[ÁO DÀI HÀ BẮC] MƯỜI BA.

351 13 0
                                    

Nguyễn Cảnh say rượu đến họp bàn việc nước, Trung Chính tức giận đến đỏ mặt mày mới đành đuổi ra ngoài. Vậy nhưng, dẫu say đến đâu thì đầu óc cậu hoàng vẫn còn đủ tỉnh táo để nhất mực không nói ra lý do mình đang tuột dốc thành con sâu rượu. Chuyện thứ hai mà anh ta còn giữ được lý trí chính là thắc mắc việc Thụy Kha mãi vẫn chưa được vào hầu ngủ ông hoàng.

Cả một tháng trôi qua, ông hoàng cùng với cậu thanh nam này chỉ dạo hồ, xem cây cảnh, uống trà nói chuyện, cùng nữa là Thụy Kha đàn hát cho ông hoàng nghe chứ không tiến tới làm chuyện gì khác. Vốn đang là con rối trong tay Dương Quỳnh, Thụy Kha cũng hiểu cô ta muốn gì khi mãi không cho mình thực hiện bước tiếp theo. Hình ảnh của Thụy Kha bây giờ trong mắt người đàn ông đứng đầu đất nước kia chỉ dừng lại ở đứa cháu của người yêu đã mất. Yêu thương vẫn từ trong tim chảy ra ngoài thành cử chỉ săn sóc và quan tâm, nhưng lý trí của Trung Chính vẫn nhắc nhở ông ta rằng người em trai xinh xắn kia chỉ là ảo ảnh tươi đẹp của người vợ năm xưa, lại thuần khiết như tờ giấy trắng nên không đáng bị vấy bẩn chút nào.

Thụy Kha miết tay dọc theo tấm áo dài gấm đỏ được ban tặng hồi tuần trước đang treo trên thanh tre ngoài sân phơi, khóe môi cong nhẹ mà ánh mắt như đốt cháy tà áo. Chiếc áo dài cùng màu và chất liệu với áo của Lê Hiên ngày đầu đứa trẻ kia vào cung, chỉ khác rằng đây là gấm thượng hạng lại được may khéo hơn, chạm vào cũng thấy mượt mà khoan khoái mấy đầu ngón tay. Thụy Kha từng ngẩn ngơ nhìn Lê Hiên trong tấm áo đỏ, khi thấy tấm áo này lại nhớ đến mấy kỷ niệm khi xưa. Đứa em kia tuy không đẹp bằng Thụy Kha, thân hình lại gầy hơn một chút, mặc áo đỏ vào vẫn bừng sáng cả không gian. Đỏ dân dã màu dâm bụt trong mùa hè ký ức, đỏ màu gấc trong xửng xôi mới đồ buổi sáng mờ sương, đỏ dịu dàng mà đằm thắm khiến người ta muốn ôm vào lòng mà rủ rỉ đôi câu thương nhớ.

Thực chất, Thụy Kha hợp với màu đỏ hơn. Da người phương Bắc trắng hơn người phương Nam, cánh môi cũng đỏ hồng tự nhiên nhờ qua bao mùa đông lạnh mà thành. Nét đỏ thanh tao trở thành cao quý. Đỏ kiêu sa của ngọn đèn lồng treo cao chót vót dọc mấy lối đi trong cung, đỏ rực rỡ hoa phượng đốt cháy trời Hà Bắc oi nồng, đỏ máu tươi của vết thương lòng đã nuôi lớn thành ham muốn bay cao, bay xa, vươn lên tới mây trời mà nhìn xuống bộn bề xuôi ngược.

Tay vuốt dọc tấm vải chính là mò mẫm trong bóng tối tiến tới đỉnh cao quyền lực dần dần. Lúc trước đứng từ xa, có khi còn khinh tờ tiền khách ném vào mặt cha, khinh cả nỗi lo vật chất khoét mòn vẻ tươi son của cha cùng bao kẻ bán thân khác. Nhưng đồng tiền là quyền lực, tất thảy đều không đáng bị khinh như thế. Khi tay chạm vào vàng bạc, chạm vào quyền lực, trong lòng mới ngầm tán thưởng vẻ đẹp của chúng. Sáng. Bền vững. Mạnh mẽ. Ai lại nỡ khinh khi vẻ đẹp lấp lánh lấp đầy lỗ hổng trong lòng mình như thế?

Ở trong làn nước lạnh xé người, Thụy Kha vùng vẫy mãi mà không tìm thấy lối ra, chỉ thấy sáng rõ áo đỏ cùng vòng bạc, tỏ nữa chính là tình yêu thương của ông hoàng dành cho mình. Chính trong cơn bĩ cực đau đớn kia, khi cả Nguyễn Cảnh và Lê Hiên đều chọn rời khỏi nó, Thụy Kha đã nhìn thấy thực tại mới là nguồn sống cho bản thân mình, nhắc nhở nó rằng nó ở trong cung là vì ai và để làm gì. Tỉnh dậy lần đó, Thụy Kha đã biết giũ tay khỏi những dùng dằng đau lòng đang đeo bám lấy mình mà bước về phía trước, nơi ánh sáng của ước mơ tỏa rọi, đẩy lùi hết mọi nỗi đau thương.

Áo dài Hà BắcNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ