NUÔI CON SỮA MẸ - LÀM SAO ĐỂ MẸ NHÀN, CON VUI
(Phần 2 – Kết hợp hoàn hảo giữa ti mẹ và ti bình)Như đã nói ở phần trước, để có một hành trình nuôi con bằng sữa mẹ nhẹ nhàng và vui vẻ thì nên biết KẾT HỢP sao cho HIỆU QUẢ NHẤT giữa việc TI MẸ TRỰC TIẾP và HÚT SỮA CHO BÉ BÚ BÌNH. Ở phần 1, mẹ PM đã tổng hợp NHỮNG LỖI SAI thường gặp KHIẾN VIỆC BÚ MẸ TRỰC TIẾP gặp KHÓ KHĂN, và giải đáp để mọi người có thể hiểu rõ hơn mà phòng tránh rồi. Đó là bước đầu tiên và vô cùng cần thiết để có thể nuôi con sữa mẹ thành công. Khi bước đầu tiên này không suôn sẻ, và không được khắc phục đúng cách, dẫn tới việc bé sẽ không được (tập) ti mẹ trực tiếp thì hành trình nuôi con sữa mẹ sẽ cần rất nhiều sự kiên trì của mẹ trong việc hút sữa để duy trì sữa mẹ lâu dài. Một khi mẹ nản lòng và không thể vượt qua được thì mẹ sẽ lựa chọn cách khác đơn giản hơn (đó là cho con ăn sữa ngoài), thế là hành trình nuôi con sữa mẹ chấm dứt. Khi đó tất nhiên mẹ sẽ nhàn hơn và con cũng vẫn vui, nhưng mẹ sẽ phải chịu thêm gánh nặng về kinh tế, và người thiệt thòi cuối cùng vẫn là con, vì ai cũng biết SỮA MẸ LÀ TỐT NHẤT!
1. Có phải khi bé ti mẹ trực tiếp sẽ khiến bé ti lắt nhắt, ngủ không ngon?
Khi bước đầu tiên (ti mẹ trực tiếp) thành công, nhiều bạn lại vấp phải những vấn đề như con hay quấy khóc, ti mẹ lắt nhắt, ngủ không ngon...và nghĩ rằng đó là do con ti mẹ trực tiếp. Nhưng thực tế, nguyên nhân của những vấn đề này phần lớn xuất phát từ sự lo lắng của mẹ. Bạn cần hiểu rằng khi con mới được vài tháng tuổi, xung quanh có quá nhiều thứ mà con phải làm quen, nên con cảm thấy lo sợ, bối rối...vì thế con quấy khóc là điều đương nhiên, bởi lẽ khóc là điều duy nhất con có thể làm để báo cho mẹ biết rằng con không ổn. Nhưng lúc này, việc con khóc lại khiến mẹ hoang mang, lo lắng, và việc ám ảnh nhất đối với mẹ bây giờ là lo sợ con đói. Thế nên chỉ cần con khóc là mẹ lại cho bú, cho dù con mới ti trước đó không lâu. Khi con được ngậm ti mẹ, con được trấn an và lim dim ngủ. Lúc này con không no, cũng không đói, rồi con ngủ một chút là tỉnh (có thể vì đói, cũng có thể vì những lý do khác) và con lại khóc, mẹ lại cho bú, con lại lim dim... Hai mẹ con cứ loanh quanh trong cái vòng luẩn quẩn mãi mà không dứt.
2. Bé ti lắt nhắt thì phải làm gì?
Để khắc phục tình trạng này, bạn phải đảm bảo rằng bạn có thể phân biệt được khi nào thì con khóc vì đói, khi nào thì không. Nhiều người cho rằng nên cho con bú theo NHU CẦU. Điều này đúng, nhưng chỉ đúng khi nhu cầu đó là nhu cầu ĐÓI CẦN PHẢI ĂN, chứ không phải nhu cầu BÚ MÚT ĐỂ TRẤN AN. Cả hai trường hợp này bé đều khóc (thường thì khi đói sẽ khóc dữ dội hơn), mút tay hoặc mút môi, và khi đói chắc chắn bé sẽ có biểu hiện há miệng, quay đầu, tìm ti còn khi cần trấn an có thể có, cũng có thể không. Nếu không phân biệt được hai nhu cầu này thì rất có thể bạn sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn ở trên. Để chắc chắn, hãy bình tĩnh nhớ lại xem lần ti gần nhất là khi nào, khi đó bé bú có nhiều không, có vẻ no và thỏa mãn chưa, cữ bú mà bé có vẻ bú được nhiều nhất là khi nào...để có thể xác định được rằng hiện tại bé có thể đói không?
Khi đã ở vướng vào vòng luẩn quẩn, nghĩa là bé ti mẹ lắt nhắt (30-45p lại ti 1 lần), bạn cần phải giãn dần khoảng cách giữa những lần cho bé ti mẹ. Có thể bắt đầu giãn dần chỉ với 10-15 phút. Nếu bé khóc, hãy dỗ dành bé. Khoảng cách các cữ ăn nên ít nhất là 2h để đảm bảo bé đủ đói thì mới ti được nhiều sữa sẽ giúp bé no bụng hơn, từ đó mới có thể ngủ ngon hơn. Những nguyên nhân khiến bé khóc hay các vấn đề về ngủ, mẹ PM đã có một album riêng rồi, nếu cần bạn có thể tham khảo để biết thêm chi tiết. Hãy nhớ rằng "BÉ KHÓC CHƯA CHẮC LÀ VÌ ĐÓI"!
3. Ti bình và ti mẹ song song
Nhiều bạn lo sợ sẽ vướng vào vòng luẩn quẩn nên chọn cách hút sữa cho bé bú bình vì nghĩ rằng sẽ kiểm soát được lượng ăn, thời gian ăn - ngủ của con. Điều này cũng tốt, nhưng mẹ PM cần phải nhắc lại rằng, cho con ti mẹ trực tiếp nếu làm đúng cách thì hoàn toàn có thể kiểm soát được thời gian ăn – ngủ của con. Và nếu bạn muốn nuôi con nhàn hơn và lâu dài, thì nên duy trì song song cả việc cho con bú mẹ trực tiếp (vì sẽ không phải mất thời gian hút sữa và vệ sinh bình sữa). Mà để duy trì được việc cho con bú mẹ trực tiếp thì không nên cho bé bú bình trước khi bé biết ngậm ti mẹ đúng cách (đã giải thích kỹ ở phần 1), và thời gian cho bé ti bình KHÔNG NÊN NHIỀU HƠN thời gian bé ti mẹ trực tiếp.
YOU ARE READING
CHUẨN BỊ CHO BÉ YÊU
RomansaBABY IS COMMING Mình đang học cách làm mẹ nên mình sẽ lưu trữ những kinh nghiệm chăm sóc con, tất tần tật những gì cần chuẩn bị để nuôi dạy con tốt tại đây nhé. Đều là những bài đăng mình lượm lặt từ facebook, hội nhóm, diễn đàn cha mẹ. Lưu vào đây...