Chương 26: Mậu Thân, Ninh An 1908, Quang Tự năm thứ ba mươi tư

54 2 0
                                    



Tháng chín đến, Dực Chẩn được thả.

Anh ta vẫn quả quyết rằng người viết hai bài báo kia là mình, không liên quan gì đến người ngoài, Diệp Tế Châu ép hỏi hai tháng không thu hoạch được gì, chỉ dựa vào hai bài báo mà định tội người ta thì có vẻ khá thiếu thuyết phục.

Chính dư luận mới là yếu tố giúp Dực Chẩn ra khỏi nơi không nhìn thấy ánh sáng mặt trời kia. Điều này phải cảm tạ Dương thư sinh, người đã chỉ vài mánh khóe cho A Bội để cô ấy liên lạc với nhóm bạn cũ và các phòng viên báo nước ngoài ở Trung Quốc, áp lực từ nhiều luồng dư luận đã thổi phồng vấn đề bé xíu của Ninh An ra khắp cả nước và thu hút sự chú ý của quốc tế. Giữa lúc triều Thanh ấp ủ tham vọng phát triển nền chính trị mới, mà muốn vậy thì cần phải thay đổi tình hình trước mắt, chẳng nhẽ trước lúc thi hành kế hoạch triều đình lại phải vì hai bài "Khuyên nhủ" của một tên tri thức chết oan mà gián đoạn trì trệ sao?

Trải qua hai tháng lần lữa kéo dài, rốt cuộc Dực Chẩn thoát khỏi nhà lao.

Phó Lan Quân cùng A Bội đến đón anh ta, đứng xa xa nhìn hai vợ chồng họ ôm nhau khóc rống, lòng cô trăm mối cảm xúc ngổn ngang.

Cuộc sống trong bao bị giày vò gây sức ép, Dực Chẩn đã gầy đến nỗi người chẳng ra người, hai gò má hóp sâu chẳng khác nào bộ xương khô, đôi mắt xám xịt hoàn toàn mất đi thần thái ngày xưa. Bác sĩ tới khám lắc đầu lia lịa, ông ấy đỡ lưng Dực Chẩn nói với A Bội và Phó Lan Quân: "Không khả quan lắm."

Đúng vậy, không hề tốt. Dực Chẩn thuộc giới thư sinh yếu ớt chỉ biết văn chương, căn cơ sức khỏe vốn đã kém, từ khi lọt lòng đã mắc bệnh hen, giờ còn bị giam hai tháng trong ngục, hoàn cảnh trong đó ra sao chứ? Bụi đất mịt mù, cộng thêm mưa dầm dề suốt hai tháng, kỵ thân phận tú tài của Dực Chẩn nên Diệp Tế Châu không dám tùy tiện dùng đại hình mà chỉ giở vài chiêu vặt làm khổ người ta. Dưới sàn phòng giam của Dực Chẩn lúc nào cũng lênh láng nước, cứ đều đặn sáng tối lại có hai xô nước đổ vào, hơi nước hòa với không khí giá lạnh bốc lên tra tấn bệnh nhân hen suyễn đến mức sống không bằng chết.

Huống chi bệnh của Dực Chẩn không chỉ ở thể xác, mà còn ở trong lòng.

Tội chết có thể miễn, tội sống khó tha, tòa soạn nhật báo Châm Thạch bị niêm phong vĩnh viễn, phàm ngày nào vẫn còn Đại Thanh thì ngày đó Dực Chẩn không thể tiếp tục nghiệp làm báo nữa. Đối với kiểu người nuôi chí cầm bút để thức tỉnh nhân dân trong nước như Dực Chẩn, đây có thể coi là một đòn giáng mạnh, vạn kiếp bất phục.

Phó Lan Quân an ủi A Bội: "Rồi sẽ tốt lên thôi."

Nhưng thời gian cứ trôi qua, không chỉ có bệnh tình Dực Chẩn mỗi ngày một xấu, mà từ gia đình nhỏ đến đất nước lớn, tất cả mọi chuyện dường như ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Suốt tháng chín, tin tốt duy nhất nhận được chính là Diệp Tế Châu phải về kinh.

Mẹ già ở kinh thành của Diệp Tế Châu lâm bệnh nặng, ít ngày nữa ông ta sẽ khởi hành về kinh phụng dưỡng mẹ già. Nghe tin Phó Vinh mừng huýnh ngân nga mấy khúc nhạc nhỏ, thong thả tới tới lui lui trên hành lang cười hì hì, khuôn mặt ông bỗng lộ vẻ hung ác: "Mẹ già của ông ta đi đời nhà ma luôn mới tốt, vậy phải để tang hai ba năm, xem xem ông ta đấu đá với ta kiểu gì nữa!"

Mộng cũ 1913Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ