Con chỉ muốn ông ba sống hạnh phúc hơn

892 9 0
                                    

Năm tôi 2 tuổi, mẹ sinh thêm em gái nên gửi tôi cho ông bà ngoại chăm sóc. Nhà ông bà tôi ở dưới quê, đó là một vùng quê yên bình với núi đồi bao quanh.

2 tuổi, tôi không còn nhớ quá nhiều ký ức của thời điểm này. Chỉ duy kỷ niệm có lẽ tôi sẽ không bao giờ quên, phần vì nó được nhắc đi lại quá nhiều, phần vì mỗi lần nghĩ về nó tôi đêu thấy thật vui và yêu sự hồn nhiên mà tôi đã từng có.

Trong khoảng thời gian một năm sống cùng ông bà, tôi có tật "tè dầm" vào ban đêm. 2 tuổi mà tè dầm thì không phải điều gì quá bất thường với một đứa trẻ, nhưng có lẽ ông bà tôi đã quá tuổi để chăm sóc trẻ nhỏ nên việc ngày nào cũng phải thức dật giữa đêm khiến ông bà mệt mỏi. Một đêm nọ, sau rất nhiều đêm phải dọn dẹp bãi-chiến-trường của tôi, bà ngoại không nhịn được mà mắng tôi:

- Ra ngoài đi! Suốt ngày đái dầm, bà rất mệt vì con, con hư quá!

Tôi bị phạt ra đứng ở khoảng sân trược nhà. Trời tối om nên khoảng sân nhỏ lúc ấy bỗng trở nên rộng lạ kỳ. Tôi cảm thấy sợ. Nhưng nghĩ lại, lúc ấy có lẽ tôi chỉ quẩn quanh với suy nghĩ rằng mình làm ông bà khổ, rằng ông bà không được sống thoải mái vì tôi. Lúc đó tự nhiên nước mắt cứ ứa ra, tôi thương ông bà quá vì không được sống an nhàn vui vẻ mà phải chăm sóc cho mình. Chính vì nghĩ như vậy mà tôi quyết định đi khỏi nhà để cho ông bà ngoại sống hạnh phúc hơn.

Tôi một mình đến nhà văn hóa thôn. Ở Hàn Quốc, mỗi khu đều có một nơi như vậy để mọi người tụ tập, sinh hoạt văn hóa. Tôi hay được ông bà dẫn ra nhà văn hóa thôn chơi, nên đó là nơi tôi nghĩ đến đầu tiên khi bỏ nhà ra đi. Đến nhà văn hóa, tôi mới nghĩ mình nên đi đâu. Ban đêm, lại ở miền quê bao quanh là núi rừng, đèn điện lại không có, tôi không thể đi lại lung tung được. Tôi nghĩ rằng phía sau là núi, nhất định sẽ có hổ, hổ ăn thịt mình thì sao? Vậy là toi đi về phía trước, nơi đó có đồn cảnh sát, mình có thể hỏi đường để đi tiếp. Đến bây giờ, tôi vẫn không thể hiểu nổi sao một đứa bé 2 tuổi lại có thể nghĩ quá nhiều thứ như vậy. Nhưng tôi thật sự nghĩ như vậy đó và cứ lũn cũn bước đi, không biết rằng có những "biến cố' gì đang chờ mình phía trước.

Bà ngoại đi tìm tôi khắp nơi, còn gọi cà những người thân thiết xung quanh dậy đi tìm cùng. Đến khi bà bắt gặp tôi đang đi lang thang trên đường, bà quát mắng một trận nhớ đời: "Sao con lại ở đây?". Tôi bị bà tóm cổ về và cho ăn đòn một trận. Bà nổi giận mắng: "Trời ơi, kêu nó đi là nó đi thiệt kìa!" Lúc đó tôi vẫn còn chưa hiểu sao mình đi để ông bà sống hạnh phúc hơn mà bị mắng, lại còn bị đánh đòn.

Bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy thương bản thân mình lúc đó. Một đứa trẻ dù cư xử như thế nào thì suy nghĩ vẫn là của một đứa trẻ, ngây ngô và trong trẻo. Có lẽ, khi trưởng thành, chúng ta, tôi và cả các bạn, cũng chẳng ai còn giữ mãi được trái tim trong sáng như vậy, vì hạnh phúc của những người xung quanh mà chấp nhận là người ra đi. Thời gian xô chúng ta khỏi những ý niệm hồn nhiên và không tính toán, sự trường thành khiến chúng ta bắt đầu hoài nghi về giá trị của sự cho đi và nhận lại. Chúng ta bận rộn sống một cuộc đời nhiều tranh đấu, quên mất những điều mình từng một lòng vì chúng mà cam chịu tổn thương.

Giá mà, chúng ta cứ sống hồn nhiên như những đứa trẻ, luôn cho đi một cách vô tư nhất, biết đâu chúng ta sẽ dễ tìm thấy hạnh phúc hơn?


(FULL) Cỏ Hạnh Phúc - Hari WonNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ