[Dàn ý] Mị sau khi về làm dâu

74 1 0
                                    

b, Sau khi làm dâu nhà thống lí

*Cuộc sống hằng ngày của Mị

- Vị trí của Mị trong nhà thống lí.

"ngồi quay sợi gai bên tảng đá, cạnh tàu ngựa": Mị không trò chuyện, giao tiếp với ai.

Hình ảnh "tảng đá" tượng trưng cho tâm hồn câm lặng, tê liệt của Mị.

"cạnh tàu ngựa" vì trên danh nghĩa Mị về làm dâu nhưng mục đích chỉ là để trừ nợ, Mị sống như thân trâu ngựa trong nhà thống lí.

Cách kể khái quát, khách quan "Ai ở xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái" đã khẳng định chắc chắn thân phân của Mị. Dù là người trong làng hay người ở xa về, trong mắt họ, Mị chưa hề bao giờ giống một nàng dâu mà chỉ như một con ở trong nhà thống lí.

Lúc nào Mị cũng "cúi mặt" không muốn ai nhìn thấy mình, không muốn giao tiếp kể cả bằng mắt. Mị câm lặng từ thể xác đến tâm hồn, nhất quán trong từng hành động cử chỉ.

Khuôn mặt Mị "buồn rười rượi", bởi mất tự do, chịu đựng kiếp nô lệ, bị chèn ép, bòn rút sức lao động và sức sống, bị cướp đi niềm vui. Giá mà Mị không phải là người con gái xinh đẹp tài năng, có lẽ Mị cũng đã bằng lòng sống như thế. Nhưng không, chính những phẩm chất mà Mị từng có, đã làm Mị "buồn". Vì bây giờ Mị đã đánh mất, Mị bị cướp mất.

Tô Hoài đã dẫn dắt khéo léo, khái quát mà độc đáo để Mị xuất hiện trong nhà thống lí rất tự nhiên, mở ra gốc gác cũng như thân phận Mị khi làm dâu nhà giàu.

- Công việc của Mị:

Mị làm đủ các công việc nhà nông: hàng ngày "quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên"; hàng năm "Tết xong lên núi hái thuốc phiện; giữa năm thì giặt đay, đến mùa đi nương bẻ bắp"; thậm chí "lúc nào cũng gài một bó đay trong cánh tay để tước sợi". Mị bị bóc lột trên tất cả các phương diện, tất cả thời gian mà Mị có.

Mị tự gắn hình ảnh của mình với những con súc vật được nuôi trong nhà thống lí: "Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa". Những nhà văn nhà thơ khác ví nhân vật của mình với những thứ đẹp đẽ, nâng nhân vật của mình lên vẻ đẹp hoàn mỹ của văn chương thì Tô Hoài để Mị bằng với "con trâu, con ngựa". Ông vật hóa nhân vật của mình, cụ thể nỗi khổ của Mị, nỗi khổ ngậm đắng nuốt cay của phận làm con trâu con ngựa, khổ đến "quen khổ rồi".

Mị thậm chí còn không bằng con súc vật trong nhà thống lí: "Con trâu, con ngựa làm có lúc, đêm còn được đứng gãi chân nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này vùi vào việc cả đêm cả ngày". Hình ảnh Mị dần hiện rõ ra, bị dìm xuống theo mức tăng tiến. Từ đây, Tô Hoài muốn tố cáo chế độ tàn bạo cường quyền đã cướp đi quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người.

- Tâm lí vô cảm, trơ lì, tê liệt khả năng phản kháng: 2 biểu hiện.

1. Sống cuộc đời phi không gian, phi thời gian.

Mị cảm nhân thời gian bằng công việc lặp đi lặp lại, không còn khái niệm về năm tháng. Mị chỉ nhớ về "những công việc giống nhau, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại". Mị lấy cái chết để đo những ngày đang sống, "đến bao giờ chết thì thôi". Đối với Mị, giờ đây Mị chỉ còn đang sống nốt những ngày chưa chết được, Mị không còn mong mỏi hay khao khát gì với đời nữa.

Mị sống trong căn buồng tối tăm, lạnh lẽo: "Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng." Sự tù túng, công việc triền miên, đã làm Mị không còn nhận thức về không gian, ngày và đêm. Kể cả không gian ở căn buồng, hay không gian trong tâm hồn Mị, nó cũng kín mít, chật hẹp, đen tối, mất tự do. Hình ảnh "căn buồng" tượng trưng cho hiện thực tàn khốc, tù túng của Mị, giam cầm Mị khỏi tất cả những biến đổi bên ngoài, từ không gian, hình ảnh.

2. Sống cam chịu, buông xuôi, lặng lẽ

Mị vô cảm với cái khổ của chính mình, không thiết sống cũng chẳng thiết chết: "Ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi."

Mị đồng nhất mình với loài vật: "Mị tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa.". Cái "tưởng" của Mị là chấp nhận như một điều hiển nhiên, chấp nhận thân phận rơm rác, bị đày đọa.

Mị sống âm thầm từ ngày này qua tháng khác, "lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa". "Con rùa" Mị khép kín trong cái mai, cái suy nghĩ cam chịu, nhịn nhục và bị cầm tù trong "xó cửa" gia đình nhà thống lí. "Con rùa nuôi trong xó cửa" đã khái quát toàn bộ hình ảnh Mị bị trói buộc từ nội tâm đến thực tại. Qua những trang văn, Tô Hoài cảm thương cho số phận những người dân lao động bị áp bức, thấp cổ bé họng trong xã hội thực dân nửa phong kiến.

=> Từ một cô Mị giàu khát vọng sống, yêu đời, mạnh mẽ tự chủ giờ đây Mị phó mặc, buông xuôi cho cái ác hành hạ. Suy nghĩ buông xuôi, phó mặc của Mị đã tố cáo cái ác, sức tàn phá của cường quyền, tố cáo bọn phong kiến tay sai thực dân.

Tài liệu ôn thi NLVH 12 - Cập nhật - mtknNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ