Chương 74: Bắc Yến độc lập

892 9 0
                                    

Ngày 9 tháng 5 năm 773 lịch Bạch Thương, Hoàng hậu mất, vạn dân đau buồn cả nước để tang. Ngày 16 tháng 5, đoàn xe đưa linh cữu Hoàng hậu đến hoàng lăng kéo dài hơn mười dặm, Tây Hoài vương để tang dẫn đầu đoàn đưa tang đi thẳng một đường đến lăng tẩm của hoàng gia ở núi Cửu Ân.

Lịch sử ghi chép về Hoàng hậu Mục Hợp Na Vân chỉ có vài dòng, khi còn sống nàng nhìn như vinh hiển đầy ân sủng, nhưng khi qua đời lại không hề có phong hào, nguyên nhân chết cũng không được ghi rõ. Cái chết của Hoàng hậu đã đánh dấu Mục Hợp thị chân chính hoàn toàn rời khỏi võ đài lịch sử. Bảy đại thế gia trong viện trưởng lão chỉ còn lại sáu, Mục Hợp thị rơi đài đã để trống một vị trí, nhiều gia tộc lớn đã sớm thèm thuồng mơ ước chỗ ngồi kia từ lâu, sau khi Mục Hợp Na Vân mất càng thêm lộ liễu tỏ ý.

Ngày đưa tang Hoàng hậu, Sở Kiều đứng trên lầu nhỏ góc Tây Nam hoàng cung nhìn phía chân trời giăng đầy lụa trắng, từng dải lụa bay bay che kín bầu trời, quang cảnh thật giống mộng cảnh phồn hoa. Yến Tuân đứng bên cạnh nàng, vẻ mặt lạnh nhạt nhìn không ra tâm tình. Nhưng sau khi Yến Tuân xoay người rời đi, Sở Kiều chú ý thấy lan can nơi hắn vừa nắm hằn rõ năm dấu tay.

Bọn họ sao có thể quên đội quân đầu tiên tiến vào Bắc Yến chính là binh lực của Mục Hợp thị, bọn họ sao có thể quên bên bờ sông lạnh lẽo, Yến Hồng Tiêu bị nhục nhã đến không cam lòng nhắm mắt.

Người nắm quyền cuối cùng của Mục Hợp thị chết, huyết hải thâm cừu giữa Bắc Yến và Mục Hợp thị rốt cuộc đã kết thúc trong thảm máu tanh nồng.

Trên đường trở về Oanh Ca viện, Sở Kiều ngoài ý muốn nhìn thấy Thất hoàng tử Triệu Triệt. Vị hoàng tử trẻ tuổi một thân áo bào xanh nhạt, đai lưng cùng màu, nhìn qua như tiệp một màu với cả hoàng cung ngày hôm nay.

Triệu Triệt bình tĩnh đứng trong ngôi đình trên một ngọn đồi thấp, bầu trời đầy mưa bụi khiến người khác không nhìn vẻ mặt hắn. Sở Kiều khẽ nghiêng dù, hạt mưa thấm ướt giày cùng mép váy của nàng.

Triệu Triệt đang ngẩng đầu nhìn bầu trời bao la ở phía Tây. Sở Kiều biết hướng đó có cao nguyên mênh mông cùng khoảng trời chim sải mỏi cánh, tương truyền tổ tiên hoàng thất Đại Hạ chính là đến từ đó, họ đã thúc ngựa vung kiếm, dùng máu tươi cùng lòng tin của chính mình mở mang quốc thổ rộng lớn này. Tin chắc sau khi chết, linh hồn của họ đều rời bỏ mảnh đất nhuộm đỏ máu này mà quay lại cố hương an nghỉ.

Hoàng lăng của Đại Hạ cũng được đặt dưới chân núi Cửu Ân ở Tây Bắc, dân chúng nhiều đời tương truyền rằng trên núi có thần miếu khổng lồ luôn sáng ánh đèn, vạn năm không tắt.

Mưa phùn bị gió tạt lên chiếc dù bằng giấy dầu, bóng dáng thiếu nữ thấp thoáng trong màn mưa, vạt váy lẳng lặng bay bay.

Để hạn chế Mục Hợp thị, Thất hoàng tử Triệu Triệt sau khi chào đời đã bị ôm đến cho nữ nhi của đại học sĩ Văn Hoa các là Nguyên phi nương nương nuôi dưỡng, Nguyên phi là vị phi tử tương đối được sủng ái trong đời hoàng đế Đại Hạ, thân phận khá đặc thù. Nàng và Nguyên đại học sĩ vốn đến từ Biện Đường, được sinh ra ở vùng sông nước Đông Nam, mặc dù không có gia thế hiển hách nhưng rất được hoàng đế sủng ái, suốt mười bảy năm không suy giảm. Nhưng khi Triệu Triệt mười bảy tuổi, Nguyên phi lại ở trước mặt đông đảo cung nhân thị nữ nhảy xuống hồ tự vẫn.

Không ai biết được nguyên nhân cái chết của Nguyên phi, trong cung đồn là do Mục Hợp hoàng hậu ghen tỵ nên độc hại khiến Nguyên phi phải tự vẫn. Có điều khi đó hoàng đế lại không có bất kỳ động thái gì sau khi Nguyện phi chết, vẫn cứ theo lẽ thường thượng triều xử lý chính sự, hoàn toàn theo phong phạm của một vị quân chủ anh minh, song từ đó về sau ông ta không hề nạp thêm một vị phi tần nào khác vào hậu cung.

Bởi vì dưỡng mẫu chết mà Triệu Triệt càng lúc càng xa cách mẹ đẻ, cuối cùng bất đồng chính kiến mà dẫn đến đối kháng với mẫu tộc, khi hắn bị đày đi biên cương không một ai nguyện ý giơ tay tương trợ. Cũng chính vì thể mà khi sau khi Mục Hợp thị rơi đài, đệ đệ của hắn là Tây Hoài vương cùng muội muội Thuần công chúa cũng cùng thất thế theo, chỉ có hắn là không hề bị ảnh hưởng, vẫn tay nắm trọng quyền dẫn binh như cũ.

Rất nhiều khi, biểu hiện mặt ngoài không nhất định là thật, Sở Kiều xoay người sang chỗ khác không tiếp tục nhìn bóng dáng cô đơn của vị hoàng tử trẻ tuổi hiển hách kia nữa. Tại chốn thâm cung này, người nào cũng có bi ai riêng, đều trải qua giày xéo dành riêng cho bản thân. Trải qua nhiều rất bể dâu, Sở Kiều đã sớm nhìn không hết những góc tối nơi phồn hoa như vậy.

Thời điểm Sở Kiều trở lại trở lại Oanh Ca viện thi Yến Tuân đang ngồi trong đình ở rừng mai uống rượu. Những năm này hắn luôn giữ trạng thái tỉnh táo, chỉ trong trường hợp cần thiết còn bằng không rất ít khi đụng đến rượu.

Sở Kiều đứng trong hành lang nhìn nam tử áo xanh trẻ tuổi phong tư lỗi lạc, trong lòng đột nhiên dâng lên một trận chua xót. Nàng chợt nhớ tới một buổi trưa của rất nhiều năm trước, thiếu niên choàng tỉnh từ trong ác mộng, hắn nắm lấy tay nàng, yếu ớt nói: "A Sở, khi nào ta mới có thể yên tâm để bản thân say mèm một bữa?"

Khi đó bọn họ quá mức yếu ớt, ngay cả uống một hớp rượu cũng không dám. Hôm nay đã có đủ dũng khí nhưng trên vai càng gánh thêm nhiều trách nhiệm, áp lực khiến bọn họ luôn không an tâm bưng ly rượu lên uống.

Quã nhiên Yến Tuân chỉ uống chừng hai ly rượu rồi ngừng. Trời đông giá rét đã qua, rừng mai nở rộ, nam tử mặc thanh sam, tóc đen như mực, hai mắt hắn nhắm nghiển, đầu ngửa lên, mi tâm khẽ chau, mặc cho cánh mai trắng rơi đầy trên mặt. Gió nhẹ nhàng phe phất khiến ống tay áo bay bay như cánh chim trời.

Sở Kiều không đi qua mà chỉ lẳng lặng đứng nhìn người mình đã nhiều năm sánh vai ở xa xa.

Có những loại cảm xúc, người khác không cách nào hiểu ngoại trừ đương sự, có những loại thù hận, người khác cũng không cách nào gánh chịu. Cho dù hai người bọn có thân cận đến như thế nào, nàng cũng thủy chung không thể gánh vác thay hắn phần hận ý kia. Những gì nàng có thể làm chẳng qua chỉ đứng nhìn từ xa, đợi khi trời mưa thì đưa chiếc ô trong tay mình đến cho hắn.

................................................................................................

Nữ nhân tôn quý nhất đế quốc xuôi tay rời khỏi thế gian như một hòn đá khổng lồ bị ném xuống mặt hồ tĩnh lặng.

Ngoài dự đoán của mọi người, Thư quý phi quyền uy nhất hậu cung cũng không có thuận lý thành chương tiếp nhận vị trí của Mục Hợp Na Vân. Vì thế nên sau một thời gian ngắn ngủi, vô số hoài nghi đều chỉa mũi về phía Ngụy phiệt, Thư quý phi cũng trở thành người bị hiềm nghi lớn nhất. Thư ký cục, nội vụ viện, đại tự phủ đều kéo quân gióng đèn đi tới cửa Thư Vân điện tra vấn. Dò xét hết bảy ngày không có kết quả nhưng vẫn không rửa sạch được hiềm nghi trên người Thư quý phi. Vì vậy địa vị của Thư quý phi ở hậu cung xuống dốc không phanh. Nước cạn cá chết, Ngụy phiệt cũng bị đông đảo ngự sử chèn ép, tới tấp dâng tấu lên án, tình hình vô cùng không lạc quan.

Mà cùng lúc đó, Hiên phi nương nương của Lan Hiên điện lại được thị tẩm liên tiếp trong ba ngày, đến ngày thứ tư thì được sắc phong thành quý phi, cùng với Thư quý phi trở thành phi tử có phẩm cấp cao nhất hậu cung, thay thế Mục Hợp hoàng hậu chưởng quản phượng ấn, toàn quyền xử lý đại điển tang lễ cho hoàng hậu, nghiễm nhiên trở thành người đứng đầu hậu cung.

Hiên quý phi khác Nguyên phi khi xưa, cũng không giống với Mục Hợp Na Vân gia thế xuống dốc. Nữ tử với nhủ danh Y Hiên xuất thân từ một thị tộc danh giá có lịch sử trên trăm năm, tên đầy đủ là Gia Cát Lan Hiên. Gió đổi chiều, Gia Cát gia nước lên thuyền lên, chỉ một thoáng đã trở thành đại tộc ngang hàng với Ngụy phiệt.

Sinh thần của Hạ hoàng chỉ sau tang lễ của Mục Hợp hoàng hậu có ba ngày, mà cùng ngày này, Hạ hoàng sẽ đích thân gả nữ nhi mình hương yêu nhất cho Yến thế tử, hoàn tất hôn lễ được cả nước theo dõi. Sinh thần năm nay của hoàng đế Đại Hạ nhất định sẽ không trôi qua trong gió êm sóng lặng.

Không khí căng thẳng như dây cung chuẩn bị bắn tên ra. Ngày 17 tháng 5, một đoàn kỵ binh hùng dũng tiến vào thành Chân Hoàng, đạp tan sự yên tĩnh của đế đô. Đệ đệ nhỏ tuổi nhất của lão Ba Đồ là Ba Lôi vừa vào thành liền nước mắt nước mũi đầy mặt lao đến trước pho tượng quốc mẫu ở quảng trường Tử Vi khóc thành tiếng. Ngay sau đó hắn được cung Thịnh Kim cho đòi, vì tấm lòng trung quân ái quốc kia nên hoàng đế bệ hạ tôn quý quyệt định tự mình tiếp kiến hắn.

Một màn này không khiến người khác chú ý, viện trưởng lão cũng không hề để tâm. Huống chi sau khi Mục Hợp thị diệt vong, gia tộc Ba Đồ ở Tây Bắc bị chèn ép vô cùng chật vật, có gióng trống khua chiêng thêm thì cũng không ảnh hưởng gì. Hoàng đế triệu kiến Ba Lôi, đơn giản là muốn thu mua lòng người mà thôi.

Hoàng đế và Ba Lôi ở trong ngự thư phòng gần suốt một canh giờ, thị vệ canh cửa không cho bất luận kẻ nào đến gần.

Lúc Ba Lôi rời khỏi cung Thịnh Kim thì đêm đã khuya. Trên quảng trường Cửu Uy đầy gió, tướng quân Ba Lôi trẻ tuổi ngửa mặt lên trời cười dài. Người đi đường đều dùng ánh mắt nhìn người điên len lén liếc nhìn vị trọng thần từ Tây Bắc vừa khóc vừa cười này mà âm thầm nhíu mày.

Tối hôm đó, Gia Cát phủ nhận được tin tức do diều hâu đưa đến thông báo thiếu chủ Ngụy Thư Diệp của Ngụy phiệt vừa trở về kinh. Gia Cát Mục Thanh nhìn phong thư một hồi lâu, sau đó đặt sang một bên, chậm rãi lắc đầu nói: "Truyền tin thiếu gia nhiễm bệnh, không tiện ra ngoài."

Gia Cát Nguyệt nhướng mày, tiến lên hỏi: "Phụ thân, tại sao?"

Gia Cát Mục Thanh trầm giọng nói: "Mục đích của chúng ta đã thành, không nên dây thêm rắc rối. Thế lực gia tộc hiện giờ vẫn không vững, Lan Hiên ở trong cung cần thêm thời gian."

"Nếu Gia Cát gia thúc đẩy chuyện này, liệu Hoàng thượng có coi trọng chúng ta hơn không?"

Gia Cát Mục Thanh chậm rãi nhíu mày, trầm giọng nói: "Tứ Nhi, ngươi vẫn chưa rõ sao? Hoàng thượng coi trọng chúng ta không hẳn dựa vào việc Gia Cát gia có cống hiến như thế nào cho nước nhà mà là chúng ta có bao nhiêu thực lực. Mông tướng quân cả đời bán mạng cho nước nhưng đến giờ vẫn chỉ là một tướng lĩnh tay trắng, đất phong không tài lực cũng không. Thế gia và hoàng thất chia quyền trị nước, vĩnh viễn không thể dung hợp, điểm này vi phụ đã nói với ngươi rất nhiều lần."

"Nhưng..."

"Không cần nói nữa. Bắt đầu từ hôm nay đóng cửa từ chối tiếp khách. Chúng ta cứ chờ kết quả của ba ngày sau rồi tính." Gia Cát Mục Thanh dứt khoát ngắt lời.

Lời chưa ra khỏi miệng của Gia Cát Nguyệt đã bị Gia Cát Mục Thanh dứt khoát cắt đứt, thật ra hắn muốn hỏi nếu tên Ba Lôi ngu xuẩn kia không được việc, để cho Yến Tuân sống sót rời khỏi đế đô thì Đại Hạ sẽ như thế nào? Thiên hạ sẽ ra sao? Nếu bọn họ chỉ lo cho lợi ích của bản thân mà để cho mãnh hổ này chạy về rừng, đến tột cùng sẽ dẫn đến hiểm họa như thế nào?

Thật ra hắn muốn nói, phụ thân đã già rồi, tầm mắt cũng trở nên hạn hẹp, chỉ thấy lợi ích trước mắt mà không nhìn thấu đại cục trong thiên hạ. Quốc gia không còn thì Gia Cát gia sao có thể tồn tại?

Còn nữa, nếu Yến Tuân quả thật thành công rời đi, vậy còn người đó? Có phải cũng sẽ rời khỏi đế đô đi đến Bắc Yến? Còn may là tuy Ba Lôi ngu xuẩn nhưng vẫn còn có Ngụy Thư Diệp. Ngụy phiệt đang thất thế, muốn vùng lên nên nhất định sẽ nắm chặt cơ hội này.

Gia Cát Nguyệt chậm rãi ngước mặt lên nhìn trời, lẩm bẩm: "Hy vọng ngươi đừng làm ta thất vọng."

................................................................................................

Ngày thứ hai, Ngụy Thư Diệp dẫn mười tám tên võ sĩ đi đến phủ đệ của Lão Ba Đồ ở đế đô. Đám võ sĩ Tây Bắc đợi cả ngày nhưng không hề thấy bóng dáng của Gia Cát Nguyệt.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Ba Lôi và Ngụy Thư Diệp gặp nhau, bọn họ từng có cơ hội hợp tác tại đại doanh Tây Nam. Vừa mới ngồi xuống, tân tướng quân Ba Lôi trẻ tuổi khẽ cong khóe môi, cười tà nói: "Không ngờ Gia Cát gia lại buông tha dịp tốt để ra sức vì nước như vậy, xem ra cơ hội thăng quan phát tài nhất định rơi xuống trên đầu huynh đệ chúng ta rồi."

Mặt Ngụy Thư Diệp lộ vẻ âm trầm, tựa hồ như cũng không nguyện ý dính dáng gì nhiều với Ba Lôi, hắn trực tiếp đi thẳng vào vấn đề, trầm giọng nói: "Tại hạ lỗ mãng, xin hỏi tướng quân đã có kế hoạch?"

Ba Lôi cười đắc ý, "Đoán xem."

"Xin lắng tai nghe."

Toàn bộ kế hoạch hành động nghe qua như một màn chính biến quân sự quy mô nhỏ. Trong ngày đại thọ của hoàng đế ở ba ngày sau, sư đoàn thứ bảy và sư đoàn thứ chín thuộc kiêu kỵ binh đóng trong thành sẽ cải trang thành quân Tây Bắc gia nhập quân đội của gia tộc Ba Đồ Cáp, Ba Lôi sẽ đích thân dẫn quân vây đánh Bắc Yến, lấy danh nghĩa trừ phản nghịch đập nát mọi chống cự, sau đó chiêu cáo gian thần đền tội, thiên hạ thái bình.

Ngụy Thư Diệp dĩ nhiên hiểu được ý định của cung Thịnh Kim. Người có thể làm được này không ít, nhưng chỉ có gia tộc Ba Đồ Cáp là thích hợp nhất.

Mặc dù cờ trống giương cao, nhưng cả hành động thoạt nhìn giống như một màn mưu sát trả thù, dựa vào ân oán giữa Lão Ba Đồ ở Tây Bắc và Bắc Yến, sẽ không có ai hoài nghi có càn khôn gì khác trong chuyện này. Người thiên hạ sẽ cho rằng Lão Ba Đồ e ngại thế lực Bắc Yến sẽ bành trướng sau khi Yến Tuân cưới được công chúa, cho nên hắn mới phái đệ đệ của mình đến đế đô mưu sát tân lang là Yến thế tử trước một bước. Nguyên cớ rõ ràng như ban ngày, vừa nhìn liền có thể hiểu ngay.

Tiếp theo, hoàng đế sẽ theo lẽ thường phái đại quân đến Tây Bắc bắt giữ tướng quân Ba Lôi, mười ngày nửa tháng sau công bố Tây Bắc có thái độ nhận tội hối lỗi, thu chút tiền bồi thường gọi là tượng trưng rồi cho qua chuyện. Tin chắc khi đó sẽ không người nào đứng ra đòi chính nghĩa cho một Bắc Yến đã diệt vong. Cả kế hoạch thoạt nhìn chỉ là do ân oán cá nhân chứ không liên quan gì đến quốc gia, đối với hoàng đế bệ hạ đã công bố ý định gả nữ nhi đi càng không thể có chút can hệ.

Ngụy Thư Diệp sinh ra một tia chán ghét trong lòng, nhưng chỉ khẽ cau mày rồi trầm giọng nói:"Ba trăm tử sĩ Ngụy phiệt nguyện ý theo lời tướng quân, tùy tướng quân điều động."

Cho rằng đối phó với một Thế tử thất thế làm gì cần nhiều quân như vậy, Ba Lôi hắc hắc cười nói:"Tốt lắm, vậy thiếu tướng hãy chịu trách nhiệm canh giữ vòng ngoài ngăn chặn viện binh của địch."

Ngụy Thư Diệp ôn hòa cười một tiếng, "Đa tạ tướng quân cất nhắc."

................................................................................................

Đêm khuya ngày 18 tháng 5.

Thiếu nữ đứng trước bản đồ, cân nhắc kế hoạch hành động một hồi, cuối cùng trầm giọng nói:"Các phân đoạn đều đã được an bài thỏa đáng, chỉ có đoạn đi đến tổ miếu thành Nam hành lễ là ta còn chưa yên tâm."

Yến Tuân khẽ nhíu mày, ra hiệu cho nàng nói tiếp.

"Theo nghi thức thì sau khi hành lễ giỗ tổ tại tổ miếu, huynh phải theo lễ quan trở lại hoàng cung rước công chúa. Hộ vệ bên người huynh trên đoạn đường này đều là quan binh do lễ bộ điều đến, không thể tin. Nếu có người phục kích huynh vào lúc đó, hậu quả tất khó lường."

Yến Tuân nhìn bản đồ, trầm giọng nói: "Nơi này địa thế trống trải, lại gần với Tây Nam trấn phủ sứ, vàng thau lẫn lộn, một khi xảy ra chuyện tất phải xuất động đại quân. Huống chi Tây Nam trấn phủ sứ có liên hệ sâu xa với chúng ta, bọn họ chưa chắc có lá gan này."

Sở Kiều lắc đầu, chậm rãi nói: "Hành sự cần vạn toàn, điểm chắc ăn nhất sẽ chính là điểm yếu dễ gây ra sai lần nhất, chúng ta cần chuẩn bị cho mọi tình huống xấu nhất. Huống chi ta và huynh đều biết, Tây Nam trấn phủ sứ vẫn chưa thần phục Bắc Yến, cũng không tận hiến với huynh, chúng ta không thể không đề phòng."

Yến Tuân gật đầu, cầm bản đồ lên, lại một lần nữa viết lại kế hoạch cùng phương pháp ứng biến cho mọi tình huống. Sở Kiều cũng cầm lấy giấy bút, viết xuống liệu định của bản thân.

Hoàng Phi Sở Đặc Công Số 11Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ