Ngụy Khiêm từng ảo tưởng rằng một ngày kia sẽ có phóng viên phát hiện ra gã và hai đứa em sống như những con chó trong khu ổ chuột này, sau đó phóng viên sẽ chụp mấy tấm ảnh, đặt một đầu đề mắc ói là "Thiếu niên có chí làm thuê cho hai em đến trường, đôi vai non nớt gồng gánh cả gia đình", khiến người ta phải rơi nước mắt, rồi sẽ có cơ quan nhà nước đến cho tiền, vô số người giàu nứt đố đổ vách quyên trợ, mà gã thì chỉ cần cầm tờ chi phiếu kếch xù lên TV chụp chung một tấm với họ là được.
Thế nhưng, trên TV ngày nào cũng đưa tin "sinh viên nghèo khổ", "học sinh trung học nghèo khổ", "học sinh tiểu học nghèo khổ", vậy mà chẳng một ai tìm đến anh em Ngụy Khiêm.
Đại khái là thời bấy giờ người nghèo quá nhiều nên lên TV cũng cần xếp hàng quay số như mua xe sau này(1).
Sắp đến cuối kỳ, thời tiết ngày càng lạnh hơn, tinh mơ ra ngoài trời còn chưa sáng, Ngụy Khiêm cưỡi xe đạp đi sớm về khuya.
Gã không có bao tay, lúc đến trường hai tay lạnh cóng muốn mất hết cảm giác, đành phải vừa cúi đầu chạy lên lầu vừa xoa tay liên tục.
Hôm nay, lúc lên lầu vừa vặn đụng phải cô chủ nhiệm, cô chủ nhiệm là một cô giáo trung niên họ Lý, bình thường cực tốt với gã – học sinh chăm ngoan, thành tích tốt thêm thái độ nhún nhường không gây chuyện như Ngụy Khiêm, nếu vừa hay tràn đầy sức sống, giáo viên lại là nữ, thì trên cơ bản nhất định là loại đặc biệt được thầy cô cưng.
Cô Lý gọi gã lại: "A, vừa hay gặp được một cậu bé, mau qua đây giúp cô vác đồ đi!"
Ngụy Khiêm giúp cô xách hai mươi cân gạo và hai thùng dầu nhà trường mới phát đến thẳng phòng làm việc, cô Lý cười ha hả hỏi: "Em ăn sáng chưa?"
Ngụy Khiêm dừng một chút rồi lắc đầu.
Cô Lý lấy một cái bánh mì và một cây xúc xích trong hộc bàn đưa cho gã: "Buổi sáng lại dậy muộn nhỉ, em cầm mà ăn."
Ngụy Khiêm xấu hổ cười cười, nhận lấy rồi cảm ơn.
Cô Lý không hề biết hoàn cảnh gia đình gã, khi đó học sinh cấp ba đều mặc đồng phục, tụi con trai trừ cá biệt có đứa thích sạch sẽ, thì tất cả đều lôi thôi lếch thếch chẳng khác gì nhau, cặp hàng hiệu và cặp bán rong đều căng phồng không nhận ra hình dạng ban đầu, xin nữ sinh cái hộp khoai tây chiên đã ăn hết, rửa sạch bỏ lên bàn là thành ống đựng bút.
Lúc ấy giữa người với người bình đẳng đến bất ngờ, thoạt nhìn không thể nhận ra đứa nào là con trai thị trưởng, đứa nào là trẻ mồ côi phải đi làm mới tạm đủ sống.
Khi khai giảng trên bản điều tra hoàn cảnh gia đình có cột đơn vị công tác của cha mẹ, Ngụy Khiêm nhìn chằm chằm ô trống đó rất lâu, cuối cùng viết đại hai chữ "cá nhân"...
Đằng nào cũng chẳng có ai hỏi gã là cá nhân sống hay cá nhân chết.
Cô Lý kiễng chân vỗ vai dặn dò gã: "Mau đi đi, hôm nay thứ Hai, chuẩn bị xong bài phát biểu chào cờ rồi chứ, mau quay về xem lại vài lần, đừng để lát nữa quên mất."
Bài phát biểu chào cờ do mỗi lớp cắt cử học sinh lên là truyền thống cũ của trường, trước khi lên bục Ngụy Khiêm không cầm được lòng ưỡn thẳng lưng – không phải gã hồi hộp, mà là tối qua lúc đánh nhau đã trúng một gậy vào lưng, sáng dậy thấy bầm tím, rất đau.
BẠN ĐANG ĐỌC
[Đam mỹ] Đại Ca - Priest
RandomCredit: thuyluunien.wordpress.com _____________________________ Gã thiếu niên Ngụy Khiêm, mười ba mười bốn tuổi không cha không mẹ, đèo bòng thêm con em cùng mẹ khác cha, cuộc sống khó khăn, đã thế lại còn nhặt được một thằng nhãi lang thang mặt dày...