II: Mối Liên Hệ (Chương 6)

63 1 0
                                    


Chương 6

Nhà tù Tombs.

Đây thực ra không còn là khu nhà tù nguyên bản Tombs được xây từ thế kỷ Mười chín nữa. Nó đã biến mất từ lâu, nhưng mọi người vẫn sử dụng cái tên cũ khi nói đến nơi này: Nhà tù Trung tâm Manhattan, ở giữa thành phố, nơi Arthur Rhyme đang ngồi. Trái tim của anh vẫn đều đều giữ nguyên nhịp đập tuyệt vọng thịch, thịch, thịch kể từ khi anh bị bắt.

Nhưng cho dù được gọi là Tombs, MDC* ( Viết tắt của Manhattan Detention Center: nhà tù Trung Tâm Manhattan) hay Trung tâm Bernard Kerik (tên của nó trong một thời gian ngắn trước khi cựu cảnh sát trưởng và giám đốc hệ thống cải huấn bị thất sủng), với Arthur, nó chỉ đơn giản là địa ngục.

Một địa ngục khủng khiếp.

Anh đang mặc một bộ áo liền quần màu cam như những kẻ cùng bị giam khác, song tất cả sự tương đồng giữa anh và họ chỉ dừng lại ở đó. Người đàn ông cao một mét bảy mươi tám, nặng tám mươi sáu kilogam với mái tóc nâu cắt ngắn này khác biệt ở mức rõ rệt nhất với những kẻ đang chờ xét xử khác tại đây. Anh không hề béo tròn và có "lăn mực" (anh đã biết được điều đó có nghĩa là xăm mình), cũng không cạo trọc đầu, hay ngu ngốc, không phải da đen hay gốc Latinh. Nghi phạm tương tự như Arthur, một doanh nhân bị truy tố vì một tội ác trong giới trung lưu không mấy khi phải tạm trú ở Tombs cho tới khi ra tòa, đám này thường được tại ngoại nhờ bảo lãnh. Cho dù bọn họ có phạm tội gì đi nữa, những hành động phạm pháp đó cũng không đến mức phí bảo lãnh bị ấn định ở hai triệu đô như với Arthur.

Vậy là Tombs trở thành nhà của anh kể từ hôm Mười ba tháng Năm, quãng thời gian dài nhất, khó khăn, đau khổ nhất trong đời anh.

Thật điên rồ.

Có thể Arthur đã gặp người phụ nữ mà người ta cho rằng chính anh đã sát hại, nhưng anh không thể nhớ gì về cô ta. Phải, anh từng lui tới phòng tranh ở khu SoHo đó, nơi nạn nhân từng ghé qua, nhưng anh không hề trò chuyện với cô ta. Phải, anh đam mê các tác phẩm của Harvey Prescott và đã từng rất khổ sở khi phải bán bức tranh của mình sau khi mất việc. Nhưng đánh cắp một bức tranh? Giết người? Có phải bọn họ phát rồ hết rồi không? Trông anh giống một tên sát nhân lắm sao?

Đó là một bí ẩn không lời giải với anh, giống như bài toán của Fermat* (Tức Pierre de Fermat: một nhà toán học nổi tiếng và cha đẻ của lý thuyết số hiện đại) mà ngay cả sau khi đọc lời giải anh vẫn không tài nào hiểu nổi. Máu của người phụ nữ nọ trong xe anh? Rõ ràng anh đã bị cài bẫy. Thậm chí anh từng nghĩ chính đám cảnh sát đã làm trò đó.

Sau mười ngày ngồi tại Tombs, vụ bào chữa cho 0.J. Simpson* (Tức Orenthal James Simpson: cựu ngôi sao bóng bầu dục Mỹ đã được xử trắng án trong vụ giết vợ cũ Nicole Brown Simpson và người tình của cô – Ronald Goldman vào năm 1995) trở nên ít kỳ quặc hơn.

Tại sao, tại sao, tại sao? Kẻ nào đứng đằng sau chuyện này? Anh nghĩ tới những lá thư đầy phẫn nộ mình đã viết khi Princeton gạt bỏ anh. Một số rất ngớ ngẩn, nhỏ mọn, thậm chí toàn mùi đe dọa. Có thể kẻ tâm thần bất ổn nào đó trong giới học thuật muốn báo thù sau khi đọc những chỉ trích anh đã nhắm vào họ. Rồi còn cả cô ả sinh viên lớp anh giảng đã đến tiếp cận anh. Anh đã nói dứt khoát với cô ta, anh không muốn một mối quan hệ bồ bịch. Vậy là cô nàng nổi xung.

[Tiểu Thuyết] Dữ Liệu Tử ThầnNơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ