Mặc dù ta hữu danh vô thực trong Mạnh gia, mẫu thân và phụ thân ít nhất vẫn phải coi trọng ta một phần vì cái danh Ngũ nương Vọng Luân Các. Mới sáng sớm, đoàn người Mạnh gia náo nhiệt khênh những rương đồ được sơn đỏ, buộc nơ đỏ sang nhà dâu làm sinh lễ. Nhìn đống sính lễ dài nườm nượp cả con đường, ta cũng đoán trước được tính cách khoe khoang không đổi của mẫu thân, lại càng thêm thắc mắc thân phận của đại tẩu tương lai.Mấy người làm trong Mạnh gia mới sáng sớm đã tới hỏi ta có muốn đi đưa sính lễ cùng không, ta bảo Thư Hương lựa lời khéo từ chối. Dù sao con gái bao năm lưu lạc mới quay về còn chẳng buồn ăn mừng, thế mà đã có ý định lấy danh tiếng Vọng Luân Các để đi đưa sính lễ, cũng thật nực cười. Đan Tuấn biết cũng làm ngơ, chỉ ra điều hống hách sai vặt đám gia nhân một chút cho hả giận.
Vì sáng sớm đã đưa sính lễ, gia nhân đi rất nhiều, mẫu thân cũng đã đi dạo phố với mấy vị phu nhân khác, ta vứt lớp hóa trang ra, tự mình trèo qua tường trốn đi chơi.
Tường phủ Mạnh gia không cao, lại xây bằng gạch thượng hạng, bốn bên góc cạnh, rất dễ bám. Ta chẳng mấy chốc đã vượt qua mà không cần tốn quá nhiều sức lực, đại để cũng nhờ bao nhiêu năm qua rèn luyện ở tường của Vọng Luân Các, hiện tại trình độ trèo tường của ta cũng đã đạt đến trình độ thượng thừa cũng nên.
Trên đường phố sáng sớm rất đông người qua lại, phần là người dân lao động đang chuẩn bị bắt đầu một ngày mới. Cảnh tượng giản dị khiến ta có chút cảm động, so với kinh đô Thang Lãn dát vàng dát bạc kia, đúng là có sức sống hơn nhiều.
Ở Thang Lãn lâu, ta đâm ra cũng quen mỗi sáng sẽ có tiếng chuông ngân từ chùa Tự Đức trên đỉnh Thiên Sơn gần kinh đô. Thang Lãn tuy mục nát về khía cạnh nào đó nhưng phong cảnh vẫn hữu tình, nên thơ. Đường phố lúc nào cũng tấp nập, người người nhà nhà xúng xính áo quần. Thời tiết hầu như đều nắng đẹp, hay chỉ đơn thuần là mưa nhẹ nhưng phong tình. Lòng người, thi nhân ắt cũng sẽ rúng động khi được chiêm ngưỡng cảnh màn mưa giăng trắng xóa trên cầu Thiền Lượng đối diện ngay tầm nhìn của Vọng Luân lầu, đám sen súng trôi lềnh bềnh trên mặt nước xanh ngắt của sông. Hữu tình cũng có, nhưng hình như vẫn còn thiếu chút gì đấy.
Sáng sớm trên đất Thuận Thiên, nông dân thì vác cuốc ra đồng, những thanh niên thể lực tốt ào ào làm bát mì nóng hổi rồi lại ào ào đi ra bến cảng hay xưởng tàu làm việc. Các cửa tiệm ít nhưng thanh thế khá được, trang trí tiệm cũng khá vừa mắt, đồ đạc cũng là hàng chất lượng vừa với giá bán. Hầu hết trên dọc đường phố Thuận Thiên là những hàng sạp bán thư pháp, những trường tư do các thầy đồ mở ra dạy nho sinh. Ta nghe nói, kể từ khi tri phủ họ Mạnh lên nắm quyền, số trường tư, tiệm thư pháp tăng lên phân nửa, còn mở hội thư pháp, viết câu đố mỗi dịp Tết Nguyên Đán.
Hoạt động nho nhã, thanh tao như thế, đúng là phong cách thường thấy của Mạnh Dĩ. Ta không biết nhiều về văn thơ, thư pháp, nhưng nhập gia tùy tục, kể ra, ở Thuận Thiên này nổi lên dạo gần đây cũng chỉ có những con phố cổ và các nho gia viết thư pháp, câu đố, vì vậy, ta bèn lượn một vòng qua mấy con phố này, cốt cũng để giải tỏa tâm tư.
Thế là... Ồ, chính là thế. Vừa hay gặp cảnh đoàn gia nhân nhà họ Mạnh đưa sính lễ đến nhà đại tẩu tương lai. Ta đương nhiên cũng có chút tò mò, khi nhìn thấy một phủ đệ to ngang ngửa phủ đệ của Tô viên ngoại nổi tiếng nhất Thang Lãn, bên ngoài đặt hai con kì lân đá làm bằng ngọc thạch cao cấp, bên trên cổng lớn đỏ thì đề tên biển "Quý Y phủ".
BẠN ĐANG ĐỌC
Ngũ nương, muốn trốn cũng không cần trèo tường!- Đinh Đinh Đang Đang
General FictionThể loại: Cổ đại, hài hước,... Văn án: Tám tuổi, nàng rời thành Mị Thủy, rời phụ mẫu, trên người mang vỏn vẹn một chút ít bạc vụn, tiến đến kinh thành với mong muốn đổi đời, lại vừa mong muốn trút bỏ một số gánh nặng. Thời gian qu...