Tắc sữa phổ biến và thường gặp nhất là ngay sau khi sinh vài ngày. Hầu hết những trường hợp này đều có chung 1 nguyên nhân, đó là khi sữa non bắt đầu chuyển dần sang sữa "già", lúc này sữa về nhiều mà con lại không chịu ti (vì mẹ đã mắc phải những sai lầm như đã nhắc tới ở bài trước "NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ PHẦN 1"). Nên nếu bạn nào cố gắng không mắc phải những sai lầm đó thì sẽ hạn chế được rất nhiều nguy cơ tắc sữa sau này.
Mẹ PM tắc sữa lần đầu tiên là sau sinh 3 ngày. Ban đầu chỉ là ngực căng tức, sau đó là cương cứng như hai tảng đá, rồi bắt đầu sốt nhẹ. Dù ý thức được rằng phải cho con bú hoặc là hút sữa ra thì sẽ khỏi, nhưng vì mẹ con chưa hợp tác được với nhau, mẹ lại chưa bao giờ dùng đến cái máy hút sữa nên chẳng có tí kinh nghiệm sử dụng nào, đến vắt sữa bằng tay cũng không biết đã làm đúng chưa. Kết quả là, mặc dù cũng chườm nóng - lạnh đủ cả nhưng sữa hút ra vẫn không được bao nhiêu, cố hút thì chỉ khiến đầu ti ngày càng sưng to và đau rát. Lúc đó, mẹ PM cũng không thể tưởng tượng được rằng đầu ti mình có thể to được đến thế, hai bầu ngực thì căng – cứng – ấm nóng như muốn nổ tung.
Mặc dù, ngày nào cũng có bác sỹ chuyên môn thăm khám, nhưng những lời khuyên nhận được chỉ rất qua loa kiểu "Tập cho con bú đi nhé", "Sữa về nhiều rồi đấy, nặn bớt ra nhé"... Nếu có thắc mắc thì cũng chỉ sờ sờ nắn nắn chút rồi thôi, mà không ai có ý muốn hướng dẫn một đứa đang lớ ngơ và loay hoay đến mức tội nghiệp biết cách phải làm sao cho đúng. Cuối cùng là "Hơi sốt à? Tắc sữa rồi. Thế có cần chuyển lên phòng vật lý trị liệu không?", cứ như là chỉ chờ đến lúc để giới thiệu dịch vụ thôi ấy. Cũng may đến đêm thứ 3, nhờ tiếng khóc quá to của Pony mà một chị y tá trực đã tới hỏi thăm và nhiệt tình hướng dẫn, giúp cho Pony bú mẹ thành công. Nỗi hoang mang đầu tiên của mẹ PM đã được giải quyết ngon lành như thế.
Thực ra, mãi sau này mẹ PM mới nhận ra rằng, việc mình cố hút sữa mà không làm đúng cách thì sẽ chỉ khiến hậu quả nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân của việc càng cố hút thì càng khiến đầu ti sưng to nhưng lại không ra sữa là vì lúc này lượng sữa non đặc quánh của những ngày đầu rỉ ra đã khô lại trên đầu ti, khiến cho tia sữa bị bít lại, sữa không đi qua được nên dừng lại ở đó và phình ra. Nên cách xử lý lúc này rất đơn giản, nếu chưa tập cho bé bú mẹ được thì bạn hãy làm như sau:
1. Dùng khăn mềm thấm nước lau đầu ti giúp cho vẩy sữa non khô (màu vàng) hoặc cặn bẩn (màu đen) mềm ra rồi lau sạch đi.
2. Sau đó, dùng đầu ngón tay cái đặt ở quầng thâm trên núm ti và ngón tay trỏ đặt ở quầng thâm dưới núm ti, massage vắt nhẹ nhàng lên xuống xung quanh quầng thâm.
3. Khi vùng quầng thâm xung quanh núm ti đã mềm ra thì mới bắt đầu vắt lan dần ra xung quanh. Hoặc lúc này có thể dùng dụng cụ hút sữa vì đầu tia sữa đã được thông nên sẽ dễ hút hơn.
4. Khi dùng dụng cụ hút sữa, nếu một lúc sau lại thấy phần quầng thâm xung quanh đầu ti căng phồng, nổi cục thì lặp lại từ bước 2.
5. Và nhớ là, khi vắt massage bằng tay phải thật nhẹ nhàng, đừng cố ấn, bóp vào chỗ cứng sẽ gây tổn thương, và bầm tím bên trong.
6. Có thể kết hợp chườm nóng, hoặc tắm dưới vòi sen ấm. Những tia nước từ vòi sen xả thẳng vào vùng nổi cục sẽ giúp massage thông sữa rất hiệu quả.
Dù đã qua cửa ải đầu tiên, nhưng hiện tượng tắc sữa này vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt quá trình nuôi con. Đó có thể là khi mẹ nhiều sữa, ngực căng cứng mà không kịp cho con bú hoặc hút ra. Hoặc cũng có khi tự nhiên đau, nổi 1 vài cục cứng trong khi ngực vẫn mềm mà chẳng hiểu tại sao.
Lần thứ 2 mẹ PM bị tắc sữa là lúc Pony 20 ngày tuổi. Hậu quả của việc chưa quen với chuyện ăn uống ngủ nghỉ của con lắm, trong khi con ăn thì ít, sữa mẹ thì nhiều. Lần này sốt cao hơn chút, kèm cảm giác lạnh tê tái, và khi con ti thì hơi đau buốt. Thế là khăn gói đi vật lý trị liệu. Đúng là lần đầu bỡ ngỡ, ngu ngơ chẳng biết gì. Buổi đầu đi điều trị, mẹ PM hỏi "Bao lâu thì thông ạ?" thì được các vị y-bác sỹ trả lời rằng "Cũng tùy, chắc phải mất khoảng chục ngày, mỗi ngày 1-2 lần". Quy trình mỗi lần là 10p chiếu đèn, rồi vắt bóp bằng tay 20-30p. Ôi, con ti còn đau huống chi là bị bóp nặn 20p. Sau 2 buổi không thấy khả quan chút nào, các y-bác sỹ có chuyên môn hẳn hoi mà cũng chẳng giúp ích được gì, không đưa ra được lời khuyên nào đúng đắn. Mẹ PM quyết định không đi nữa, ở nhà tích cực cho con bú và giãn cữ bú để con ti được nhiều hơn. Chỉ có thế thôi mà dễ chịu hơn nhiều, vài ngày sau thì khỏi, hết sốt, hết đau, hết cứng, và có thêm một trải nghiệm đáng nhớ.
Mẹ PM bị tắc sữa lần thứ 3 có lẽ là sau sinh Moon vài tháng. Không biết có phải tắc không, vì cơ thể không nóng sốt, ngực không căng, cũng chẳng có cục cứng, chỉ là hơi đau thôi. Thế là mẹ PM chẳng làm gì cả, vẫn cho con bú đều, vài ngày sau thì hết đau.
Nhiều bạn nói rằng "Con không bú hết thì phải hút vì sợ tắc, áp-xe". Thực tế không phải vậy, tắc sữa thường chỉ dễ xảy ra khi ngực bạn căng sữa quá lâu (quá cữ bú của con) mà không kịp cho con bú hay hút ra. Khi bạn nhiều sữa, con bú không hết mà bạn cố hút ra thì sữa bạn sẽ ngày càng nhiều (oversupply), và bạn lại rơi vào vòng luẩn quẩn không có điểm dừng. Để điều chỉnh lượng sữa rất đơn giản, chỉ cần nhớ rằng "Sữa mẹ sản xuất theo quy luật cung - cầu". Như khi muốn kích tăng lượng sữa thì phải tăng thời gian và số lượng mỗi cữ bú/hút. Còn muốn giảm sữa thì làm ngược lại, khi ngực căng tức khó chịu thì CHỈ HÚT CHO BỚT CĂNG thôi, không hút quá nhiều. KHI ĐÃ BỊ TẮC SỮA MỚI CẦN phải HÚT HẾT SỮA ra.
Tóm lại, các bạn chỉ cần nhớ rằng, NẾU BÉ CHỊU BÚ MẸ và BÚ ĐÚNG CHUẨN thì đã hạn chế được nguy cơ tắc sữa rất nhiều rồi. Nếu chẳng may có bị tắc sữa thì cũng chỉ cần CHO CON BÚ thôi. Nếu bạn nhiều sữa, hãy hút bớt sữa ra trước, rồi cho con bú sau. Và nhớ là đừng cho con bú lắt nhắt quá, thì dù có bao nhiêu cục cứng con cũng sẽ xử lý hết. Đó là cách đơn giản nhất. Không có máy hút sữa nào hay phương pháp chữa tắc sữa nào có thể sánh bằng khả năng hút sữa của con. Nếu bạn làm tốt những điều mẹ PM nói ở trên thì khả năng bị áp-xe là rất thấp.
Phù, hết rồi. Chúc các bạn nuôi con sữa mẹ vui vẻ và suôn sẻ nhé!
YOU ARE READING
CHUẨN BỊ CHO BÉ YÊU
RomanceBABY IS COMMING Mình đang học cách làm mẹ nên mình sẽ lưu trữ những kinh nghiệm chăm sóc con, tất tần tật những gì cần chuẩn bị để nuôi dạy con tốt tại đây nhé. Đều là những bài đăng mình lượm lặt từ facebook, hội nhóm, diễn đàn cha mẹ. Lưu vào đây...