nmk của 1 tháng trước khi thi đại học

12 0 0
                                    

vừa trải qua vòng thi thử của sở, tớ nhận ra bản thân còn nhiều thiếu sót quá. tớ có tiếc không, có buồn không?! thật lòng câu trả lời là không bởi tớ đã làm đúng những câu mình biết làm. tớ cũng không buồn, chỉ tủi vì kiến thức cũng như năng lực có hạn.

bố và mẹ đều nói thi đại học là một điều tất yếu trong sự phát triển của mỗi người, không thể cắt một lát thời gian hay khoảnh khắc này ra để đánh giá năng lực của cả một tương lai phía trước hay phần đời còn lại. điều quan trọng là con đã cố gắng trong mọi khả năng và may mắn, tận hưởng quá trình của mình. kết quả cần thiết thật đấy nhưng nếu để khắc ghi và ấn tượng thì tớ sẽ nhớ đến quá trình tạo ra thành quả nhiều hơn.
còn nữa, kỉ niệm đâu nhất thiết phải đẹp. cho nên điểm thi (kết quả) không tốt đâu có nghĩa là xấu. vả lại cuộc sống diễn ra theo ý muốn, viên mãn (cầu được ước thấy) chưa chắc đã thỏa mãn con người. đôi khi cuộc sống như vậy khá đơn điệu và tẻ nhạt. phải có thất bại, đắng cay mới là vị đời chứ nhỉ. nhưng mà sau đó ta rút ra được phải trái, lỗi lầm, thiếu sót trong đó để cải thiện, phát triển. có vấp ngã mới cứng cáp được.

đâu ai biết sẽ có bi kịch nào đột ngột xảy ra cắt ngang cuộc đời bởi vậy hãy cứ tiếp tục sống, tận hưởng và làm việc một cách ý thức, không hổ thẹn với lương tâm. nói ngắn gọn là be present (sống ở hiện tại), sống sao cho khỏi tiếc nuối vì đã sống hoài sống phí.

tớ gần đây xem một bộ phim có tên 'Xin chào Lý Hoán Anh', trong đó chị nhân vật chính không xuất sắc trong việc học để mẹ buồn lòng, nhưng rồi một bi kịch xảy ra khiến mẹ chị nhập viện vào cái ngày chị nhận giấy báo điểm thi đại học. chị được quay về quá khứ, cái thời mẹ chị còn trẻ.

tớ chợt nghĩ, có phải mình đã bỏ lỡ điều gì đó không. mẹ chị nhập viện là do một tai nạn bất ngờ nhưng đối chiếu với thực tế cũng không khác là bao nhỉ. nhưng khác biệt ở chỗ chị ấy được quay lại quá khứ còn ta nếu rơi vào trường hợp đó thì ngoài khóc lóc nuối tiếc ra chẳng làm gì được. ừ con người hài hước như vậy đấy, có không giữ mất mới tìm. tiếc vì không dành thời gian yêu thương, quan tâm mẹ nhiều hơn, đau vì đã làm mẹ phiền lòng,... rồi chỉ có thể ước nguyện cầu mong mẹ sớm tỉnh lại, hứa sẽ ngoan ngoãn, yêu mẹ nhiều hơn.

cuộc sống thật vòng vèo và chùng chình ở những cái biết nhưng không làm để rồi hối hận. chúng ta cũng chỉ hơn nhau ở sự tỉnh táo nhận thức.

lảm nhảm vậy chắc có mỗi tớ hiểu thôi nhỉ. nói chung tớ thấy, chỉ đến khi mất hoàn toàn một điều thân thuộc thì con người mới thoát ly khỏi những cái ngỡ là quan trọng nhất. như kì thi đại học này đi, quan trọng đấy nhưng không phải là nhất, quan trọng hơn là gia đình, là sức khỏe. bố mẹ không bắt tớ phải lên top làm gì cả, bố mẹ chỉ nhắn tớ kiên trì học tập để có tương lai tốt đẹp hơn. không đè nén, không áp đặt.

tựu chung lại phụ huynh chỉ mong con hạnh phúc hơn cuộc đời vất vả của họ mà thôi, nên dù con có điểm không được như con nhà người ta cũng không sao, chỉ cần con nhận thức được hướng đi của mình và tiếp tục đi đúng hướng đến cuối con đường là bố mẹ sẽ ở bên hỗ trợ hết khả năng. và cũng chỉ có bố mẹ mới làm được điều tuyệt vời đó thôi. nghĩ lại thì mình cũng ấm áp vì chưa làm gì tổn thương sâu sắc tới bố mẹ, gia đình hòa thuận, êm ấm.

tóm lại dài dòng như vậy cũng chỉ để diễn giải cho một suy nghĩ biết trân trọng hiện tại, làm hết khả năng để không tiếc nuối ân hận.
chợt nhớ đến vài dòng thơ của 'tố hữu': 
         nếu là con chim chiếc lá
thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh

*

cô 'nguyệt' hỏi có muốn trưởng thành chưa?! tớ không biết nữa, nửa muốn nửa không. muốn lớn nhưng vẫn luyến tiếc tuổi nhỏ được làm nũng với mẹ. mà trưởng thành thì đi với những vấp ngã rồi, thi đại học này có ngã cũng không sao, kiên trì nhẫn nại thì ông trời sẽ không phụ. nếu không thể một sải bay cao thì tớ từng bước chậm hơn đi lên chạm tới ước mơ cũng gọi là thành công rồi.

điều này rút ra từ người dì yêu quý của tớ. dì chăm chỉ miệt mài nhưng không đỗ đại học, chỉ đỗ được cao đẳng sư phạm nhưng dì nhất quyết không chịu. chắc không phục. dì vẫn quyết tâm miệt mài dùi kinh mài sử 3 năm sau thi lại nhưng vẫn chỉ đỗ được cao đẳng. thôi có lẽ sức mình chỉ có thế, không cạnh tranh được lớp trẻ đang lên nên dì vào học cao đẳng. sau đó ra trường dì có luôn công việc ở trường cấp hai gần nhà. dì tiếp tục học lên đại học, trong quá trình đó lấy chồng, sinh con. sau đó dì thi đỗ công chức trong khi có nhiều người khác giỏi hơn lại trượt.
cuộc sống của dì rất ổn định, hai vợ chồng đều là nhân viên công chức lương không nhiều nhưng nuôi được gia đình, dư dả cho con sống tốt cả về vật chất lẫn tinh thần.

tuy không được như mong muốn nhưng dì vẫn quyết tâm từng bước đi lên đạt tới mục tiêu ban đầu. dì đã làm được nên tớ tin rằng bản thân cũng có thể. đừng vì không đỗ nguyện vọng  mong muốn mà chán nản, hãy bền bỉ, nỗ lực theo con đường đã chọn mà tiến lên.

nếu ví kì thi đại học này như một cuộc chạy đua marathon thì có lẽ tớ sẽ bị bỏ xa, các bạn có thể đến đích trước, nhưng chỉ cần tớ không từ bỏ, dẻo dai chạy bền thì vẫn cán đích thôi.
có lần hỏi tại sao dì không đi học lên thạc sĩ, cháu thấy mọi người đều có bằng thạc sĩ thì dì bảo không quan trọng lắm với cả dì cũng không có thời gian nhiều. cũng phải thôi nhỉ!

regular show (chương trình thường nhật)Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ