Bỏ Vợ

79 2 0
                                    

Đàn ông họ không bao giờ biết thoả mãn với những gì họ đang có. Khi tiền tài, địa vị đã có trong tay họ lại muốn nhiều hơn thế nữa. Một gia đình hạnh phúc vợ đẹp con ngoan vậy mà thích đèo bồng vợ một vợ hai, để rồi chẳng được vợ nào. Chính lòng tham vô đáy là thứ thuốc độc không màu không mùi không vị giết chết họ một cách ghê gớm nhất. Đó là câu chuyện của thầy ký Bình đây...

Sài Gòn những năm Pháp thuộc. Có gia đình thầy Bảy bóc thuốc Nam chữa bệnh có cô con gái tên Huyền đẹp người đẹp nết, đảm đang khéo léo. Khi cô Huyền vừa tròn đôi mươi được một người bạn của cha là thầy Phán làm mai cho cô một người đàn ông - đó là thầy ký Bình tướng mạo phong lưu, chữ nghĩa đàng hoàng. Cả hai kết tóc se duyên và có một đứa con trai tên Nghiệp. Lúc đứa bé được một vài tuổi thầy ký xuống Mỹ Tho nhận chức biện lý. Cô Huyền vì chữ hiếu mà cùng con trai ở lại Sài Gòn với cha già.

Người ta nói xa mặt cách lòng quả không sai. Là đàn ông khi xa vợ nhà, một mình làm việc nơi xứ lạ không tránh khỏi sự lăng nhăng này nọ. Thầy ký thay lòng đổi dạ, mới xuống Mỹ Tho nhận việc chừng nửa năm thầy đã chấp nối duyên tình, đặng nghĩa vợ chồng, san sẻ yêu thương cùng người đàn bà khác. Trong khi cô Huyền vẫn còn là vợ trên hôn thú.

Mấy tháng đầu, thầy ký Bình còn hay thư từ về cho vợ, nhưng có hơn một tháng không thấy tin tức gì của chồng cô Huyền cảm thấy hơi lo. Cô khăn gối xuống tận Mỹ Tho tìm chồng. Sau một hồi dọ hỏi nhà thầy Cai - nơi chồng mình ở nhờ để làm việc, cô đã tìm đến nhưng ra tiếp cô là một người phụ nữ tuổi chừng cỡ cô không hơn bao nhiêu. Dường như Huyền đã nghe được điều gì về chồng mình và người đàn bà này nên có ý dò xét. Qua phút trao đổi được biết cô ta tên Hương - một người đàn bà goá chồng, có hai mặt con, nhưng nhan sắc vẫn còn mặn mà tươi trẻ. Vậy mà thầy ký lại phải lòng phải dạ người ta. Nhưng nói đúng ra, thầy ký cũng chẳng gian dối điều gì, việc thầy đã có vợ cô Hương cũng biết. Nhưng đã lỡ vương thương nhớ rồi cô cũng đành chấp nhận thân lẻ mọn.

Trước sự thật phũ phàng này, Huyền nuốt sầu nuốt tủi, chẳng khóc lóc van xin hay làm ầm làm ỉ. Dù chứng kiến cảnh chồng mình ở nhà người ta, gọi người ta một tiếng mình hai tiếng mình thân mật. Cô giận đến tím ruột bầm gan cũng không một câu mềm yếu để bị coi thường. Vì một khi thầy ký đã thay đổi không còn yêu thương cô nữa thì có cầu xin thầy trở về trái tim cũng chẳng còn nguyên vẹn. Thà cô chấp nhận cuộc sống cô lẻ chứ là đàn bà con gái ai lại chịu kiếp chồng chung đem ân tình xẻ bảy chia ba cùng người phụ nữ khác.

Nhìn chồng chặt lòng chặt dạ muốn một kiểng hai quê, Huyền còn biết làm gì hơn đành dâng chồng cho người. Nói thì nói vậy, nhưng trong bụng cô cũng muốn cho chồng một cơ hội. Thời gian một tháng cho thầy suy nghĩ, nếu còn thương cô thì phải bỏ người ta trở về còn như thầy không về cô có đi bước nữa với ai khác thì cũng là điều phải. Chỉ ngắn gọn bấy nhiêu thôi, Huyền quay đi bước vội ra ngoài với tâm trạng rối bời lòng đau như cắt. Thầy ký cũng chẳng hơn cô là bao, nhưng biết làm sao được "bỏ thì thương, vương thì tội". Hương nhìn theo cũng ngậm ngùi lo sợ....

Đã hơn một tháng, thầy ký không về, Huyền cũng đã tường cái bụng của thầy. Nghe cha và thầy Phán tính cho cô thêm bước nữa đặng có người đàn ông bên cạnh mà cùng cô lo dạy con cái. Cô Huyền cũng không phản đối gì, cô chấp nhận một phần vì "hận" cái thói đời bội bạc, một phần là muốn cho người ta thấy không có người ta cô cũng sống tốt đó thôi. Thợ máy Cang một người đàn ông hiền lành chân chất đã để ý thương Huyền từ lâu mà không dám tỏ lòng mình, đến lúc cô lên xe hoa cùng người khác mà xin ra uẩn uất. Nay nghe cô lỡ dở tình duyên, bị chồng chối bỏ, anh tình nguyện dang rộng đôi tay ra để bảo bọc mẹ con Huyền hết quãng đời còn lại.

BẢN TÌNH CA CÒN ĐÓNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ