Chương 21: PHONG TỤC

211 3 0
                                    

Sông bến có lúc suy di, ví như cuộc đời có lúc biến đổi; phong tục cũng thế. Ta khi nhỏ, đương về thịnh thời đời Cảnh Hưng, phong tục hãy còn chuộng về trung hậu, mọi người hàng ngày giao tiếp với nhau vẫn có ý dễ dàng, giữ thói khiêm nhượng; ai làm điều gì xằng bậy chỉ sợ người ta biết mà chê cười. Đến những kẻ hoạn quan quý thích và những kẻ con em vô lại, cũng chưa dám công nhiên làm càn; có kẻ nào không theo lễ pháp mà làm càn thì những bậc phụ lão nhà lương gia ngầm đem những chuyện ấy răn con cháu. Chốn hương đảng họp hành và lúc thân thích yến ẩm, thì chỉ những người cao tuổi, đầu đã hoa râm trở lên, mới được dự; còn trai trẻ trở xuống, giá có mời đến dự cũng đều nhút nhát lùi lại cáo từ. Có việc gì bàn luận thì chỉ bậc tôn trưởng cao tuổi quyết định, còn những hàng dưới thì chắp tay nghe theo. Khi làng xóm vào đám xuân thu tế tự, hoặc có gọi con hát đến hát thờ thần, thì cỗ bàn và tiền thường không xa xỉ lắm. Người nào làm hơi quá, thì ai ai cũng cười mà bác rằng không phải thành lệ của tiền nhân. Khi nào có bè bạn thân thích qua chơi, không phải bậc khách quý hay không phải khi đại lễ, thì không giết gà vịt. Chè tàu giá rất rẻ, nhưng người nghiện chè cũng ít; chỉ có nhà quyền môn thế tộc mới có thể uống chè tàu. Khi nào có khách, thết rượu, chỉ dùng cái chén nhỏ bằng đầu ngón tay cái, uống vài chén rồi thôi ngay, nếu mời uống quá thì ai cũng chê là say đắm. Ta thường nghe các bậc tiền bối bàn chuyện từ đời Long Đức, Vĩnh Hựu (1) trở về trước, cho là đời ấy phong tục còn hồn hậu hơn nhiều, tiếc rằng ta không được trông thấy. Từ đời chúa Trịnh Thịnh Vương (Trịnh Sâm) lên nối ngôi, chúa mắc chứng tẩm tật (2), chính sự càng ngày càng nát, những người họ hàng ngoại thích và những con em du đãng đều đua nhau ngoa ngoét, dối trá để ganh nhau; những đồ đạc làm hợp khuôn phép thì biến đổi cho lệch lạc đi; xống áo dùng đã có phép tắc, thì biến cải, thêm bớt đi; tất cả lễ độ về giao tiếp, thù tạc, ăn uống, cư xử, đều bị bóp méo, mỗi ngày một khác, đua nhau chuộng lạ; nếu có người không chịu thay đổi, thì lại hùa nhau chê cười, thậm chí muốn hãm hại và xô đổ đi. Tập tục càng ngày càng kiêu bạc (3).
_______

(1) Long Đức (1732 – 1733) là niên hiệu Lê Thuần Tông; Vĩnh Hựu (1739 – 1740) là niên hiệu Lê Y Tông.

(2) Trịnh Sâm hoang dâm quá độ nên mắc bệnh trĩ hạ.

(3) Kiêu bạc là bị coi thường.

VŨ TRUNG TÙY BÚT Nơi câu chuyện tồn tại. Hãy khám phá bây giờ