xiii;

214 56 7
                                    


-36-

Điều khiến cậu Hạo lo lắng nhất trong cuộc tình này không phải là khoảng cách từ kinh thành đến huyện Cam, mà là ông huyện và bà hai sẽ nghĩ gì về mối quan hệ của cậu và em Hiền. Bà hai có vẻ đã phát giác ra điều gì đó rồi, có điều vì cậu chưa chính thức thừa nhận cho nên bà cũng không đào sâu vào.

Thế ông huyện thì sao?

Nỗi lo ấy cứ dai dẳng đeo bám cậu suốt mấy năm trời, đến tận khi em Đáo Hiền của cậu từ quan xã nhỏ nhoi, trở thành thầy dạy trong Quốc Tử Giám vẫn chưa hề xuôi đi dù chỉ một ngày. Đứa nhóc ngày ấy núp sau lưng cậu vì sợ thằng Bảy, bây giờ đã trưởng thành, trầm ổn để người khác noi gương theo rồi.

"Năm sau là thầy tôi cáo quan về quê rồi."

"Nhanh vậy rồi cơ ạ? Em tưởng ông huyện phải làm mấy năm nữa?"

"Thầy mệt rồi, bảo là cả tôi với Kiến Hựu đều hiểu chuyện rồi nên cũng bớt lo. Thầy về quên nuôi cá trồng rau với má."

Bà cả cũng chẳng đối địch gì với cậu Hạo nữa, cũng chỉ là diễn cho thiên hạ xem, cho ngoại của cậu xem. Giờ ngoại cũng đã nhắm mắt rồi, chẳng cần phải tốn công tốn sức làm gì. 

Hay một cái là, bây giờ đang có bốn người đối mắt nhìn bốn người ở trong phòng khách.

Cụ thể thế này, thầy Văn Minh dắt con trai Huyền Chuẩn sang thưa chuyện. Vừa hay đúng dịp Vương Hạo với Đáo Hiền về huyện Cam chơi, cuối cùng lại bị cuốn vào tình huống khó xử này. 

Vương Hạo cứ nghĩ chuyện má cậu năm xưa đã là chuyện sốc nhất trong đời cậu rồi, hóa ra không phải như thế. 

Ông Khê thong thả uống trà với thầy Văn Minh, còn bà cả với bà hai nhìn nhau cười cười.

"Chúng bây yêu nhau hết chứ gì? Tốt cho ông đây quá! Đời ông có hai lần nhìn hai bà đẻ mà sợ chết khiếp! Không cần con cháu gì nữa đâu, đủ rồi! Sống là được rồi!"

Lúc bà hai sinh Vương Hạo cũng khó sinh, lúc bà cả sinh Kiến Hữu cũng khó sinh. Đứa nào cũng dọa ông Khê sợ đến mức người ta tưởng ông mới là người đẻ con. Mấy bữa sau ông còn đi không vững, thi thoảng còn chạy sang chọc hai đứa trẻ khóc um lên để chắc chắn không phải là mơ.

Thôi sinh con mà khổ thế này, đừng có mà sinh nữa!

Thằng Hạo thích thằng Hiền á, tốt quá!

Thằng Hựu thích thằng Chuẩn à, càng tốt hơn!

Đời ông sợ nhất là chuyện đẻ đái, quá mệt mỏi rồi!



-37-

Câu chuyện về Trạng Nguyên Đáo Hiền được viết thành mấy bài vè cho bọn trẻ con đọc vanh vách. Cũng nhờ ấy, chuyện học hành của mấy đứa bé nhà nghèo cũng được chú ý hơn. Nhà vua ban lệnh các xã phải có ít nhất một lớp học chống mù chữ, tuyệt đối không được thu của dân một đồng nào. Vương Hạo và Đáo Hiền cũng phụ trách một phần trong chính sách này, chọn lọc những thầy đồ cẩn thận để dạy dỗ bọn trẻ.

"Cậu Hạo, em nấu cơm rồi. Bữa nay cậu qua nhà em ăn cơm."

Còn thằng Bảy, nó đã lấy vợ rồi. Chẳng hiểu thế nào mà thằng Bảy ngố ngố trả hai đồng cho một đĩa bánh cuốn hồi ấy lại lọt vào mắt xanh của cô chủ tiệm vải. Cô nàng bỏ qua lời sắp đặt của thầy u, một thân đàn bà con gái lập nên cái tiệm này, cũng gọi là có của ăn của để. Mà sao lại vừa mắt thằng cu vừa ngố vừa dốt như thế nhỉ?

"Cậu không nỡ bán nó lại cho tôi à? Bao nhiêu tiền tôi cũng trả!"

"Ừ, không nỡ đâu. Nó còn phải theo hầu tôi mấy năm nữa. Cô dạy toán cho nó lâu vậy rồi mà không chán nó à? Dốt như thế về làm chồng của bà chủ, người ta cười cho!"

"Chồng như thế mang về nhà dễ bảo dễ nuôi. Mấy đứa khôn lỏi ngoài chợ đầy, khéo chúng nó lừa hết tiền của tôi."

"Thế cô lấy thằng Bảy về, nó không lừa tiền của cô đâu nhưng mà trông nó cẩn thận. Khéo nó lỡ lấy vải lụa nhà cô nhóm bếp đấy, cô Linh ạ."

"Cậu Hạo cứ khéo đùa em!"

Vương Hạo nhìn thằng Bảy, giờ đã làm tía của một thằng cu rồi. Hai đứa chăn trâu gánh nước ngày xưa sau vườn của nhà quan tri huyện Cam, đều đã lớn hết cả.

Thời gian đúng là không chờ một ai.

Cứ nghĩ mới hôm qua thôi, bọn họ còn ở hiên nhà, thằng Bảy cầm cái quạt mo quạt cho cậu, còn thằng Hiền thì bóc vải cho cậu ăn. Chớp mắt một cái, vẫn là phải tách nhau ra.

Không còn là ba người vô lo vô nghĩ ở huyện Cam nữa.

"Nay nhà mi lại ăn dịp gì đấy?"

"Mợ Linh nhà em chửa đứa thứ hai cậu ạ!"

"Úi chà! Thế mà bấy lâu nay cậu tưởng mi khù khờ, hóa ra cũng khôn phết!"

Cậu theo thói quen cầm quạt gõ nhẹ vào đầu nó một cái. Tách nhau ra thì đã làm sao nhỉ? Chỉ cần trong lòng vẫn còn tôn trọng lẫn nhau, dăm bữa nửa tháng uống một chén rượu, là đã không phí mất tình nghĩa sống với nhau mười mấy năm rồi.

"Mợ nhà em bảo là hai vợ chồng em không biết dạy trẻ. Xuất phát từ con buôn với thằng hầu, dạy khéo hư mấy đứa nhóc ra. Nên định bụng nhờ cậu trước, chờ mấy năm nữa bọn em gửi con sang đây, nhờ cậu với em Hiền dạy chúng nó tí chữ nghĩa cho nó nên người cậu ạ."

"À ra là ăn bữa này mất phí hả?"

Xem ra cô Linh kia cũng dạy dỗ thằng Bảy cẩn thận lắm, ăn nói đâu ra đấy. Dạy chữ thì ai dạy chẳng được, hai vợ chồng biết chuyện của cậu Hạo với em Hiền, biết rằng một đời này bọn họ không có duyên với con cái nên đã đánh tiếng trước về chuyện mấy đứa trẻ con còn chưa biết nói.

Bảy ấy à, giờ cho đi chăn trâu khéo trâu còn chê, tại nói chuyện khôn ra rồi, trâu không hiểu nữa rồi.

Pernut ⋆⋆ Trong nắng chiều là màu mắt emNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ