Được sang Việt Nam sống, tôi cảm thấy rất vui vì điều đó giống như một sự giải thoát vậy. Việt Nam đã cho tôi rất nhiều, đưa tôi thoát khỏi quãng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời mình, cho tôi tình thương, sự tự tin va cả niềm tin vào cuộc sống. Nếu không đến Việt Nam, có lẽ, tôi đã không trở thành của ngày hôm nay.
Hàn Quốc là một đất nước đề cao sự tự tôn dân tộc. Nếu như Việt Nam có đến 54 dân tộc anh em, thì ở Hàn Quốc, tất cả mọi người đều chung một dân tộc; dân tộc Hàn. Vì vậy, họ không thích những người làm ảnh hưởng đến niềm tự hào đó của mình. Tất cả những người như chúng tôi, những đứa con lai của người Hàn và người ngoại quốc, đều được coi là sai trái với truyền thống tốt đẹp đó.
Mỗi ngày đi học tôi đều bị bắt nạt, dù lúc ấy tôi mới chỉ là một đứa trẻ lớp 2, lớp 3. Các bạn gọi tôi là con lai. Trẻ con thì chẳng biết gì để có thể buông lời ác ý, nhưng chúng nghe người khác nói nhiều nên cũng bắt đầu gọi theo. Nhưng những lời càng không có ác ý lại càng được nói ra tự nhiên. Chúng trêu chọc tôi như thế đó là một trò đùa vô hại, và tôi càng phản ứng lại thì càng bị trêu chọc nhiều hơn. Cứ như vậy, lũ trẻ con có lẽ mãi mãi không bao giờ biết rằng những lời đùa cợt đó đã khiến tôi tổn thương nhiều như thế nào.
Lúc đầu khi nghe các bạn nói những lời không hay, tôi thậm chí còn không hiểu. Chỉ là một hôm nọ, một người bạn chạy đến nói với tôi rằng: "Hôm nay mày có nickname nha!" Tôi lúc đó thực sự cảm thấy rất vui vẻ, vì mình cũng có nickname rồi, sau bao lâu thì cuối cùng mình cũng được các bạn đón nhận và đặt cho một biệt hiệu để gọi thân thiết. Nhưng biệt hiệu đó, biệt hiệu mà tôi từng ngây thơ nghĩ thể hiện cho sự thân thiết đó, có lẽ vĩnh viễn khong nên có thì hơn. Các bạn gọi tôi là "Tạp chủng". Vì còn là một đứa trẻ, vốn từ của mình chưa nhiều, tôi cứ nghĩ đó là một cái tên dễ thương mà bạn bè đặt cho mình. "Ừ, từ hôm nay tao là tạp chủng nha" - tôi hào hứng với cái tên mới đầy dấu vết của sự miệt thị ấy.
- Mẹ ơi, con có nickname rồi! Các bạn gọi con là tạp chủng đó!
Trải ngược với sự hồ hởi trong lời nói của tôi, mẹ tôi chỉ nghe rồi sững sờ im lặng một hồi. Tôi mơ hồ cảm thấy điều gì kì lạ, mà những điều kì lạ không phải lúc nào cũng rất tốt đẹp. Mắt mẹ dần đỏ hoe, tôi hoang mang không biết mình đã làm gì sai, khiến bà phải khóc. Mẹ chỉ lặng lẽ nắm tay tôi thật chặt nhìn tôi rồi nói:
- Hari ơi, con đúng là tạp chủng. Thế nên con phải sống mạnh mẽ. Con không được phép yếu đuối nhé.
Lời mẹ nói khiến tôi bắt đầu mông lung sợ hãi. Hình như biệt hiệu mà tôi cứ tưởng là thân thiết kia có điều gí đó không ổn. Tra từ điển, tôi mới cay đắng nhận ra mình bị các bạn xúc phạm. Ác ý hay không ác ý không phải là điều tôi lưu tâm lúc đó, tôi chỉ cảm thấy bản thân mình chìm trong sự tổn thương. Hàng đêm, sau khi mọi người trong nhà đã ngủ hết, tôi mới dám lặng lẽ rơi nước mắt một mình. Một phần vì tôi sợ ba mẹ la, một phần tôi cũng không muốn họ phải bận tâm quá nhiều về những chuyện như thế này. Cuộc đời đối với họ cũng đã quá bất công rồi.
Sự tốn thương khiến tôi không muốn đến trường và gặp những bạn bè nữa. Tôi nói với mẹ rằng tôi không muốn đi học. Nhưng biết làm thế nào được, mẹ cũng chỉ an ủi tôi: "Thôi, con ráng đi!". Tôi biết mẹ chẳng thể làm gì để mọi chuyện khác đi, bởi chúng tôi, những đứa con mang hai dòng máu, sinh ra đã buộc phải chấp nhận những điều cay nghiệt như vậy rồi. Đó là bài học đầu tiên tôi lĩnh ngộ được trong đời mình. Trong cuộc đời, có quá nhiều thứ chúng ta không thể chọn lựa, chỉ có thể chấp nhận. Tôi không thể chọn lựa cách mình sinh ra, nhưng tôi sẽ tự mình chọn lựa cách đối mặt với no.
Tôi trốn học. Hàng ngày, tôi vẫn ra khỏi nhà đều đặn vào giờ đi học, lên lớp đầy đủ, nhưng rồi tôi sẽ tìm một lý do nào đó để xin phép về sớm. Câu nói "Hôm nay gia đình con có chuyện, con xin phép về sớm." được tôi thốt ra dễ dàng. Mỗi một ngày trôi qua, toi lại tìm một lý do để không phải tiếp tục giáp mặt các bạn. Nhưng dù có xin phép về sớm đi chăng nữa thì tôi cũng không dám về nhà. Tôi đi lang thang trên đường, tìm một góc chung cư nào đó, hay một con hẻm nhỏ, những chỗ mà không ai để ý, rồi ngủ. Tôi cứ lang thang như vậy, chờ đến vừa vặn giờ tan trường thì lại ôm cặp sách đi về. Cứ như vậy được một thời gian thì ba mẹ tôi phát hiện.
Tôi cuối cùng cũng phải trả giá cho lựa chọn của mình. Trốn học thì sẽ bị bắt, không sớm thì muộn. Phát hiện tôi trốn học ba không tiếc tay cho tôi một trận no đòn, mẹ thì chỉ ngồi đó và khóc. Trận đòn khiến tôi đau, nhưng nước mắt của mẹ lại càng khiến tôi đau lòng hơn. Tôi nghĩ, mẹ vừa buồn vì tôi trốn học, nhưng cũng vừa thương tôi là con lai nên bị trêu chọc đến mức phải chọn cách trốn tránh. Nước mắt của tôi ngày hôm đó, cũng không biết là vì đâu, hay là vì tổn thương trong lòng. Tôi buộc phải quay trở lại trường học bình thường, nhưng cách đối xử của bạn học vẫn khắc nghiệt và ác ý đến mức tôi không thể kìm nén bản thân mình lâu hơn nữa. Tôi rơi vào trạng thái tâm ly rất nặng nề, đỉnh điểm là khi tôi hét lên với những đứa trẻ trêu chọc mình, rằng vì chúng mà tôi không thể học nổi, điều tôi nhận lại không phải là lời xin lỗi nên có mà lại là những lời thách thức trẻ con. Tôi lại quyết định thu dọn tập sách và bỏ lớp. Mệt mỏi vì tổn thương, sợ hãi lẫn tức giận vì những lời trêu chọc, oan ức vì cả thầy cô lẫn ba mẹ đều không thấu hiểu, khoảng thời gian đó với tôi thực sự kinh khủng. Tôi muốn thoát ra khỏi cuộc sống ở nơi đây, bắt đầu một cuộc đời mới, là một con người mới. Tôi muốn ở được đâu đó, nơi mà việc sinh ra là một đứa con lai, không khiến tôi phải khổ sở mỗi ngày như thế này nữa.
BẠN ĐANG ĐỌC
(FULL) Cỏ Hạnh Phúc - Hari Won
No Ficción"Chúng ta mạnh mẽ hơn chúng ta vẫn nghĩ" cuốn tự truyện của c.Hari Won, chia sẽ trên Watt cho những FAN yêu thích chị! Các FAN của chị Hari đâu, vào đọc nha!