Chương 1: TỰ THUẬT

3.4K 43 0
                                    

Ta sinh năm Mậu Tý (1768) niên hiệu Cảnh Hưng. Lúc bấy giờ tiên đại phu ta là Hiến sát tỉnh Hà Nam mới về. Bà tiên cung nhân (1) hoài thai ta, vẫn ăn uống đi lại như thường, đến bảy tám tháng chưa biết là có thai.

Năm ta lên sáu tuổi, đấng tiên đại phu ta mới thăng làm Tuần phủ Sơn tây, bổng lộc đã dư dụ, song những cách chơi ấy, đa, hoa, chim ta không để bụng ham mê. Bà bảo mẫu họ Hoàng thường hỏi ta: “Về sau có muốn làm gì không?”

Ta nói: “Làm người con trai phải lập thân hành đạo, đó là phận sự rồi, không phải nói nữa. Sau này trưởng thành mà được lấy văn thơ nổi tiếng ở đời để cho người ta biết là con cháu nhà nọ nhà kia, chí tôi chỉ muốn như thế thôi”.

Bà bảo mẫu nghe ta nói thế, lại mách cho đấng Tiên đại phu và bà cung nhân ta biết, các vị đều ban khen cả. Thấm thoắt hơn hai mươi năm trời
mà lời dạy bảo của cha mẹ vẫn văng vẳng bên tai. Nay đến bước đường cùng lận đận, còn biết đội gạo vì ai (2) chỉ than thở cùng trời xanh, chứ biết gửi lòng mình vào đâu!

Đấng tiên đại phu ta trải qua Hiến sát Nam Định, Tuần phủ Sơn tây, trong trắp vẫn thường có cái mũ với cái khăn, ta thường lúc đùa bỡn cứ hay lấy ra đội, mà thích nhất là cái mũ trãi quan (3). Dẫu cấm không cho chơi nghịch cũng không thể được. Có người đem những sách truyện Nôm và những trò chơi thanh sắc, nghề cờ bạc, rủ rê chơi đùa, thì ta bịt tai lại không muốn nghe. Ta đã học vỡ được ít kinh sử, thế mà chữ Nôm ta không biết hết, câu ca, bản đàn thoảng qua ngoài tai rồi lại lờ mờ không hiểu gì cả.

Năm Giáp Thìn (1784) (4) ta mắc
bệnh có nguy cơ đến tính mệnh; khỏi dậy, anh trưởng ta mới dạy ta đánh cờ tướng, ta học đánh vài năm, nhưng hễ đánh với ai là thua. Năm ngoài hai mươi tuổi, cùng với các bè bạn chơi cờ, lúc bấy giờ mới hiểu được cái thế công thủ trong cuộc cờ, nhưng lại không muốn để trí vào nữa.

Còn như những trò chơi cờ bạc, phán thán (5) thì ta vốn không thích, đôi lúc đùa, thử tập chơi, nhưng ít lâu cũng chẳng hiểu cái thuật nó ra như thế nào. Đó cũng bới tư chất mình, trời cho cũng có phần mờ tối, không thể cưỡng mà học được các nghề chơi.

Có điều, sau khi lưu lạc rồi, lại mắc phải cái bệnh nghiện chè Tàu. Khay chén thiếu thốn, tiền không đủ mua chè, mà vận nghiện. Nghiện quá, các thứ chè tùng quyến thơm tho, thứ nào cũng muốn mua nếm qua cả. Đã nhiều lần muốn chừa cho hẳn mà không chừa được.

Còn nhớ khi bà cung nhân ta hãy còn, người thường lấy những điều cờ bạc chè rượu làm răn, mà nay ta đã ngoài ba mươi tuổi, bốn đều răn ấy (6) đã phạm mất ba. Đêm thanh vắng, suy xét, hối hận vô chừng. ta vẫn mong cố gắng sửa đổi, để khỏi phụ lời tiên huấn.

Ta khi mới lên chín tuổi, đã học sách hán thư, được bốn năm thì đấng tiên đại phu ta mất. Trong mấy năm cư tang, gối đất nằm rơm, học hành buổi đực buổi cái, đến khi mãn tang rồi
mới thôi không học sử nữa mà học đến kinh. Các sách cổ, thơ cổ, ta thường ham xem lắm, không lúc nào rời tay.

Năm Nhâm Dần (1792), anh trưởng ta ra đi đua đòi ở chốn kinh đô (Thăng Long), anh hai ta ra trọ ở đất Hạ Hồng (Ninh Giang), chỉ có ta ở lại nhà để hầu hạ. Bà cung nhân ta thì ở trong nội tẩm (7), một mình ta ở ngoài trung đường (8), ngảnh mặt về hướng tây, vốn là chính tẩm (8) của đấng tiên đại phu ta ở trước.

Phía tây xối nước (9) là nhà khách năm gian, trước mặt trông xuống cái ao vuông. Trong ao thả hồng liên và bạch liên, chung quanh bờ trồng thanh liễu và cam quít. Cách nhà khách năm sáu bước, lại chắn ngang một dặng rào trúc, từ phía nam nhà trung đương đến bờ ao phía tây; phía bắc thì dựng một cái bình phong che khuất đi. Phía đông ao giáp sân nhà khách, có trồng năm ba cây hoa nhài, hoa hồng, hoa ngâu, hoa mẫu đơn. Trông xa ra ngoài cánh đồng, cách hàng rào tre, thấp thoáng một cái quán trơ trọi.

Mỗi lần ăn cơm sáng xong, ta ra nhà khách, trong đó chồng chất mấy giá sách, tùy ý muốn xem quyển nào thì xem. Mặt trời đã xế, trẻ mục đồng đuổi trâu về qua rào, vừa đi vừa hát, có đứa thì cuốn lá làm kèn mà thổi ti toe, ta đang ngủ ngày, sực tỉnh dậy, nghe tiếng hát xa, chẳng khác gì tiếng ca thuyền chài ánh ỏi ở đầu bến
Nhược Gia (10).

Tối đến, lúc mặt trăng mới mọc, đi tản bộ quanh bờ ao, ngâm nga mấy câu Đường thi cũng thú, hoặc tựa gốc dừa, cành hoa phất phơ trước mặt, ngồi bẻ bông tước lá thử chơi. Khi lẩn thẩn trở về nhà khách thì bóng nguyệt hương hoa vẫn còn phảng phất trên án thư, tràng kỷ. Ta thức đến gà gáy mới đi ngủ.

Cuối mùa đông năm ấy, anh thứ ta từ phương xa trở về, lại cùng ta sớm tối được non một năm nữa. Nay anh hai ta đã mất rồi, cảnh gia đình thì tiêu điều, ta thì lưu lạc giang hồ, đoái nhìn non sông mờ mịt, khôn cầm giọt lệ (11).
_______

(1) Đại phu là cha, cung nhân là mẹ. Thêm chữ “tiên” để chỉ người đã quá cố.

(2) Theo sách Gia ngữ của Khổng Tử, ngày xưa ông Tử Lộ thuật cuộc đời mình cho Khổng
Tử nghe, có nói: “Ngày ngày tôi phải đi ra ngoài trăm dặm đội gạo về nuôi mẹ…” Ý nói:
phụng thờ.

(3) Trãi quan là thứ mũ của người chấp hành pháp lệnh đội; ở đây là mũ của thân sinh tác
giả khi giữ chức Hiến sát.

(4) Năm này, Phạm Đình Hổ 16 tuổi.

(5) Một lối đánh bạc của người Trung Quốc, giống như lối đánh lú của ta.

(6) Người ta thường răn bốn điều (tứ giới): tửu (rượu), sắc (gái), yên (thuốc phiện), đổ (đánh bạc) chứ không ai cấm uống chè tàu hoặc cấm đánh cờ. tác giả đã phạm ba điều là uống rượu, uống chè và đánh cờ, chỉ không đánh bạc.

(7) Nội tẩm: lớp nhà trong.

(8) Trung đường: lớp nhà giữa.

(9) Xối nước: máng nước giữa hai mái nhà.

(10) Nhược Gia là tên một cái ngòi ở phía nam thành Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, các bài thơ cổ đều hay nhắc đến. Ở đây tác giả nhớ đến câu thơ của Lý Bạch trong bài Thái liên khúc (Khúc hát hái sen): Nhược Gia khê bàng thái liên nữ (Có cô con gái hái sen bên ngòi Nhược Gia).

(11) Những câu nói này chứng tỏ Vũ trung tùy bút được viết sau khi nhà Lê mất và Tây Sơn lên cầm quyền, Phạm Đình Hổ đi dạy học ở các vùng nông thôn.

VŨ TRUNG TÙY BÚT Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ