủ đến mê mệt. Một giấc ngủ không mộng mị, nhưng tâm trạng của cậu vẫn không tốt hơn một chút nào.
Sáng ngày hôm sau nữa, La Tại Dân vẫn ngồi bên bục cửa sổ, bên cạnh là cái lồng chim sơn ca. Con chim hót líu lo từ khi đón được ánh nắng mặt trời đầu tiên trong ngày, mà Tại Dân cũng hưởng thụ chút nắng vàng của ngày lập hạ, vừa phe phẩy quạt mát vừa huýt sáo trêu chim.
Con sơn ca hôm nay hót vừa rộn vừa vang, Tại Dân thì thầm, "Hôm nay có gì mà mày vui đến thế hả?"
Con chim đương nhiên không nói được, chỉ dùng tiếng hót lảnh lót của nó đáp trả lại cậu. La Tại Dân tỉnh dậy từ sáng sớm, tinh thần cũng có chút vui vẻ. Ngày hôm qua, lúc Khải Xán ghé qua chơi, nó vui vẻ thông báo nhà họ Lý sắp có chuyện vui, anh trai nó sắp dựng vợ gả chồng. La Tại Dân bảo thế thì tốt quá, Lý Thái Dung đã vất vả bao nhiêu năm tuổi trẻ, bây giờ cũng nên đi tìm cho mình một bến đỗ bình yên.
Khải Xán không nói gì thêm, còn La Tại Dân thì lại không ngờ đến, cái đám cưới đấy hoá ra lại là của mình!
Cậu út lặng thinh nhấm nháp chén trà. Trà xanh đăng đắng xuống đến cổ họng lại đọng vị thanh mát. Cái Mây chạy vội chạy vàng, nó đập cửa ầm ầm, "Cậu út, cậu út ơi!"
BẠN ĐANG ĐỌC
Sơn Ca
Hayran Kurgu"Các cô ơi! Các cô biết chuyện gì chưa?" "Cậu ba nhà họ Lý sang rước dâu! Không phải là cô hai đâu, cậu Lý sang rước cậu út về làm vợ!"