I. A. Shatrov: "Trên Núi Đồi Mãn Châu"

2.1K 159 16
                                    


Mãn Châu mùa thu năm 1945 là nơi chìm trong vòng khói lửa.

Cuộc thế chiến đã nung chảy cả thế giới trong lò lửa chiến tranh đã gióng lên những hồi chuông kết thúc. Hai quả bom nguyên tử được không quân Hoa Kì thả xuống hai thành phố trên Đế quốc Nhật, mở đầu kỉ nguyên hạt nhân. Gần như cùng thời điểm ấy, Liên bang Xô Viết tiến hành một chiến dịch quân sự lớn nhằm vào quân Nhật ở Mãn Châu, Trung Quốc. Chỉ trong vòng một tháng, nơi đây biến thành trận địa khốc liệt và đẫm máu, mùi thuốc súng nồng nặc. Khắp Mãn Châu đầy ắp Hồng quân Liên Xô với bóng quốc kỳ đỏ thắm, thay thế cho lá cờ mặt trời mọc của đế chế sắp tàn lụi.

Nhưng quân đội Đế quốc Nhật Bản nổi tiếng với tinh thần dân tộc cực đoan và không chịu khuất phục. Dù thất bại thê thảm, nhiều toán quân vẫn không chịu đầu hàng mà tiếp tục chiến đấu, thậm chí lại càng cuồng chiến hơn bởi nỗi hổ nhục bại trận. Là một người Trung Quốc từng sống dưới ách đô hộ của Đế quốc Nhật, Chung Ly hiểu rõ khi bị dồn đến đường cùng họ có thể trở nên tàn bạo đến mức nào. Mùa thu năm ấy, anh là một trong những tốp Quân Giải phóng Trung Quốc được điều động từ Bắc Bình (1) đến Mãn Châu để phối hợp với quân Liên Xô và quân Mông Cổ đánh đuổi quân Nhật. Anh đã phải chứng kiến những tội ác tày trời của quân địch - những kí ức kinh hoàng tiếp tục hằn sâu trong tâm trí anh khiến anh không bao giờ còn như trước được nữa.

(1) Bắc Bình là tên gọi cũ của Bắc Kinh trong giai đoạn 1928 - 1949.

Mỗi khi nhắc lại thời chiến tranh, sẽ có những cái tên hiện lên làm anh đau đớn. Nhưng kí ức lần này ở Mãn Châu thì không có tên. Anh không hề biết tên những người ngoại quốc xấu số đó khi anh tìm thấy thi thể của họ trong một khu rừng ở Liêu Ninh, Mãn Châu, có lẽ là một gia đình tị nạn người Nga. Căn nhà tồi tàn đang cháy dở, tường gạch vôi vữa lở ra, văng tung toé. Có xác chết của một đàn ông, một phụ nữ trung niên, một thiếu nữ trẻ, hai cậu bé, thậm chí đến cả đứa nhỏ ẵm ngửa mà kẻ thù còn không tha - tất cả đều nằm trong vũng máu lênh láng còn chưa khô kịp. Cả một gia đình đã bị giết sống như thú vật, cảnh tượng đó khiến anh suýt nôn mửa.

Đây không chỉ là tội ác chiến tranh bình thường, mà còn là một sự trả thù. Một sự trả thù dã man.

Thế nhưng anh vẫn cố dằn lòng xuống, đi kiểm tra từng cái thi thể một để dò ra dù chỉ chút xíu dấu hiệu của sự sống.

Và đó là lúc anh tìm ra cậu bé mà sau này được biết đến với cái tên Tartaglia. Nó nằm lẫn trong một bụi cỏ cao đã cháy xém, tay ôm chặt một đứa bé con trong tư thế bảo vệ. Đứa bé đã chết hẳn, nhưng khi Chung Ly lùa tay vào cổ thằng anh nó thì thấy hãy còn thoi thóp thở, mặc dù bị thương khắp người. Có một vết bầm rất lớn trên đầu thằng bé, có lẽ nó đã bị kẻ địch dùng báng súng đánh vào đầu và tưởng là đã chết rồi. Nếu như Chung Ly không đến sớm mà cứ để mặc nó đấy, chắc chắn nó sẽ chết thật.

"Cùng đưa em khỏi đây nào, cậu bé người Nga." Anh lẩm bẩm, gỡ nó ra khỏi đứa bé sơ sinh đã chết một cách khó khăn như tách rời một đứa trẻ khỏi con búp bê trân quý nhất trần đời, dùng băng sơ cứu cho nó và bế nó lên vai. "Không còn lại gì cho em ở đây nữa rồi..."

[TartaLi] Bản giao hưởng Mát-xcơ-va.Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ