PONY KÝ SỰ - KHI CON CÓ EM 2

43 1 0
                                    

  KHI CON CÓ EM (PHẦN 2)

Từ khi có bầu bé thứ hai, người ta cứ hay nói với mẹ Pony rằng "Khi có đứa thứ hai rồi, đứa lớn kiểu gì cũng sẽ ganh tị đố kị với em". Nhưng mẹ Pony lại nghĩ khác.

Sự ra đời của bé nhỏ chắc chắn sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới tâm lý của bé lớn. Bởi vì với bé, đây sẽ là một sự thiệt thòi không nhỏ. Bé sẽ cảm thấy hụt hẫng, thất vọng, và buồn tủi khi mà sự quan tâm, yêu thương của cha mẹ và mọi người không còn dành trọn cho mình nữa. Dù muốn dù không, dù bạn có cố gắng bù đắp bao nhiêu đi nữa thì điều này cũng xảy ra và cảm giác mất mát của bé là có thật. Vì thế việc bé lớn có đôi khi bộc phát hành xử không được "đẹp" lắm thì cũng là điều hết sức bình thường. Ngoài việc tỏ ra đố kị với em, bé lớn còn cố gắng bằng nhiều cách để thu hút sự chú ý của mọi người, với hi vọng sẽ lại được quan tâm và yêu thương như trước. Bé sẽ trở nên quậy phá hơn, hay cố tình tỏ ra yếu đuối trong nhiều tình huống khi mà trước đó vốn dĩ đã làm rất tốt. Chẳng hạn như, trước đây bé đã rất tự lập trong ăn uống nhưng giờ lại đòi được cha mẹ xúc cho mới chịu, rồi vốn dĩ rất thích chạy nhảy nhưng giờ lại đòi được bế, hay đang từ một em bé vui vẻ, tự tin bỗng trở nên mong manh, dễ dàng rơi nước mắt bất cứ lúc nào... Khi đó, bạn đừng vội vàng gắn mác "ích kỷ" cho bé, nếu được cha mẹ quan tâm và giảng giải kịp thời thì chắc chắn bé sẽ dần nguôi ngoai và vui vẻ "san sẻ tình cảm" với em của mình.

Xuất phát điểm khi mới được sinh ra em bé nào cũng là một thiên thần, rất trong sáng và hồn nhiên. Ngày qua ngày, bé luôn nỗ lực học hỏi để trưởng thành hơn. Và môi trường học tập nhanh nhất là từ những người thân và thế giới xung quanh. Thế nên, mỗi bé sẽ trở thành người đố kị hay rộng lượng và yêu thương đều là do người lớn. Sẽ còn có những em bé hay đố kị, ganh ghét khi mà người lớn còn có những lời nói, và hành động đại loại như thế này:

1. Khi mẹ bầu đang âu yếm bé lớn thì những câu nói quan tâm như: "Mẹ đang bầu em bé mà còn bắt mẹ bế nữa à?", hay dọa nạt như: "Cứ ngồi lòng mẹ thế kia, em bé thò tay ra cấu bây giờ!"...của người ngoài sẽ trở nên rất vô duyên đấy nhé.
2. "Mẹ có em bé rồi, cháu sẽ bị ra rìa cho mà xem", "Con hư lắm, mẹ không yêu con nữa, mẹ chỉ yêu em thôi"... Nếu bạn không muốn tâm hồn bé bị tổn thương thì đừng bao giờ thốt lên những lời lẽ "ác ý" như vậy, cho dù chỉ là trêu đùa cũng TUYỆT ĐỐI KHÔNG!
3. "Con xem, em chơi ngoan thế kia cơ mà", "Em ăn giỏi chưa? Em ăn xong trước con rồi này"... Đừng bao giờ so sánh các bé với nhau, dù là nhỏ nhất, dù là với mục đích động viên đi nữa! Việc so sánh là nguyên nhân chính khiến cho các con ganh ghét lẫn nhau.
4. Đừng vì căng thẳng mà cáu gắt vô lý với bé lớn, hay là đòi hỏi bé lớn phải "trưởng thành", và ra dáng làm anh/làm chị chỉ trong chớp mắt kiểu như "Con lớn rồi, tập tự làm dần đi chứ!". Câu nói này chắc bạn sẽ không nói ra nếu như chưa sinh bé nhỏ, bởi vì mới hôm qua thôi bạn vẫn còn nâng bé như nâng trứng mà, phải không?
5. Cố gắng không thiên vị trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đừng chỉ âu yếm bé nhỏ mà lãng quên bé lớn, thậm chí nếu có trách phạt thì cũng hãy công bằng với cả hai bên, không có điều luật hay sách vở nào ghi là "Lớn phải nhường bé" đâu bạn nhé!

Thế nên, để giảm thiểu tổn thương cho bé, người lớn chúng ta cần phải làm gì?  

1. Chuẩn bị tinh thần cho bé lớn trước khi em bé nhỏ chào đời bằng việc cho bé tham gia vào công đoạn chuẩn bị đón thành viên mới, cho bé được giao tiếp với em ngay khi em còn trong bụng mẹ... Khi mẹ bầu em Moon, ngày nào mẹ cũng hỏi Pony về em bé trong bụng. Lặp đi lặp lại vậy mà không biết chán, mà ngược lại, còn thấy yêu thương vô bờ bến. Pony đã học cách yêu em từng chút một mỗi ngày như thế đấy <3.
2. Trò chuyện hay đọc sách tranh kể về em bé, để bé hình dung được em bé sẽ thế nào, chăm sóc em ra sao...
3. Nếu dự định sẽ có thay đổi thói quen ăn ngủ của bé lớn sau khi bé nhỏ chào đời thì hãy tập dần cho bé lớn trước đó vài tuần, đừng để đến khi mọi sự đã rồi, những thay đổi đột ngột sẽ khiến bé cảm thấy khó chịu và phản kháng kịch liệt hơn.
4. Khi sinh bé nhỏ, hãy cho bé lớn được tiếp xúc với em ngay khi có thể. Hãy nói với bé rằng "Em bé ra chơi với con rồi này, con có muốn ôm em không? Mẹ yêu cả hai anh/chị em lắm lắm!".
5. Luôn cố gắng dành thời gian riêng cho bé lớn càng nhiều cành tốt. Điều này đặc biệt quan trọng, cho dù chỉ 15 phút mỗi ngày chơi đùa, đọc sách, hay trò chuyện cùng bé cũng khiến bé cảm thấy được quan tâm, và yêu thương rồi.
6. Tạo cơ hội cho bé được chăm sóc em, tùy vào khả năng của bé, để có thể nuôi lớn sự tự tin trong bé, giúp bé trưởng thành hơn, đồng thời giúp mối quan hệ anh/chị em ngày càng gắn bó.


Người ta cứ bảo hai đứa nhỏ mà sinh gần nhau quá thì đứa lớn sẽ thiệt thòi vì phải chia sẻ tình thương của cha mẹ với em. Mẹ Pony lại thấy ngược lại, Pony thật là may mắn vì ngoài tình thương của cha mẹ, giờ con còn có thêm tình yêu của em nữa, và em Moon cũng vậy. Pony cứ rảnh rảnh là chạy lại ôm hôn em thắm thiết thế này. Em Moon thì chỉ cần nghe thấy tiếng chị Pony, hoặc là nhìn chị cười đùa thôi là cũng cười toe toét rồi.

Người ta lại bảo đứa lớn còn nhỏ quá mà đã có em thì hai đứa sẽ tranh nhau suốt ngày vì đứa lớn chưa biết nhường nhịn em. Thế mà nhà Pony chẳng mấy khi nghe thấy chúng nó chí choé. Cô em mà có đánh rơi đồ chơi là cô chị sẽ nhanh nhảu "Để chị nhặt giúp em Moon nhé!". Cô em mà có khóc thì cô chị sẽ ngay lập tức vỗ về "Em Moon ơi, có chị đây rồi mà, không sao đâu" hoặc sẽ quay ra bảo mẹ "Mẹ ơi, em khóc rồi, mẹ bế em Moon đi".

Đấy, thế nên đừng nghe người ta dọa mà lo sợ linh tinh các bạn ạ. Tụi nhỏ đối xử với nhau thế nào là do hàng ngày người lớn giao tiếp với chúng ra sao. Thay vì lo nghĩ linh tinh thì để dành năng lượng đó tu tâm dưỡng tính sẽ có ích cho các con hơn nhiều á :D 

CHUẨN BỊ CHO BÉ YÊUWhere stories live. Discover now