"Chia tay" là từ mà không ai muốn nghe, là cảm giác mà chẳng ai muốn nó xảy ra... Vì chỉ mới nghe thoáng qua thôi, trái tim ta đã cảm thấy quá ư buồn bã. Nhưng trong cuộc sống này, có những cuộc chia ly để mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, hoặc giá có những điều bắt buộc nó phải diễn ra như thế mà ta chẳng thể nào thay đổi được... Thì lúc đó, con gái yêu, hãy luôn nhìn thẳng vào sự thật và tìm cách bình yên nhất để chấp nhận nó.
Trên đời này, thực sự, có một thứ gọi là "chia tay".
Ngày hôm nay, mẹ muốn kể cho con nghe câu chuyện của mẹ khi bé...
Hồi mẹ còn nhỏ, thỉnh thoảng bố mẹ của mẹ (là ông bà ngoại của con) cũng cãi nhau. Chẳng to lắm đâu. Nhưng vì việc này diễn ra không mấy thường xuyên, nên mỗi lần nó xảy ra, một đứa trẻ như mẹ đều cảm thấy mệt mỏi. Bố mẹ giận nhau, con cái ở giữa rất khó xử. Ai đã trưởng thành rồi, khi nhớ lại tuổi thơ của chính mình, trong những lần bố mẹ cãi vã, hẳn có thể mường tượng được cảm giác thời thơ ấu đó, thật chẳng dễ chịu gì?
Có khi mẹ còn nói với ông bà rằng: "Bố mẹ ly dị đi!"
Đối với một đứa trẻ như mẹ ngày đó thật khó để hiểu được rằng sao người lớn cần phải tranh cãi? Rằng những cãi vã có thể xảy ra trong gia đình là chuyện cũng bình thường thôi, chứ chẳng to tát gì.
Đối với một đứa trẻ mà nói, mọi mâu thuẫn trong gia đình giữa bố mẹ chúng, dù là nhỏ nhặt, trông cũng thật.... to đùng.
Ông bà bây giờ vẫn thường trêu mình: " Con cái kiểu gì mà lại bảo bố mẹ ly dị."
Thực ra thì do tính cách mẹ vốn tỏ ra cứng rắn từ bé, thành thử đó chỉ là phản ứng "có vẻ oách" như vậy thôi. Chứ có đứa trẻ nào muốn gia đình tan vỡ đâu cơ chứ?
Và mẹ biết, con cũng thế đúng không? Mỗi lần bố mẹ giận nhau, con đều cảm nhận được và ra an ủi mẹ, dỗ dành bố. Mong bố mẹ yêu nhau bằng cả trái tim đi nào. Mẹ muốn nói với con rằng, mẹ rất hiểu. Bởi vì mẹ đã từng trải qua cảm giác buồn bã lo lắng ấy... Nên ngày hôm nay, mẹ sẽ cố gắng hết sức, vun đắp gia đình này bằng tình yêu thương để con không phải chịu đựng bất cứ tổn thương nào ở nơi đây.
Con gái à, trên đời này có một thứ gọi là chia tay... Nhưng ở đây, trong ngôi nhà này, vì các con, bố mẹ sẽ luôn luôn gắn kết, dù ngày mai ngoài kia sóng to gió lớn thế nào... Ai đó nắm tay con rồi lại buông ra vội vã, con hãy nhớ, chỉ cần trở về nhà, có bố mẹ ở đây, sẽ luôn nắm lấy tay con, thật chặt.
...............
**** Dành cho người lớn "chúng ta":
Bố mẹ của tôi là một cặp vợ chồng hạnh phúc, nhưng cũng có lúc khiến cho con cái "khó hiểu" như câu chuyện mình vừa kể phía trên kia. Huống chi, những đôi vợ chồng thường xuyên để con gái đứng giữa, làm trọng tài hôn nhân, thì không biết những đứa trẻ như thế sẽ tổn thương nhiều đến nhường nào?
Con gái tôi bây giờ mới 2,3 tuổi thôi mà bé đã rất nhạy cảm với tiếng ồn. Và "cãi vã" là một trong những loại tiếng ồn ảnh hưởng đến bé nhiều nhất.
Bố mẹ cãi nhau, giận nhau, dù việc đó không xảy ra trước mặt bé (Tất nhiên vợ chồng tôi đều phải ý thức được rõ cần phải kiềm chế trước mặt con như thế nào. Dù có giận nhau ra sao, trước mặt con vẫn bình thường như không có chuyện gì to lớn cả)... Nhưng có vẻ bằng sự nhạy cảm của một đứa trẻ, bé vẫn có thể nhận ra sự "khác thường". Và vì thế mà trở nên buồn bã.
Bé Bìn thường thích đứng ở giữa bố và mẹ. Bé nói bố nắm một tay, còn mẹ nắm một tay. Vô cùng hạnh phúc khi bố mẹ dung dăng dung dẻ đi chơi với bé, dù chỉ quanh quẩn ở chung cư thôi, bé cũng vô cùng phấn khích.
Bìn thích được thơm má. Nhưng phải là thơm theo dây chuyền mới chịu. Tức là. Mẹ "thơm thơm" Bìn. Bìn " thơm thơm " bố. Rồi bố lại "thơm thơm" mẹ. Cứ "thơm thơm" hết một vòng như thế, bé lại sung sướng phá lên cười.
Nhìn con như vậy, quả thực cảm thấy hạnh phúc là thứ rất dễ lây lan.
Thực ra, trong mắt người lớn chúng ta có rất nhiều vấn đề quá lắm ưu tư và chẳng thiếu gì phiền muộn. Nhưng với một đứa trẻ, nỗi lo lắng của các bé có khi đơn giản chỉ là thấy bố mẹ chẳng vui.
Chúng ta đã trưởng thành rồi. Sinh con ra, ai cũng cần có trách nhiệm. Trách nhiệm không chỉ là nuôi dạy con cho tốt, mà còn uốn nắn mình, để không vô tình làm con cái bị tổn thương.
Nhiều người rất ích kỳ, chỉ nghĩ nỗi buồn của mình là to lớn vô biên, chìm đắm trong đó mà bỏ rơi con cái. Những vết sẹo vô tình hình thành trong các bé suốt thời thơ ấu sẽ ảnh hưởng đến nhân cách, lối sống và tương lai các bé sau này. Có người còn nói: "Rồi lớn lên con sẽ hiểu được thôi." .... Ừ con hiểu, nhưng suốt tuổi thơ buồn đau ấy, ai sẽ là người trả lại năm tháng đã qua cho con cái của bạn đây? Đừng nói vô trách nhiệm như vậy.
Rồi một ngày, chúng ta nói, tôi đã cố hết sức để nuôi dạy con cái mình ? Hay sẽ nói, tôi đã cố hết sức để nuôi dạy và làm cho con cái tôi hạnh phúc?
Đừng dễ dàng cãi vã, đừng dễ dàng đập phá, đừng quá dễ chia ly khi chúng ta là một gia đình. Bởi một khi là cha mẹ, bạn là mái nhà, che chở cho các con mình. Để con có được tình thương ấm áp, để con có được tuổi thơ yên bình, hãy cho con một gia đình hạnh phúc, hết sức mà bạn có thể. Đừng để những ký ức tuổi thơ, là những đau đớn trong tâm hồn non nớt. Hãy ý thức những gì bạn nói, và có trách nhiệm với những việc bạn làm.
"Dù ngày mai ngoài kia sóng to gió lớn thế nào....
Ai đó nắm tay con rồi lại buông ra vội vã,
con hãy nhớ, chỉ cần trở về nhà, có bố mẹ
ở đây, sẽ luôn nắm lấy tay con, thật chặt."
BẠN ĐANG ĐỌC
Mẹ Em Bé và Bố - Gào - Full
RomanceMẹ, em bé và bố - cuốn sách đầy cảm hứng sống, yêu thương và hạnh phúc. Dự án sách được ấp ủ suốt 5 năm của nữ văn sĩ Gào. "Nhà là nơi những bức bối, giận hờn dừng lại sau cánh cửa. Nhà là nhà, là nơi để chúng ta trở về và vun đắp yêu thương." Đã từ...