"Đệ đi chơi đây. Phụ mẫu về có hỏi thì huynh thưa giúp đệ ạ"
Bảo Trung đang tập trung tính toán sổ sách nghe thế thì liền ngước mặt nhìn lên, gặp ngay Công Nam đứng nép mình ở cửa, chỉ ló một phần thân người qua cười cười nói nói. Tay nó cứ lấp lửng phía sau lưng nhưng giấu đầu thì lòi đuôi, nó để lộ cả phần thành và trục cây đàn nguyệt làm Trung chắc mẩm rằng nó lại trốn đến chỗ nào luyện đánh đàn vì sợ ở nhà ai nghe thấy nó đàn sai lại trêu. Trông khí sắc của em trai mình tươi tỉnh hồng hào vô cùng phấn chấn, Bảo Trung không kiềm được cười hắt ra một tiếng thuận lòng cho đi.
"Nhớ về sớm, để sập tối phụ thân đánh đòn thì huynh không can nữa đâu đấy"
Miệng nói chưa hết câu thì Công Nam đã hớn hở cảm ơn, dạ dạ ríu rít chạy đi; để lại Bảo Trung với tiếng thở dài ắt hẳn do chuyện này đã xảy ra quá nhiều lần.
"Thiếu gia, ngài lại mềm lòng rồi"
Đến cả câu nói trên Trung nghe cũng chán, anh đảo mắt lấy chuôi bút gõ nhẹ vào tay nha dịch đang mài mực nhắc nhở: "Lo làm việc của ngươi đi, đừng giở giọng của gia mẫu với ta".
Đằng nào dù có là phụ thân hay mẫu thân cũng sẽ cho phép đệ ấy đi thôi, Bảo Trung thầm nghĩ trong lúc quay trở lại tiếp tục công việc.
Thật vậy, Công Nam là người con, người em được gia đình lẫn gia nô chăm nom và yêu thương hết mực. Nhờ tính tình hiền lành, luôn chủ động giúp đỡ quan tâm người khác lẫn có khiếu âm nhạc từ bé nên nhiều người tấm tắc khen ngợi "cậu út họ Vương" vừa ngoan ngoãn vừa giỏi giang, biết trước biết sau dù chỉ mới tuổi 14. Song ít ai biết rằng gia chủ vốn có độc một đứa con trai ruột tự Vương Bảo Trung vì Công Nam không mang họ cha.
Khởi điểm nhà họ Vương là thương nhân buôn bán tơ lụa hạng xoàng tại huyện nhưng vì có đầu óc kinh doanh giỏi mà trở thành một trong những gia tộc có tiếng nhất kinh thành, khi họ là nơi nhận dệt những mặt hàng may mặc thượng hạng cho giới vương giả và được chính tiên đế hậu ái ban thưởng vạn lần.
Năm đó có trận lũ lớn làm vỡ cả đê điều tại quê hương của gia chủ, lũ cuốn phá hoại mùa màng kéo theo nhiều nhân mạng chết như ngả rạ. Khi vợ chồng Vương gia đến thì đã phải chứng kiến cảnh tượng tang thương trên trong cơn chết lặng, sau được tri huyện dẫn đường đến vài nhân khẩu đang có tang để an ủi và thương thảo với tri huyện để khắc phục tổn thất phần nào.
Hồi sau, ba người đến một căn nhà không bóng người trưởng thành, duy chỉ có đứa nhóc độ 6-7 tuổi ngồi co ro trên tấm phản cùng vẻ mặt thất thần, mắt đỏ hoe. Thuật theo lời tri huyện thì cha mẹ nó đã ra giúp đắp lại đê, ngặt nỗi lũ lên quá nhanh khiến họ cuốn trôi theo dòng nước. Nhà neo người nên chỉ còn mỗi mình nó, đau xót cho tình cảnh ấy nên lão gia cùng phu nhân ngỏ ý nhận về làm con. Tất nhiên họ vẫn phải hỏi ý của đứa nhóc nhưng lời đáp lại chỉ có vài cái chớp mắt buồn bã rồi kết thúc bằng cái gật đầu đồng ý không gì hơn.
Trong suốt chuyến đi trở về biệt phủ, cậu nhóc ngồi gọn trong lòng lão gia đưa ánh mắt nhìn ra ngoài kiệu, cảm nhận từng cái xoa đầu xoa lưng của hai vợ chồng mà ngủ thiếp đi.
***
Bảo Trung vẫn nhớ như in Canh Ba hôm đó, vì tính lo nghĩ thái quá nên anh nhất quyết không chịu ngủ để chờ cha mẹ về. Nhìn thấy họ bình an trở về, anh mới nhẹ nhõm hẳn và bất ngờ hơn là anh bắt gặp đôi mắt lim dim của một đứa nhóc lạ lẫm được cha mình bồng vào phủ.
Ban đầu Trung không hiểu nhưng cũng không dám hỏi nên chỉ âm thầm quan sát từ xa. Sáng hôm sau, anh nghe mẹ kể về hoàn cảnh của nó mà thấy nhói lòng và từ từ thử làm thân với nó.
Ngặt nỗi, thằng bé cứ im lìm lủi thủi một mình với mấy chậu cây hoặc chim cảnh trong phủ. Ai hỏi han gì thì cũng chỉ gật hoặc lắc đầu thành ra sau 3 ngày chung sống đến cái tên của nhóc cũng không ai biết cả.
Một hôm nọ, thói quen của Bảo Trung khi không phải học là ra vườn luyện vẽ. Đang đắm chìm trong hội họa thì ở khóe mắt anh chợt thấy một bóng người nhỏ bé đứng ngóng. Khi anh quay qua thì nó cứng người, mở đôi mắt to tròn trông lại.
"Lại đây huynh đệ ta cùng xem, đừng sợ", Bảo Trung phẩy vạt áo nhè nhẹ gọi, không quên nở nụ cười y hệt cách phụ mẫu thường làm với anh lúc còn nhỏ dại. Tuy mánh cũ nhưng luôn có tác dụng, cậu nhóc dần thả lỏng vai bước đến vừa đủ cho Bảo Trung nắm lấy bàn tay nó dẫn tới bàn cùng chiêm ngưỡng tác phẩm.
Lúc này, Bảo Trung còn đang luyên thuyên giải thích hình ảnh thì nghe được giọng nó khen đẹp mà sững sờ nhìn sang. Anh thấy nó cười mỉm, mắt chăm chú vào bức vẽ thì liền nhận ra hướng tiếp cận mới.
Nhiều ngày sau, hễ gặp thằng nhóc là anh liên tục câu kéo nó nói nhiều hơn bằng cách khoe mẽ bức tranh vừa hoàn thiện hoặc nói đủ thứ trên trời dưới đất liên quan đến Cầm Kỳ Thi Họa mọi nơi, cả trong bữa ăn khiến cha mẹ ngạc nhiên nhưng rất hoan nghênh. Trung dần lưu tâm mỗi khi nhắc đến "Cầm" thì con ngươi đứa bé sáng rỡ như trăng soi giếng nước nên mách mẫu thân giúp đỡ.
***
Đúng như dự toán, món quà đầu tiên của thằng bé là cây đàn nguyệt được lão gia đặt cho thợ làm riêng cho vừa thân hình cậu. Nó vừa săm soi được chút thì ngẩng đầu nhìn mọi người cười tươi tạ ơn. Thấy nó hiểu chuyện nên rất đỗi hài lòng, đoạn lão gia đi đến xoa đầu nó.
"Kể từ đây về sau, con là người nhà họ Vương. Không cần câu nệ lễ nghi phép tắc dành cho người lạ nữa. Tất cả người trong phủ này là người thân của con"
Nghe vậy, đồng tử cậu nhóc rơm rớm nước mắt hạnh phúc. Chốc lát, nhóc hít sâu một hơi rồi hạ quyết tâm nói: "Ơn người con ngàn lần khắc ghi. Nhưng thưa, con xin người cho phép con giữ lại tên họ mình. Để con có thể tưởng nhớ cha mẹ ruột nơi chín suối"
Ai nấy có mặt tất thảy đều ngạc nhiên - ngạc nhiên vì đứa trẻ trọng tình trọng nghĩa, am hiểu đạo hiếu làm con. Không đắn đo gì thêm, lão gia ngay lập tức chấp thuận trong sự tán dương của mọi người.
"Vậy tên tục con là gì?"
"Thưa, con tự là Bùi Công Nam. Công trong công bằng chính trực; Nam ý chỉ hướng đến điều tốt lành thịnh vượng"
BẠN ĐANG ĐỌC
NekoNam | Tương phùng
Fanfiction"... dẫu chỉ là một trò đùa cỏn con của tạo hóa; một khi đã đủ thấm nhuần thì bất kỳ ai cũng phải gục ngã"