3. Nhân vật người vợ nhặt
a, Trước khi trở thành vợ Tràng:
- Thị không có lai lịch, tên tuổi, lúc được gọi là "thị", lúc là "cô ả", lúc là "người đàn bà". Sau khi đồng ý làm vợ Tràng, thị mới có lai lịch là vợ Tràng, con dâu cụ Tứ.
- Dáng vẻ thị tàn tạ bởi cái đói: "thị rách quá, quần áo tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt."
- Công việc của thị: ngồi vêu ra ở cửa nhà kho thóc, "ngồi đấy nhặt hạt rơi vãi, hay ai có công việc gì gọi đến thì làm."
=> KL miêu tả thị, một người đàn bà vô danh, hạng cùng đinh mạt rệp, không nghề nghiệp, tàn tạ như bao người năm ấy. Ông đã thực tả cái gầy vêu vao của thị, cái ngoại hình bị cái đói cào quật. Ông không nhấn mạnh thị xấu hay đẹp mà nhấn mạnh thị là nạn nhân của cái đói. Cái đói đã làm sinh mệnh con người trở nên bấp bênh, rẻ rúng, lúc nào cũng phải kề cổ liềm đao cái chết.
*Cuộc gặp gỡ của thị với Tràng:
- Lần thứ nhất: Thị tỏ ra là người sắc sảo, đáo để, lả lơi cong cớn.
Vì đói khát thị tin ngay vào mấy lời hò vu vơ của Tràng, nhưng vẫn cong cớn hỏi vặn lại: "Có khối cơm trắng mấy giò đấy! Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy?" Cách nói "nhà tôi ơi" xuồng xã thân mật, thị cũng biết đùa và sẵn sàng ghẹo lại Tràng.
Hành động "ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng" là hi vọng kiếm ăn của thị trong ngày đói.
=> Cái đon đả cười tình của thị thực chất là để giúp mình, cứu mình. Thị chủ động mưu sinh để giành lấy cơ hội sống.
- Lần thứ hai: thị sầm sập, sưng sỉa đòi ăn cho kì được.
Vừa nhìn thấy Tràng, thị "sầm sập chạy đến", thị không đòi ăn ngay giữa chợ tỉnh mà mắng Tràng bội bạc, bóc mẽ vẻ ngoài tử tế của Tràng: "Điêu! Người thế mà điêu!"
Thị từ chối luôn lời mời ăn trầu rất lịch sự từ Tràng: "Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu." Điều thị cần bây giờ không phải là ăn trầu uống chè để kết bạn làm quen mà là ăn để duy trì sự sống.
Khi được Tràng đồng ý cho ăn, thị hỏi lại như không tin và nhanh chóng bắt lấy cơ hội, sợ Tràng đổi ý: "Ăn thật nhá. Ừ ăn thì ăn sợ gì." Thị sà xuống "cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở".
=> Đây là dáng ăn kém duyên, nó cũng làm nổi bật cái đói cồn cào, bản năng sinh tồn, lòng ham sống của thị. Thị không quan tâm cái nhìn của người khác về mình vì lúc này, chỉ có chuyện sống chết là quan trọng. Chính cái đói đã làm biến dạng tính cách của một con người, làm mất đi nét duyên dáng, lòng tự trọng của một người phụ nữ.Khi Tràng đùa chào ra về: "Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về." Thị tin ngay, cùng Tràng về nhà. Cái chết đã gần kề thì thị liều với số phận, nhắm mắt đưa chân đi theo Tràng, niềm tin chỉ bằng "bốn bát bánh đúc", dù nó thật mong manh.
=> Thị có ý thức bám sống mãnh liệt.b, Sau khi trở thành vợ Tràng
- Khi đi trên đường:
"Thị cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt"
=> Dáng vẻ ngại ngùng, e lệ của thị khác hẳn với người phụ nữ chanh chua ở chợ. Đây là nét duyên của cô dâu mới về nhà chồng.Khi biết mọi người bình phẩm, dồn mọi sự chú ý về phía mình, "thị càng ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia."
=> Trong dáng đi của thị có cả sự thương thân tủi phận khi đưa chân theo Tràng, buổi đầu đi cùng Tràng về nhà cũng tính như buổi đưa dâu.- Khi về đến nhà:
Nhìn thấy "cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại. Thị đảo mắt nhìn xung quanh, cái ngực gầy lép nhô lên, nén một tiếng thở dài."
=> Niềm hi vọng tương lai mà thị vừa đánh liều nhen nhóm lên lập tức bị dội vào một gáo nước lạnh. Thị hiểu, cả thị và Tràng đều là dân ngụ cư, đều khốn khó đói nghèo như nhau, cùng đang cận kè cái chết. Tiếng thở dài được nén lại vì thị quyết định bước vào cuộc đời Tràng, cùng Tràng đồng cam cộng khổ. Có câu: "Trai làng ở góa còn đông/ Cớ sao em lại lấy chồng ngụ cư". Nếu Tràng liều mình đem thị về, thì thị cũng liều mình mà ở lại. Đó là quyết định giàu tình nghĩa của thị.- Khi vào trong nhà:
Thị "ngồi mớm xuống mép giường", rụt rè, bẽn lẽn.
Thị chào cụ Tứ là "u", xưng "con" đầy tôn trọng, lễ phép, ra mắt bà mẹ chồng nghèo. Thị khép nép, "cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt."
=> Lúc đầu thị đi theo Tràng vì cái ăn, sự sống, nhưng trong sâu thẳm thị cũng mong có một mái nhà, một gia đình trọn vẹn. Tình cảm gia đình đã kéo phần người thị trở lại, làm vợ hiền dâu thảo, hiền hậu đúng mực, không còn chao chát chỏng lỏn.
- Trong buổi sáng hôm sau:
Thị dậy sớm, quét tước, dọn dẹp đem sinh khí đến cho ngôi nhà. Chi tiết "tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất" cho thấy thị là người phụ nữ biết lo toan vun vén cho gia đình.
Trong bữa ăn, thấy nồi cháo cám, "hai con mắt thị tối lại" nhưng thị vẫn "điềm nhiên và vào miệng."
=> Đây là thái độ chấp nhận hoàn cảnh khốn khó của gia đình, cũng là cách ứng xử đầy vị tha. Thị không muốn niềm hi vọng của mẹ chồng vừa nhóm lên lại bị dập tắt một cách phũ phàng.Nghe tiếng trống đánh thúc thuế, thị ngạc nhiên rồi kể câu chuyện về những người đi phá kho thóc Nhật ở mạn Thái Bình, Bắc Giang.
=> Thị có khát vọng sống và đã gieo vào Tràng con đường thoát nghèo thoát chết. Bản năng sinh tồn cùng tình cảm gia đình khiến thị luôn gần với không khí hừng hực của Cách mạng. Rồi thị sẽ đến với Cách mạng như một đều tất yếu như cách thị đến với Tràng, với gia đình mà thị mới có được.