Hứa Thanh Tranh có chút khó xử, bởi cô không biết sau khi tốt nghiệp có nên đến chỗ chú hai thực tập hay không. Chú hai cô là một đạo diễn kịch nói nổi tiếng, giàu kinh nghiệm, gần đây bỗng nổi hứng chuyển sang đạo diễn Côn khúc[1]. Hồi thượng tuần tháng Tám, ông đã đăng vài dòng trên Wechat: "Đã qua sáu trăm năm mà vẫn còn loại hình nghệ thuật như thế này để chúng ta thưởng thức. Cảm ơn cân sinh[2] Tô Phách, khuê môn đán[3] Đồng An Chi và tất cả các bạn trẻ yêu mến bộ môn nghệ thuật cổ Côn khúc này. Đợi vở Tây lâu ký kết thúc, chúng ta lại làm vở mới nữa nhé?"
[1] Côn khúc hay còn gọi là khúc hát vùng Côn Sơn, chiếm địa vị chủ yếu cuối thời nhà Minh ở Trung Quốc. Đến đời Thanh thì Côn khúc gọi là nhã bộ, rất được sĩ đại phu hâm mộ. Côn khúc tích hợp các bài hát dân gian từ miền Nam Trung Quốc, lời bài hát phần lớn được chuyển thể từ các tác phẩm văn chương đương đại. Phần chính của Côn khúc là hát theo kiểu nhạc kịch, một trong những cách hát vô cùng khó, các bài hát có nhạc đệm nhẹ nhàng, kết hợp với phần biểu diễn chủ yếu là đơn ca và múa do chính người hát thể hiện minh họa cho bài hát.
[2] Cân sinh chỉ những diễn viên nam trẻ tuổi, đội khăn mền, thiên về văn.
[3] Đán chỉ những diễn viên đóng vai nữ. Theo tuổi tác phân chia thành lão đán, tiểu đán. Khuê môn đán là cách gọi người con gái thời xưa.
Lúc này, hai chữ "Tô Phách" hiện lên trước mắt khiến cô cảm thấy có chút quen quen. Cái tên này không hẳn là hiếm gặp, nhưng cô thoáng nhớ đến quãng thời gian hồi thiếu nữ, đã từng rung động đến nỗi suýt cầm lấy ngón tay út của người ta, cái người cũng có tên là Tô Phách ấy. Chàng thiếu niên đó chẳng phải cũng học Côn khúc sao? Nhưng rồi cô lại nghĩ, chắc là trùng tên thôi mà! Thế giới rộng lớn như thế thiếu gì chuyện trùng hợp?
Chưa đến hai ngày sau, chú hai cô lại đăng lên áp phích và ảnh diễn viên của Tây lâu ký. Nói thật là dàn diễn viên sau khi được hóa trang thì có khi bố mẹ họ cũng không nhận ra được ấy chứ. Thanh Tranh nhìn mấy tấm áp phích và bức ảnh đó thì chỉ cảm thấy đẹp mà chẳng nhận ra ai cả. Cho đến khi lướt đến trang cuối cùng, nhìn thấy nam nữ chính mặc trang phục hiện đại, cô mới sững người. Nữ chính mặc chiếc váy liền màu trắng ngồi tựa vào ghế, một vẻ đẹp e ấp như đóa hoa hải đường mùa xuân. Còn nam chính đứng cạnh nữ chính, áo trắng quần đen, khuôn mặt anh tuấn, vài sợi tóc vương trước trán cùng hai hàng lông mày đen sậm như vẽ, càng làm nổi bật đôi mắt sáng và có hồn.
Thanh Tranh nhìn ngắm khuôn mặt của nam chính vài giây, rồi hít sâu một hơi, thầm nhủ: Đây chẳng phải là người mà cô từng biết hay sao?
Ký ức mơ hồ thời thiếu nữ dần dần hiện lên rõ nét, giống như chiếc lọ ước nguyện cũ kĩ bị vùi sâu dưới lớp cát, nhờ cơn gió nghịch ngợm thổi tới mà trồi lên khỏi mặt đất. Trong chiếc bình ấy cất giấu năm tháng tuổi thanh xuân chưa từng bị hoen gỉ, cất giấu những mơ mộng hão huyền trong sáng, vô tư.
Bản thân cô hồi đó vẫn là thiếu nữ hay mộng mơ, dù tính từ lúc họ có bao lời chưa ngỏ, sánh vai bước bên nhau đến lúc chia xa còn chưa được hai mươi ngày. Cây anh đào nở hoa bên trường kịch, hoa còn chưa tàn, vậy mà trong hai mươi ngày đó, cô đã nghĩ xong việc họ ở bên nhau đến đầu bạc răng long. Đương nhiên vì kết quả không như mong muốn, sau hai mươi ngày đó, trái tim thiếu nữ của cô cũng vỡ tan thành từng mảnh.

BẠN ĐANG ĐỌC
Xin Lỗi, Anh Nhận Nhầm Người - Cố Tây Tước [Re - up]
Roman d'amourĐám học sinh lén ngắm tuyết bò rạp trên bậu cửa sổ ở cuối hành lang nhìn ra xa, bị thu hút bởi cảnh tượng đôi nam nữ đứng bên bờ hồ ở giữa vườn trường. Chàng trai mặc chiếc áo choàng màu đen dài qua gối, còn cô gái mặc chiếc áo khoác lông vũ màu đỏ...