1.Khái niệm và đặc điểm của thủ tục hành chính
- Khái niệm
Thủ tục hành chính là trình tự thực hiện thẩm quyền của các cơ quan hành chính Nhà nước hoặc cá nhân, tổ chức được uỷ quyền trong việc giải quyết các công việc của Nhà nước và các kiến nghị, yêu cầu chính đáng của công dân hoặc tổ chức nhằm thi hành nghĩa vụ hành chính, đảm bảo công vụ của Nhà nước và phục vụ nhân dân.
Nội dung của khái niệm:
+ Thủ tục hành chính do pháp luật quy định.
Thủ tục hành chính do pháp luật quy định, chính vì thế nó có tính bắt buộc thi hành đối với các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền tiến hành thủ tục hành chính và mọi công dân, tổ chức tham gia vào thủ tục hành chính.
Toàn bộ các quy phạm pháp luật về thủ tục hành chính tạo thành chế định quan trọng của luật hành chính nó cho biết các quy phạm nội dung của luật hành chính được thực hiện bằng cách nào.
Chẳng hạn như, bằng cách nào để có thể đăng ký được hộ khẩu? Cần những giấy tờ gì để có được giấy phép hành nghề hợp pháp? Hoặc bằng cách nào để vay vốn sản xuất…
Quy phạm thủ tục hành chính còn có tên gọi là quy phạm hình thức. Thiếu bộ phận này, luật pháp sẽ không có đủ điều kiện để đi vào đời sống. Vì vậy, trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, sau các quy định về nội dung là những quy phạm thủ tục để thực hiện nội dung đó.
- Thủ tục hành chính diễn ra trong lĩnh vực chấp hành và điều hành.
Nếu có sự thừa nhận hoạt động của nhà nước có sự phân công và phối hợp chặt chẽ trên các lĩnh vực lập pháp, tư pháp và hành pháp thì tương ứng chúng ta có thủ tục lập pháp, thủ tục tư pháp và thủ tục hành chính. Thủ tục lập pháp là thủ tục xây dựng Hiến pháp, luật, các văn bản mang tính luật. Thủ tục tư pháp là thủ tục xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hành chính do TA, VKS tiến hành. Còn thủ tục hành chính là thủ tục giải quyết các công việc mang tính chấp hành và điều hành. Đó chủ yếu là các thủ tục tiến hành các hoạt động công vụ nhằm hỗ trợ, tổ chức hay tạo điều kiện để các hoạt động của đời sống xã hội, hoạt động kinh tế được thực hiện thuận lợi.
+ Chỉ có các hoạt động quản lý hành chính được quy phạm thủ tục hành chính điều chỉnh mới tạo thành thủ tục hành chính, còn các hoạt động tổ chức – tác nghiệp cụ thể nào đó trong hoạt động quản lý hành chính không mang nội dung quyền lực nhà nước, không được các quy phạm thủ tục hành chính điều chỉnh thì không được thực hiện theo thủ tục hành chính.
Ví dụ: thủ tục tiến hành hội nghị, tổ chức cuộc họp, thủ tục mượn sách thư viện… đều không phải là thủ tục hành chính.
- Những đặc điểm của thủ tục hành chính
+ Thứ nhất, thủ tục hành chính được thực hiện bởi nhiều cơ quan và công chức nhà nước.
Quản lý hành chính nhà nước được tiến hành bởi nhiều chủ thể khác nhau có thẩm quyền quản lý nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều cấp khác nhau, vì vậy khác với thủ tục lập pháp chỉ do QH tiến hành, khác với thủ tục tố tụng chỉ do các cơ quan như VKS, TA, cơ quan điều tra thực hiện, thủ tục hành chính được tiến hành bởi nhiều cơ quan và công chức nhà nước.