Mười hai: Quà vặt.

33 2 0
                                    


Lời yêu thương cuối cùng, tôi xin gửi cho quà vặt.

Ban đầu, tôi định phân chia quà vặt ra thành một bài về quà cuốn, một bài về quà ngọt, một bài về quà mặn. Nhưng thực ra, tôi không mặn mà lắm với từng thức quà đấy để viết ra hẳn một bài. Thậm chí, đối với quà ngọt ở Sài Gòn, tôi còn hơi có phần không thích.

Không thích nhưng vẫn có đôi dòng nhắn nhủ yêu thương, là chè ơi, xôi ơi, bánh ơi, đừng ngọt sắc nữa. Từ ngày xưa, khi ăn chè, xôi ngọt, bánh ngọt ở miền Nam, tôi đã thấy ngấy khi ăn một nửa vì vị ngọt...kinh hoàng. Giả như với món chè, nếu các bạn có bao giờ thử nấu thì sẽ biết, nấu ra vị ngọt dịu như chè miền Bắc thì đã phải cho rất nhiều đường rồi. Để nấu ra vị ngọt trong chè miền Nam, tôi nghĩ họ phải đong một bát đỗ với...một bát đường. Đấy là lý do mà chè miền Nam ít ăn nóng trong bát mà thường ăn lạnh trong ly chất đầy nước đá. Giời nóng, nước đá tan ra, làm dịu đi vị ngọt gắt. Thế nhưng, dù vị ngọt đã giảm đi chút rồi, tôi vẫn thấy ngấy và chả bao giờ ăn hết nổi một ly chè bà ba (có lẽ đây là loại chè đặc trưng nhất của miền Nam, các loại khác thì từ miền Bắc miền Trung du nhập vào cả). Người miền Nam thích cho vào nhiều đỗ (đậu), kèm với vị ngọt gắt khiến ly chè dễ ngấy.

So với quà ngọt, tôi thích những thức mặn (savoury) hơn hẳn, mà quà vặt ăn mặn cũng phong phú hơn nhiều. Nổi tiếng nhất ở Sài Gòn có lẽ là bánh tráng với hai biến thể – thấy nhiều nhất quanh các cổng trường và ở hồ Con Rùa là bánh tráng trộn, và thi thoảng thì ta nhìn thấy món bánh tráng nướng làm theo kiểu Đà Lạt. Xin thú thật là tôi không thích bánh tráng trộn lắm, nhưng bánh tráng nướng thì luôn sẵn lòng. Bây giờ, người ta làm bánh tráng nướng to và nhiều nhân chất đạm lắm, chứ ngày xưa thì có khi chỉ có quả trứng kèm hành lá tương ớt thôi. Dù ăn đơn giản như thế hay cho thêm xúc xích, ruốc, thịt băm, bánh tráng nướng vẫn giống như pizza phương Đông – nhỏ hơn, gọn hơn, ăn vào thấy nhẹ hơn phiên bản phương Tây.

Bên cạnh bánh tráng, một thức quà ăn rất vui khác là xâu viên chiên. Thực lòng tôi không biết gọi nó là gì, bởi ngày xưa thì người ta gọi là xe cá viên chiên, nhưng thực ra họ chiên cả bò viên, ớt nhồi thịt, chả cá, trứng cút, đậu bắp nữa. Cái gì có thể chiên, người ta chiên cả. Tôi vẫn nhớ là ngày bé, chỉ bỏ ra một nghìn đồng thôi là đã có thể mua được một xâu bốn trứng cút chiên hoặc năm viên cá chiên rồi. Bạn nào không được bố mẹ cho nhiều tiền ăn quà còn có thể mua chỉ hai hoặc ba viên cá chiên, tức là chỉ 400 hoặc 600 đồng thôi (ngày ấy vẫn còn tờ hai trăm đồng màu cam thì phải). Còn bây giờ, một xâu như thế chắc phải mười, thậm chí hai mươi nghìn?

Cạnh những xe đẩy bán viên chiên còn có xe bột chiên nữa. Món bánh bột chiên này là của người Hoa, nhưng sau này, khi ăn những hàng điểm sấm của người Hoa ở Bắc Mỹ, tôi không thấy giống lắm với bột chiên Sài Gòn. Bột chiên Sài Gòn chiên cùng trứng và hành, ăn kèm đu đủ và cà rốt ngâm chua, chấm với xì dầu (nước tương) pha loãng có chút vị ngọt. Đành rằng là món tinh bột, nhưng thức quà này tương đối nhẹ nhàng (nếu chỉ ăn một đĩa) và không bao giờ là món ăn chính cả. Người ta chỉ ăn bột chiên cho vui miệng vào buổi xế chiều mà thôi.

Một đặc sản nữa của Sài Gòn là ngô (bắp) xào. Nếu như miền Bắc có ngô chiên bơ thì miền Nam có ngô xào. Điểm nhận biết món ăn miền Nam chính là mỡ hành, bởi vì không chỉ ngô xào có mỡ hành, mà cả ngô nướng trong Sài Gòn (thậm chí là các loại bún) cũng ăn kèm mỡ hành. Thứ mỡ hành này mình làm ở nhà không thể giống như họ bán ngoài hàng được, bởi hình như họ pha tí muối, mì chính và đường cùng một số thứ gì khác tôi không rõ. Chỉ biết là khi ăn vào, mỡ hành này đã có vị đậm và ngọt rồi. Đi cùng mỡ hành trong món ngô xào là tôm khô – thứ tôm khô rẻ tiền gần như chỉ còn vỏ chứ không thấy thịt, nhưng không hiểu sao lại hợp với ngô đến thế. Giả như mình lấy loại tôm khô hạng sang để làm cùng thì lại chõi thế nào.

Món quà vặt cuối cùng của Sài Gòn mà tôi nhớ là phá lấu. Lần đầu được giới thiệu món này, tôi có hơi sợ bởi vì nó là lưỡi, tai, ruột, bao tử của bò hoặc lợn. Nếu như miền Bắc có món lòng dồi chấm mắm tôm thì miền Nam có phá lấu – hình như là một nét văn hóa của người Tiều du nhập vào. Nhưng phiên bản phá lấu bây giờ có lẽ khác với phiên bản Tiều ngày xưa, bởi nếu chỉ nấu với ngũ vị hương thì món phá lấu chỉ có màu nâu nhạt. Các hàng quán Sài Gòn thì lại nấu một nồi phá lấu màu đỏ vàng đẹp mắt – không biết là nghệ, bột cà ri, dầu màu điều hay thứ gì khác nữa. Thôi thì ta cứ tin rằng không phải là phẩm màu đâu, bởi vì phẩm màu có khi còn khó tìm hơn cả những nguyên liệu tạo màu vàng tự nhiên nữa. Nhận bát phá lấu nho nhỏ, người ăn chấm miếng bánh mì vào nước dùng béo béo và có chút vị ngọt của nước dừa. Món này không ai bán một bát to cả, chỉ bán trong những ly nhỏ hay bát con bé hơn bát ăn cơm, bởi phá lấu vốn chỉ là món ăn chơi cho vui miệng.

Nhưng dù là xôi chè, bánh tráng, viên chiên, bột chiên, ngô xào, phá lấu, điểm chung mà tôi nhớ nhất về quà vặt Sài Gòn lại là những cơn mưa. Những cơn mưa rào thật ngắn của buổi chiều tan học, được mẹ chở tạt vào một hàng ăn vặt cạnh cổng trường. Những cơn mưa nhỏ nhưng dầm dề dai dẳng ngày cuối tuần, mẹ gọi bột chiên từ bác xe đẩy trước cửa nhà.

Có lẽ không chỉ có quà vặt đâu, mà tất cả các thức quà bánh cuốn, phở, canh bún, món Huế, cơm tấm, bánh xèo, bún mắm, bánh canh, bún thịt xào đến món Hoa hay hủ tiếu đều gắn liền với gia đình và tuổi thơ. Một thức quà ngon có khi chỉ là vì hôm đấy giời mưa nhưng bố mẹ vẫn bỏ ra công sức chở mình đi ăn chẳng hạn. Ngày còn bé, mình chưa biết quý, nhưng bây giờ trưởng thành rồi, mới thấy đấy cũng là một sự hy sinh. Có lẽ tôi phải cảm ơn thức quà ý nghĩa nhất mà bố mẹ đã trao tặng – một tuổi thơ êm đềm.

Sài Gòn hơn trăm mấy phố phường, nhưng con phố nào cũng dẫn về nhà mà thôi.

[Tùy bút] Sài Gòn trăm mấy phố phườngNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ