Chương 2: Biến Cố

255 17 8
                                    

Đinh Sửu, Quang Thái năm thứ mười, (Minh Hồng Vũ năm thứ ba mươi). Mùa xuân tháng giêng, sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sư lệnh Đỗ Tỉnh đi xem đất và đo đạc động An Tôn phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, mở đường phố, có ý muốn dời kinh đô đến đó, tháng ba thì công việc hoàn tất.

Khu mật chủ sự Nguyễn Nhữ Thuyết dâng thư can, đại ý nói:

"Ngày xưa nhà Chu, nhà Ngụy dời kinh đô đều gặp điều chẳng lành. Nay đất Long Đỗ có núi Tản Viên, có sông Lô nhị , núi cao sông sâu, đất bằng phẳng rộng rãi. Từ xưa các bậc đế vương mở nền dựng nước, không đời nào không lấy đất làm nơi sâu gốc bền rễ. Xin nghĩ lại điều đó, để làm thế vững vàng cho nước nhà. An Tôn đất đai chật hẹp, hẻo lánh, ở nơi đầu non cuối nước, hợp với loạn mà không hợp với trị. Cho dù dựa vào thế hiểm trở thì đời xưa đã có câu: "Cốt ở đức chứ không cốt ở hiểm".

Quý Ly không nghe.

Mùa hạ tháng tư, đổi trấn Thanh Hóa thành trấn Thanh Đô.

Mùa đông, tháng mười một, Quý Ly bức vua dời kinh đô đến phủ Thanh Hóa .

Mậu Dần, Quang Thái năm thứ mười một, mùa xuân tháng ba ngày mười lăm, Lê Quý Ly bức vua phải nhường ngôi cho hoàng tử An.

Hoàng thái tử An lên ngôi ở cung Bảo Thanh, đổi niên hiệu là Kiến Tân năm thứ nhất. Đại xá. Tôn Khâm Thánh hoàng hậu là Hoàng thái hậu.

Khi ấy thái tử mới lên ba tuổi, nhận truyền ngôi không biết lạy. Quý Ly sai thái hậu lạy trước cho thái tử lạy theo.

Quý Ly tự xưng là Khâm Đức Hưng Liệt Đại Vương. Nhiếp chính.
(Trích Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

Kiến Tân năm thứ hai, Thanh Đô.

Chớp giật ngang trời, sấm vỗ đùng đoàng trên nền trời đen kịt, mưa xối xả như trút nước khiến mấy giậu cúc trắng ngoài sân như ngã rạp. Trong gian phòng tối mờ mờ, mành treo run lên phần phật vì gió tạt mạnh, mấy ngọn đèn cao nửa người mới đốt cũng leo lét rồi tắt ngóm.

Từ ánh chớp lập lòe lúc sáng lúc tối, loáng thoáng có thể thấy được bàn ghế sập gỗ đều được sơn son thếp vàng, tuy trống trải đến mức từ cửa lớn nhìn vào là có thể thấy được đến tận buồng trong nhưng vẫn không thể giấu được khí phách từng có.

Năm trước, kinh đô từ Thăng Long đã dời về Thanh Đô, phía cung Thiều Hoa của Thái hậu báo vật liệu đường xa eo hẹp, lại lấy việc tiết kiệm làm kế chống Minh nên hạn chế thói xa hoa. Đây thực ra chỉ là vẻ ngoài, ít ai biết trên quãng đường dỡ gạch ngói gỗ lớn ở Thăng Long đến Thanh Đô thuyền bè gặp bão bị đắm mất quá nửa, thế nên những thứ tàn dư còn lại vào được bờ cũng chẳng có chút mưa móc đến được cung Thiều Dương.

Thế mà chẳng hiểu sao cung Thiều Hoa lại như dát vàng hết thảy, chẳng thấy tiết kiệm chỗ nào.

Thành xây vỏn vẹn ba tháng, khiến bất kể một ai đều có thể mường tượng ra được cảnh binh lính và dân đen bị bắt bớ làm phu xây thành, sự khó nhọc, vất vả khiến tiếng kêu than không sao tả xiết. Không ít những giai thoại truyền miệng cũng từ đấy mà ra.

[Dã Sử Việt, Xuyên Không] Nửa Mạn Phong BaNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ