F. Mendelssohn: "Giấc Mộng Đêm Hè"

2.4K 164 26
                                    


"Giấc Mộng Đêm Hè" là một tựa khúc sáng tác năm 1826 của nhà soạn nhạc người Đức F. Mendelssohn, dựa trên vở kịch cùng tên của nhà viết kịch người Anh W. Shakespeare. 




Những buổi biểu diễn của Chung Ly không phải lúc nào cũng diễn ra ở thính phòng bề thế và sang trọng. Đôi lúc, tiếng vĩ cầm của anh cũng cất lên trong những nhà máy Liên Xô cao lớn lừng lững đã trở thành đặc trưng của một thành phố công nghiệp Mát-xcơ-va hiện đại.

Sáng hôm ấy, anh được mời đến biểu diễn tại một buổi sinh hoạt văn hoá ở một nhà máy sản xuất bánh kẹo. Lần này anh không chơi những bản nhạc bác học và cao siêu nữa, mà thay vào đó là những giai điệu du dương và gần gũi. Ban đầu, những người công nhân Nga cao ráo, cổ tay thơm mùi sô-cô-la hãy còn e ngại anh, bởi anh là một nghệ sĩ vĩ cầm tầm cỡ thế giới và khuôn mặt anh gây ấn tượng ban đầu tương đối đáng sợ - đặc biệt là đôi mắt vàng với đường viền đỏ. Nhưng dần dà, nỗi e ngại đã được thay thế bởi lòng yêu mến nhiệt thành khi họ thấy anh không hề tỏ ra cao ngạo và xa cách, chẳng những vậy âm nhạc của anh không hề kén người nghe, mà vô cùng rộng lớn và hướng tới mọi đối tượng. Họ còn cao hứng đến độ đồng loạt vỗ tay theo nhịp, thậm chí là hát theo tiếng vĩ cầm. Buổi biểu diễn mãn nguyện ngoài mong đợi, Chung Ly được tặng rất nhiều sô-cô-la Nga, và hôm ấy anh tuyệt nhiên không lấy một xu tiền công nào. Anh định bụng khi về nhà sẽ đưa sô-cô-la cho Hồ Đào, con gái anh hẳn sẽ vô cùng thích chúng.

Buổi diễn vừa kết thúc, một nữ công nhân trẻ vội vàng chạy đến chỗ anh. Trên tay cô là... một lẵng hoa hồng trắng.

"Có... có ai đó gửi cái này cho anh." Đứng trước Chung Ly, cô nàng dường như hồi hộp đến nghẹt thở. Vừa chạm phải đôi mắt vàng kì dị của anh, cô bèn nhanh chóng quay mặt đi. "Tôi thấy lẵng hoa này được đặt ngoài hành lang nhà máy. Không... không thấy người gửi đâu, chỉ thấy một tấm thiệp nhỏ ghi tên anh, bên dưới là ký tự tiếng Trung rất lạ..."

Chung Ly cảm ơn cô gái, đỡ lấy lẵng hoa hồng, im lặng nhìn nó đăm đăm.

Anh còn lạ gì những bông hoa này nữa. Những anh chị em của chúng vẫn còn đang toả hương thơm lừng trong lọ hoa nhà anh, luôn luôn chào đón anh trước phòng nghỉ sau mỗi buổi diễn. Có vẻ như ai đó không chỉ trân trọng những buổi hòa nhạc hào nhoáng ở nhà hát lớn, mà trân trọng tất cả những lần anh đem âm nhạc đến cho mọi người.

Chung Ly ôm lẵng hoa đi ra ngoài nhà máy. Tuyệt nhiên chẳng có gì ngoài cái tổ hợp công nghiệp xi măng cốt thép rộng mênh mông với công nhân đi lại nườm nượp. Anh lại đi ra xa hơn nữa, ra tận bãi đỗ xe. Và rồi anh thấy hắn, ngồi một mình trong chiếc xe Volga GAZ đen bóng đậu ngay bên dưới tấm biển áp-phích tuyên truyền sặc sỡ kiểu Liên Xô kèm dòng chữ đỏ chói: "Bằng tất cả sức mạnh của công nhân Xô Viết." Màu đen của chiếc xe hơi và gam đỏ của tấm áp phích tạo nên một sự tương phản màu sắc gay gắt và sắc lạnh.

Tartaglia đang chống tay lên cửa xe, chăm chú nghe cuốn băng cassette quay một giọng ngâm thơ tiếng Pháp trong đài, trên sống mũi cao và mảnh của hắn là một cặp kính râm. Bài thơ tiếng Pháp vốn là tín hiệu mã hoá được thu lại từ đài phát thanh của một nước thuộc phe đối địch, và Tartaglia - một kẻ chẳng đam mê gì thơ Pháp - phải tua đi tua lại cái giọng đọc thơ dài lê thê và đầy âm mũi ấy hòng mò ra mật mã. Cái công việc tẻ ngắt này chỉ bị gián đoạn khi hắn thấy Chung Ly xách lẵng hồng trắng tới gần.

[TartaLi] Bản giao hưởng Mát-xcơ-va.Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ