PONY KÝ SỰ - KHI CON CÓ EM

61 1 0
                                    

  KHI CON CÓ EM

Bạn sẽ cảm thấy thế nào khi em bé của bạn "chưa lớn lắm", vẫn đang còn bú mẹ, thì bạn phát hiện ra rằng bạn đang mang trong mình em bé thứ hai? Không biết nên vui hay nên buồn? Hay vừa vui mừng lại vừa lo lắng? Không biết nên cai sữa cho bé lớn hay là "từ bỏ" bé nhỏ đây? Lựa chọn nào cũng đều khiến bạn cảm thấy có lỗi, đúng không? Nếu quyết định giữ lại bé nhỏ, và cũng không muốn cai sữa bé lớn thì sao, liệu có ảnh hưởng gì không nhỉ?

Mẹ Pony cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự, nhưng điều mẹ Pony lo lắng không phải những điều trên, vì cả hai bé đều dễ thương, đều là một món quà vô giá trời ban, thì cớ gì lại đối xử "tệ" với một trong hai chứ? Nếu hiểu rõ mọi điều về cơ thể mẹ, về cơ thể bé thì bạn sẽ không thấy có gì đáng ngại cả, thậm chí bạn còn phải thốt lên rằng "THẬT TUYỆT VỜI" nữa cơ. Điều duy nhất làm mẹ Pony lo lắng là không biết trong lúc ti mẹ, bé lớn có vô tình động chạm gì "bạo lực" với em bé nhỏ trong bụng mẹ hay không thôi.

Ngay từ khi mới bàn về ý định có bé thứ hai, mẹ Pony đã được nghe nhiều lời cảnh báo, nào là: "Lúc đó phải cai sữa bé lớn đấy, nếu không sẽ gây sảy thai hoặc sinh non", hay "Em bé trong bụng sẽ thiếu chất, không phát triển được", rồi thì "Bé lớn sẽ đau bụng, tiêu chảy..." Ngay cả đến lúc phát hiện có bầu rồi, đi khám, mẹ Pony cũng lại bị bác sĩ dọa nạt y như vậy. Thật là thất vọng quá đi mà! Đúng là không phải bác sĩ nào cũng giỏi, cũng đưa ra được lời khuyên tốt nhất cho bạn!

Dù có mang thai lần thứ bao nhiêu đi nữa thì đây vẫn luôn là quãng thời gian đặc biệt với mọi người mẹ. Nhưng những lần sau sẽ dễ chịu hơn những lần trước vì bạn đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên sẽ cảm thấy tự tin hơn. Nếu bạn đã biết rằng sữa mẹ luôn luôn là thức ăn bổ dưỡng và tốt nhất cho bé thì tại sao lại lo lắng việc bé bú mẹ khi mang thai có thể khiến bé đau bụng, hay còi cọc vì thiếu dinh dưỡng? Có thể sẽ đến lúc bé lớn đi ngoài phân mềm hoặc lỏng hơn trước nhiều (thường là khi mẹ mang thai tháng thứ 4 - 5), đó là vì lúc này sữa mẹ thay đổi và bắt đầu tạo sữa non cho em bé nhỏ ở trong bụng. Sữa non luôn là thần dược với bé sơ sinh, thì tất nhiên cũng là thần dược với bé lớn. Sữa non giúp bé sơ sinh dễ dàng đào thải phân su, do đó cũng có tác dụng nhuận tràng với bé lớn. Đó là chuyện đương nhiên, không phải là bệnh và không có gì là đáng lo cả, vui mừng thì đúng hơn, vì bé lớn sẽ lại nhận được nhiều dinh dưỡng hơn, nhiều kháng thể hơn từ sữa non của mẹ cho tới tận khi em bé chào đời.

Như vậy, nhiều người nghĩ rằng, việc vẫn cho bé lớn bú sẽ lấy hết chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của em bé nhỏ. Thật khéo tưởng tượng! Thực tế là, cơ thể người mẹ kì diệu đến mức luôn biết khi nào cần phải làm gì. Em bé nhỏ trong bụng luôn được ưu tiên về mọi mặt, vậy mới có chuyện sữa mẹ đang từ "sữa già" chuyển ngay thành "sữa non" để chuẩn bị cho sự chào đời của bé nhỏ chứ. Không những em bé trong bụng không bị thiếu chất, mà thậm chí còn khỏe mạnh hơn nữa nếu mẹ luôn ý thức được việc cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng để tốt hơn cho cả...ba. Nói vậy không có nghĩa là bạn cần phải bổ sung một lượng lớn vitamin hay chất gì đặc biệt cả, cơ thể chúng ta luôn biết cách tự điều chỉnh. Vì thế, bạn chỉ cần thèm gì ăn đó, ăn khi đói và uống khi khát, cân bằng các nhóm chất, không quá lệch lạc là được, không cần quá cầu kỳ, thực phẩm càng tự nhiên càng tốt.  

  Thế còn truyền thuyết "Cho bé bú sẽ kích thích co bóp tử cung gây sảy thai, sinh non" thì sao? Có lẽ truyền thuyết này xuất phát từ việc trước đây người ta cho rằng kích thích núm ti sẽ gây hậu quả tương tự. Thực tế, nói cho công bằng thì ngoài việc tránh kích thích núm ti cũng nên tránh luôn cả những việc như ăn chocolate, ôm, hôn, hay các cử chỉ âu yếm khác...vì chúng đều khiến cơ thể sản sinh hormone OXYTOCIN – là loại hormone tham gia vào quá trình tiết sữa và tạo ra các cơn co thắt khi chuyển dạ. Tuy nhiên, tử cung không đơn giản cứ lúc nào muốn là có thể co thắt ngay được, vì khi thai nhi chưa đủ "chín" (dưới 38 tuần) thì tử cung chưa đủ trưởng thành và ít có khả năng tiếp nhận hormone oxytocin nên hoàn toàn không dễ dàng bị kích thích. Chỉ tới khi thai nhi đủ lớn thì tử cung mới sẵn sàng cho việc chuyển dạ, và lúc này tử cung sẽ rất nhạy cảm với hormone oxytocin. Thế nên, việc tiếp tục cho bé lớn bú mẹ trong thai kỳ là hoàn toàn không đáng lo ngại. Chỉ trong trường hợp bạn có thể trạng gầy yếu, có tiền sử sảy thai hay sinh non hoặc chảy máu trong thai kỳ, thai nhi suy dinh dưỡng - không phát triển tốt...thì mới cần cân nhắc có nên duy trì việc cho bé lớn bú hay không nhé.

Việc tiếp tục cho bé lớn bú đảm bảo bé vẫn nhận được lợi ích miễn dịch quý giá từ kháng thể trong sữa mẹ. Nên nếu bạn vẫn quyết định cai sữa cho bé thì hãy cân nhắc lợi ích này để chuẩn bị tinh thần bé có thể sẽ ốm nhiều hơn. Hơn nữa, nên cẩn thận để tránh những tổn thương tinh thần cho bé lớn sau khi sinh bé nhỏ vì bé lớn ít nhiều sẽ có cảm giác ganh tị và bị bỏ rơi. Đôi khi có bé sẽ tự cai sữa mẹ vì nhận thấy sữa mẹ giảm đi chút ít và có mùi vị lạ vào thời điểm sữa mẹ đang chuyển dần sang sữa non. Và trong nhiều trường hợp các bé đã cai sữa nhưng vẫn quay lại tiếp tục bú mẹ sau khi mẹ sinh em. Đó là quyền lựa chọn của bé. Thiết nghĩ, việc để bé tự quyết định việc có cai sữa hay không luôn là đúng đắn và ít bị tổn thương nhất.

Khi quyết định "nuôi bú song song", bạn sẽ nhận thấy rằng đó là một trải nghiệm tuyệt vời và hiếm có. Bạn sẽ không phải lo có đủ sữa cho bé nhỏ không, vì lúc này sữa của bạn rất dồi dào. Ngoài ra, bạn sẽ thấy các con của mình có vẻ gắn bó và yêu thương nhau hơn. Và khoảnh khắc tuyệt vời nhất là khi bạn thấy các con của mình nắm tay nhau trong khi cùng bú mẹ. Điều lăn tăn duy nhất là bạn phải tìm ra tư thế phù hợp nếu muốn cho các bé bú cùng lúc để thoải mái cho cả mẹ và các con.

Tóm lại là "HÃY CỨ CHO CON BÚ KHI MẸ CÒN CÓ THỂ" nhé!  

CHUẨN BỊ CHO BÉ YÊUWhere stories live. Discover now